Trò đánh thầy: Đừng nhìn học sinh là cá biệt

VTC, Theo 08:28 13/11/2012

Trước hàng loạt vụ việc học sinh đánh thầy cô giáo diễn ra trong thời gian qua, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã có những nhận định về nguyên nhân và cách xử lý vấn đề này.

Hiện tượng nam sinh đánh thầy giáo, chỉ vì bị nhắc nhở không được cạo đầu đến trường, không được ăn mặc thiếu lịch sự... khiến nhiều người lo sợ về việc văn hóa học đường đang xuống cấp, những giá trị cốt lõi bị đảo lộn, truyền thống tôn sư trọng đạo đang bị mai một. 

Nhận định về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, thạc sĩ Tâm lý học, giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM khẳng định, học trò đánh thầy là sai: "Nhưng tôi băn khoăn không hiểu lý do thật sự lúc đó vì sao trò lại đánh thầy."

Có phải do một số bạn trẻ ngày càng manh động, do giá trị tôn sư trọng đạo bị xói mòn hay do thầy ứng xử chưa mềm mại, chưa phù hợp với tâm lý của trẻ bây giờ, làm một số trẻ không kiềm chế được cảm xúc và hành vi bùng nổ?

Trò đánh thầy: Đừng nhìn học sinh là cá biệt 1
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu 

Đặt trong trường hợp nếu anh là một giáo viên bị rơi vào hoàn cảnh này, anh sẽ xử lý ra sao?

Đã để một đám cháy xảy ra, có chữa thì cũng đã cháy rồi. Tốt nhất là đừng để điều đó xảy ra. Ông bà ta đã dạy: lấy nhu thắng cương. 

Đối với những trẻ cứng đầu, bất cần, hung hăng thì kỷ luật hay la mắng hầu như không có tác dụng. Cái có thể tác động đến các em chính là tình cảm, đó là “quyền lực mềm” mà kỷ luật khuôn phép không có được.

Thực ra, cái vỏ gai góc bên ngoài chỉ là che đậy che cái tâm hồn yếu đuối bên trong của các em mà thôi. Để yêu những đứa trẻ “cá biệt”, để hiểu chúng, để thông cảm và đặc biệt là kiên nhẫn để dùng tình cảm với chúng là điều có vẻ “không tưởng” với chúng ta. 

Tuy nhiên, đó là cách hiệu quả nhất mà một nhà sư phạm nên tập luyện cho mình.

Dưới góc độ tâm lý lứa tuổi, nguyên nhân của vấn đề sẽ được giải thích như thế nào?

Một là, từ xưa, lứa tuổi mới lớn rất dễ có hành động bột phát do hưng phấn thần kinh mạnh. Cộng hưởng với việc thiếu chín chắn trong suy nghĩ, thiếu kinh nghiệm trong phản ứng nên hành động rất mạnh mẽ bất ngờ.

Hai là, giới trẻ bây giờ cái tôi phát triển rất sớm. Ngày xưa thầy cô là số một, là chân lý, thầy cô cha mẹ bảo gì thì nghe đấy. Nhưng bây giờ xã hội đã hiện đại, tôn trọng cái tôi cá nhân của mỗi người, thế nên một số bạn trẻ thổi phồng cái tôi của mình quá mức và làm thui chột đi giá trị tôn sư trọng đạo.

Ba là, học sinh ít được dạy về kỹ năng kiềm chế cảm xúc và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Cảm xúc bản năng chưa được thuần dưỡng, mâu thuẫn với thầy cô chưa biết cách giải quyết. Thế nên học sinh khi tự ái, khi bức bối là phản ứng một cách rất “bản năng”.

Đó là chỉ riêng dưới góc độ từ học sinh. Hiện tượng này còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như cách ứng xử của người lớn chẳng hạn.

Những vụ việc học sinh đánh thầy cô giáo đang diễn ra ngày càng nhiều 

Phải chăng, trong xã hội hiện đại, mối quan hệ thầy trò đang bị thương mại hóa dẫn tới học sinh không còn “tôn sư trọng đạo”? Học sinh ngày nay hư hơn so với trước kia?

Không có thế hệ trẻ nào khi sinh ra mà tự nó hư hơn thế hệ trước cả. Tôi không cho rằng học sinh ngày nay hư hơn, mà là thế hệ trẻ ngày nay phức tạp hơn, người lớn không bắt kịp sự phát triển của trẻ để có thể giáo dục được chúng. 

Về việc “thương mại hóa” mối quan hệ thầy trò, thật đau lòng khi phải thừa nhận điều đó có thật, làm cho cái nhìn về thầy cô không còn đẹp như trước đây nữa. Tuy nhiên, hiện tượng đó không phải là quá phổ biến, không thể lấy đó làm lý do biện minh cho hành động đánh thầy đánh cô. 

Trò đánh thầy: Đừng nhìn học sinh là cá biệt 2

Để những hiện tượng học sinh đánh lại thầy cô giáo không còn tái diễn, theo anh cần phải có biện pháp gì?

Tôi nghĩ thay đổi đầu tiên là ở người thầy. Nguyên tắc cơ bản trong giáo dục là nguyên tắc “may đo”, mỗi học sinh là một bản chính – không có bản photocopy, mỗi học sinh có cá tính riêng, suy nghĩ riêng.

Do đó chỉ có một cách giáo dục là “nhắc nhở, phê bình” mà áp dụng cho tất cả các học sinh thì rõ ràng là sẽ không có tác dụng đối với một số học sinh và phản tác dụng với một số học sinh khác. 

Phương pháp giáo dục ông thầy đưa ra phải hợp với tâm lý của từng kiểu học trò. Tác động cách này không thành công thì phải tác động bằng phương pháp khác. Phương pháp giáo dục của thầy phải đánh động được suy nghĩ và tình cảm của học sinh.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cái tình của người thầy. Một tên tướng cướp đôi khi lại rất thương vợ, một kẻ thủ ác đôi khi lại rất hiếu thảo với mẹ mình, vì đó là người duy nhất chấp nhận họ và yêu thương một “kẻ xấu” như họ. 

Thầy cô cũng cần như thế, đừng nhìn học sinh với ánh mắt là một kẻ cá biệt, một kẻ hư hỏng, một tên tội phạm. 

Phải nhìn học sinh với ánh mắt đồng cảm, vì các em vẫn còn đang lớn, vẫn còn những khiếm khuyết, vì thế mới cần đến nhà trường. Cái gì xuất phát từ trái tim thì mới được đáp lại bằng trái tim. Nếu tin tưởng và kiên nhẫn thực hiện đến tận cùng điều này, bạn sẽ thấy điều này hoàn toàn đúng.a
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày