Thi lại Đại học, tại sao không?

Thùy Dương, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 23/08/2013
Chia sẻ

Thời gian này, các trường đang công bố điểm chuẩn thi Đại học, nếu bạn là một sĩ tử vừa mới “thành công bị trì hoãn”, không việc gì phải buồn vì vẫn còn rất nhiều cánh cửa khác luôn mở rộng chào đón bạn.

Một trong những cánh cửa ấy mang tên "thi lại", chỉ cần có nỗ lực quyết tâm và định hướng đúng đắn thì chắc chắn thành công sẽ mỉm cười với bạn.

Giải tỏa áp lực tâm lý

Tâm lý chính là điều quan trọng nhất tại thời điểm này, vì nếu tâm lý tốt và ổn định thì teens mới tỉnh táo định hướng được cho mình con đường đúng đắn và phù hợp với bản thân nhất. Nếu bạn có bố mẹ tâm lý hoặc anh chị đi trước có kinh nghiệm ở bên cạnh động viên và định hướng cho thì thật tuyệt. Tuy nhiên, cũng có khi không tránh khỏi việc bố mẹ buồn mà trách móc tiêu cực, thậm chí có những bạn vì áp lực quá còn tự tử hoặc bỏ nhà đi. Những lúc như vậy, chúng mình không nên nản lòng mà càng phải lấy tình thương bố mẹ làm động lực để thành công khiến bố mẹ vui lòng. Hãy thể hiện là mình đã trưởng thành, thẳng thắn nói với bố mẹ rằng con sẽ quyết tâm thi lại và lo cho tương lai của mình chứ không bỏ cuộc. Chắc chắn rằng không có bố mẹ nào thấy con mình có quyết tâm, biết suy nghĩ như vậy mà lại nỡ mắng nữa cả.

Thi lại Đại học, tại sao không? 1

Chậm 1 năm so với các bạn khác thì cũng không làm sao cả, thậm chí trong thời gian đó bạn còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm và dành nhiều thời gian cho gia đình và bản thân hơn đấy. Cô bạn P. Thùy (thi lại ĐH KTQD thành công) hài hước chia sẻ: “Sau khi trượt năm đầu tiên tớ đã quyết tâm thi lại ngay, cùng lắm là tớ lấy chồng muộn hơn các bạn khác 1 năm thôi mà”.

Thường thì khi quyết định thi lại, teen sẽ có rất nhiều băn khoăn thắc mắc và bị rối giữa rất nhiều lời khuyên, có người thì khuyên nên học NV2 luôn vì 1 năm thi lại dễ phân tán tư tưởng, có người khuyên thi lại. T. Dung (thi lại ĐH Ngoại thương) chia sẻ: “Hồi tớ mới biết tin trượt ĐH vì thiếu 0,5 điểm, mẹ tớ đánh mắng nhiều lắm, còn lôi chuyện tớ có bạn trai hồi năm lớp 12 ra làm lý do tớ trượt nữa. Họ hàng thì toàn các anh chị đỗ đạt nên tớ xấu hổ vô cùng. Tớ không có ai để chia sẻ, thậm chí còn cắt tay tự tử nhưng không được. Cuối cùng tớ cũng phải suy nghĩ trưởng thành hơn, hiểu rằng dù bố mẹ nói thế nhưng bố mẹ rất thương con và có khi còn buồn hơn mình. Tớ quyết định không học NV2, sắp xếp lại sách vở lớp 12 và quyết tâm đăng ký ngay lớp học ôn thi. Năm sau tớ đỗ luôn 2 trường cả khối A1 và D, thậm chí còn thừa điểm nữa. Quan trọng là không được sợ sệt hay nản lòng, chính mình mới là người hiểu rõ tình hình và mong muốn của mình nhất chứ không phải ai khác, cứ đi là thấy đường, cứ gõ cửa sẽ mở”.

Vừa học NV2 vừa ôn thi hay chỉ ở nhà ôn thi?

Nhiều teen chọn phương pháp an toàn vừa học NV2 vừa ôn thi lại. Ưu điểm cách này là an toàn, nhưng yêu cầu bạn phải có “tinh thần thép” lắm, vì cuộc sống sinh viên ĐH thoải mái hơn cấp 3. Thời gian đi học không nhiều, nhưng có nhiều bạn bè mới, nhiều mối quan tâm mới, rất có thể bạn sẽ bị xao nhãng việc ôn thi. Còn nếu ở nhà thôi sẽ hơi buồn đối với những bạn tính tình hướng ngoại. Câu trả lời có lẽ năm ở chính bạn, hãy viết ra giấy những nét đặc biệt về tình cách, hoàn cảnh và mong muốn của chính bản thân bạn để đưa ra câu trả lời hợp lý. Dù có chọn phương án nào, thì bạn cũng có được những trải nghiệm quý báu cho chính mình rồi. Bật mí thủ khoa ĐH Y Hà Nội và ĐH Quảng Bình vừa rồi cũng là 1 cậu bạn thi lại đấy.

Thi lại Đại học, tại sao không? 2

Chuẩn bị con đường bước tới thành công

Những “bí kíp” sau đây sẽ giúp teen mình có một hành trang thật tốt để bước vào con đường gõ cửa thành công, đến với cổng trường ĐH mà bạn yêu thích.

Đọc sách: Sách là một người bạn thân thiết luôn luôn bên cạnh và có thể giúp teens thay đổi theo chiều hướng tích cực. Những cuốn sách như: Tôi tài giỏi, Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Bí quyết thành công… chắc chắn sẽ mang lại cho bạn một tinh thần lạc quan và những phương pháp học hiệu quả.

Tìm những người bạn có chung mục đích: Trên con đường học chông gai, chắc hẳn sẽ có những lúc teen nản lòng, vậy thì 1 người bạn đi cùng sẽ giúp chúng mình đứng dậy và không đi lầm đường lạc lối. 1 người bạn học chung và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng cùng sẽ rất tuyệt phải không? Bạn ấy có thể chính là bạn học của mình, hoặc là teens tìm bạn ở trên các forums học tập cũng rất nhiều.

Lập kế hoạch cá nhân chi tiết: Bản kế hoạch cá nhân sẽ giúp teens định hướng con đường mình đi tốt hơn. Bạn có thể tham gia lớp thể dục, học đàn, hát, nhảy… hoặc đi làm thêm 1 công việc nhỏ tích lũy kinh nghiệm, vì bạn không thể cứ đóng cửa ở nhà học mãi được. Bạn cũng có thể dành 1 - 2 tháng để đi du lịch hoặc về quê với ông bà, vừa là để hít thở không khí trong lành, vừa có thêm tinh thần học hành hơn. Đi học thêm cũng là cần thiết, nhưng cần thiết nhất có lẽ vẫn là sự tự giác học tập của teen. Tổng hợp lại lý thuyết và tự mình làm sách, làm các đề thi cho nhuần nhuyễn, lúc đó teen mình sẽ tự tin đi thi ngay thôi. Học mỗi ngày 1 ít, chúng mình có 1 năm để chuẩn bị.

Chỉ cần có định hướng đúng đắn và quyết tâm, chắc chắn bạn sẽ thành công!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày