Làm thế nào để thảo luận cùng cô?
Tiên (17 tuổi) chia sẻ: “Nhiều khi tớ nghĩ rằng kiến thức cô giảng là cũ và muốn bàn luận cùng cô lắm. Ví dụ như chỗ này sao lại giải quyết hướng này mà không đi hướng khác gọn hơn. Nhưng tớ lại dè chừng vì sợ mất lòng cô lắm. Nên là đành im luôn.”
Nếu bạn gặp phải trường hợp như của Tiên, bạn hãy suy nghĩ và chắc chắn về quan điểm của mình trước đã rồi bạn sẽ gặp riêng cô và nói với cô là bạn đang gặp vấn đề với phần kiến thức cô vừa dạy, nhưng hãy nói khéo là: “Thưa cô, cô có thể xem lại phần này không vì em lại đang hiểu theo một ý khác,…”. Sau đó, bạn có thể nên thêm một số ví dụ để chứng minh cho quan điểm của mình. Còn nếu không, bạn hãy gửi email cho thầy cô, như vậy sẽ tránh sự mất lòng, mà cô cũng sẽ nghĩ là bạn nhiệt tình với môn học của cô nữa đấy. Thầy cô không bao giờ từ chối giải đáp và sửa chữa lỗi sai mà.
Tranh luận cùng thầy cô, có nên không?
Nhiều bạn có suy nghĩ rằng tranh luận với thầy cô thì bản thân sẽ không được lợi gì mà còn bị thầy cô điểm mặt và nhớ tên nữa. Nhưng sự tranh luận giữa giáo viên và học sinh là chứng tỏ sự say mê và chú ý của các bạn, thể hiện việc tiếp nhận kiến thức chủ động và nhiều chiều. Quan trọng là khi đưa ra ý kiến của mình, bạn cần phải suy nghĩ về nó một cách rõ ràng, chắc chắn rồi hãy đem ra tranh luận. Nếu không mỗi người một thắc mắc lẻ tẻ, thì lớp bạn sẽ biến thành cái chợ mất.
Các bạn cũng cần phải có một thái độ chuẩn mực, tôn trọng thầy cô khi trình bày ý kiến của mình. Điều này cần phải nhấn mạnh vì trong các lớp chuyên, nhiều khi có nhiều bạn đã có giải Quốc gia, hoặc có tiềm năng tốt đang được các thầy cô chú trọng phát triển thì lại rất hay có thái độ coi thường những giáo viên trẻ thuộc bộ môn đó. Điều này là vô cùng cấm kị đấy nhé, dù các bạn có đúng đi chăng nữa.
Tình yêu "gà bông"
Vấn đề tình yêu ở môi trường học đường, thể hiện thế nào là ổn?
Thầy cô và bố mẹ luôn rất nhạy cảm với vấn đề tình cảm của học sinh chúng mình. Nhiều thầy cô còn vô tình phát hiện ra một cơ số đôi trong lớp nữa đấy. Nhưng khi biết thầy cô đã biết được chuyện thì chúng ta lại tỏ ra e ngại. Thật ra, các bạn biết cách thể hiện tình cảm thì rất dễ thương. Nhiều đôi còn biết kèm nhau học tập, cùng cố gắng đỗ vào trường Đại học tốt, như thế thì thầy cô nào mà chẳng luôn ủng hộ cả hai tay, đúng không nào?
M.Phương ( 18 tuổi) chia sẻ: “Lên cấp III, và có một tình yêu gà bông thì chẳng có gì đáng lên án cả, và mình cũng đã từng có một thời gian như thế (cười). Nếu tình cảm là chân thành thì nó sẽ là những trải nghiệm rất ngọt ngào mà ai cũng muốn có. Nhưng việc nên thể hiện nó thế nào ở trường lớp là rất quan trọng. Đi chơi với bạn bè có thể gọi nhau bằng nickname thì ok, nhưng ở lớp mà cứ thể hiện thế thì chướng tai lắm. Mình thích các bạn cứ xưng ấy - tớ là dễ thương nhất”.
Bạn muốn cân bằng việc học và hoạt động ngoại khóa?
Đây cũng là một vấn để mà nhiều bạn hiện nay quan tâm không kém. Như cậu bạn Thanh Huy, (THPT Chuyên LK, QN), quỹ thời gian của cậu bạn không nhiều, nhưng Huy vẫn tham gia câu lạc bộ tình nguyện, đến giúp đỡ các em nhỏ bất hạnh. Đối với Huy, đó là những bài học về cuộc sống, là những trải nghiệm rất đáng quý. Vì thế, Huy chia sẻ, cậu ấy không hề thấy lãng phí khoảng thời gian đã bỏ ra. Huy lên kế hoạch, thời gian biểu cụ thể, chú tâm vào các việc nên làm thì nhất định mọi việc sẽ cân bằng tốt, năng động hơn, sáng tạo hơn, tự tin hơn, có nhiều trải nghiệm thực tế để liên kết với bài học trên lớp.
Những hoạt động ngoại khóa luôn giúp cho chúng ta có những kĩ năng, kinh nghiệm sống quý báu, mở rộng hơn các mối quan hệ. Nếu muốn cân bằng thời gian hoạt động ngoại khóa, làm đẹp CV với các môn học ở lớp để học ổn mà vẫn năng động thì các bạn cần phải đặt ra thời gian biểu cụ thể để các công việc không chồng chéo, và cũng cần có những mục tiêu thực tế, đừng gồng mình quá và phải giữ gìn sức khỏe cho mình cả về thể chất lẫn tinh thần. Dĩ nhiên, đa zi năng là rất nên nhưng các bạn cũng cần có thời gian cho bản thân nữa. Nhiều bạn vì quá nhiều việc muốn làm mà thường bỏ quên các môn học phụ là vậy. Chỉ cần các bạn chú ý trên lớp ghi chép đầy đủ và xem lại bài trước khi đến lớp là có thể nắm vững kiến thức rồi. Chỉ cần có ý thức về việc học hành nghiêm túc, đó chính là cách cân bằng tốt nhất đấy!