Thầy giáo dạy văn nuôi học trò

Tuổi Trẻ, Theo 16:00 19/01/2014

Lo học trò của mình gặp hoàn cảnh nghiệt ngã sẽ bỏ học giữa chừng, thầy giáo dạy văn đã nhận những học trò ấy về làm con nuôi, hỗ trợ chi phí học tập và động viên học hành.

Đến nay, ba trong số bốn đứa con nuôi ấy của thầy đã vào đại học, cao đẳng.

Nhiều giáo viên ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Đreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) bật cười khi được hỏi về “gia đình” của thầy Ninh Văn Dậu - giáo viên dạy văn của trường. Thầy Dậu là một người khá đặc biệt: bước qua tuổi 33 vẫn chưa lập gia đình nhưng đã làm bố bốn, năm đứa con cao ngang đầu mình. Thỉnh thoảng vào thứ bảy, chủ nhật cuối tuần, phòng trọ nơi khu tập thể của thầy lại rôm rả vì những đứa con nuôi ở xa về thăm bố, kể cho nhau nghe chuyện học tập ở thành phố.

Chuyện của đứa con bị “bắt chồng”

Năm 2009, khi về xã Ia Đreh thăm Nay Lep - cậu học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ vừa trúng tuyển đại học - để chuẩn bị cho học bổng “Tiếp sức đến trường” của Tuổi Trẻ, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh thầy giáo chủ nhiệm tên Dậu, người thấp chạy chiếc xe máy cà tàng lết giữa bùn đất để dẫn chúng tôi vào thăm nhà cậu học trò nghèo. Rồi sau khi cậu học trò của mình vượt qua được nghịch cảnh vào Trường đại học Tây nguyên, thỉnh thoảng người thầy ấy lại gọi điện nhờ chúng tôi “chạy qua thăm con trai xem nó ăn ở thế nào, có khó khăn quá không”. Tình cờ gặp lại ở buôn làng, thầy Dậu cho biết không riêng Nay Lep mà đến nay thầy đang cưu mang... bốn đứa con nuôi. Những học trò được thầy cưu mang đều gặp nhau ở hoàn cảnh: đứa mồ côi cha, đứa mồ côi mẹ, có đứa cha mẹ nghèo quá bắt phải bỏ học giữa chừng, nhưng cũng có đứa đang học lớp 11 thì bị sơn nữ đến ép phải “bắt chồng”...

Thầy giáo dạy văn nuôi học trò 1

  Thầy Ninh Văn Dậu (trái) và em Đỗ Ngọc Quang - học lớp 11 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, một trong số các con nuôi của thầy - Ảnh: B.D.

Thầy Ninh Văn Dậu cho biết nơi thầy đang công tác là xã vùng 3 khó khăn của huyện Krông Pa. Ở đây học sinh chủ yếu là con em đồng bào Ja Rai, nhiều luật tục còn ảnh hưởng nặng nề như tảo hôn, lấy chồng lấy vợ khi còn đang đi học. Bởi vậy, học trò lớn lên theo học được đến hết lớp 12 là cả một nỗ lực phấn đấu lớn lao. Năm 2009, thầy Dậu được giao phụ trách môn văn khối 11 lớp học Ja Rai. Thầy kể dù là học sinh Ja Rai nhưng đó có lẽ là lớp học mà học sinh học tốt nhất từ khi thầy nhận công tác.

Trong lớp có Ksor Sếp, mới 16 tuổi nhưng sắp bị một cô gái tên Nay Hput ở buôn Nai bắt làm chồng. Sếp tâm sự rằng em rất buồn. Sếp muốn được đến trường, muốn được học hết lớp 12 để sau này có thể học cao hơn và làm bác sĩ. “Nghe vậy mình rất thương, mình nói sẽ nhận Sếp làm con nuôi và nhận trách nhiệm như một người cha” - thầy Dậu kể. Sau khi được đích thân thầy giáo của mình nhận làm con nuôi, Ksor Sếp nhờ bố nuôi đến gỡ bỏ việc bị bắt chồng. Thầy Dậu phải mất nhiều ngày mới giải thích cho hai bên gia đình của Sếp lẫn Hput thông suốt tư tưởng: “Mình nói rằng Sếp còn muốn đi học, Hput ưng bắt chồng cũng được nhưng phải đợi cho Sếp học hết lớp 12, thi có bằng tốt nghiệp đã rồi hẵng bắt”. Cuối năm 2010, đúng như đã hẹn trước, ngày Ksor Sếp vừa nhận kết quả đậu tốt nghiệp cấp III, cả nhà của Nay Hput đã chuẩn bị heo, bò qua hỏi chồng. Lúc này thì Ksor Sếp gật đầu để được tiếp tục theo học Trung cấp Y tế Gia Lai khi cưới xong.

Đỡ đầu tinh thần

Ngoài Ksor Sếp, thầy Dậu còn có ba đứa con nuôi khác. Đó là Nay Mel (buôn Đrai, Ia Đreh) - sinh viên khoa toán Trường đại học Đà Lạt, Ra Lan Sen (buôn Đrai, Ia Đreh) - sinh viên khoa công nghệ thông tin Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Đỗ Ngọc Quang - lớp 11 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.

Ra Lan Sen mất bố khi mới lên lớp 7, bố Sen cũng là đồng nghiệp của thầy Dậu nhưng ra đi quá sớm, để lại Sen và gánh nặng gia đình cho vợ. Thầy Dậu cho biết lúc nhận Sen làm con nuôi, Sen đang hoàn toàn suy sụp, nếu không có người đỡ đần sẽ đứng trước nguy cơ bỏ học. Còn Nay Mel nhà rất nghèo. Mỗi ngày Mel phải cùng bố mẹ lên rẫy, tối về mới học bài nhưng kết quả học rất khá. Sau mỗi giờ học Mel thường rủ thầy về thăm nhà, kể cho thầy nghe những dự định của mình.

Thầy Dậu cho biết các con nuôi của thầy đều rất ngoan, có chí. Thầy nói lương thầy không đủ để chu cấp cho tất cả các em ăn học nên thầy chỉ hỗ trợ lúc các em gặp khó khăn, thiếu thốn. Phần còn lại thầy sẽ là người bố tinh thần để chỉ bảo học tập, định hình suy nghĩ, tương lai cho các em. Thầy Dậu tâm sự đúng lúc các em gặp khó khăn nhất nếu không có bàn tay nào nâng đỡ, động viên thì các em sẽ nản chí mà bỏ học, tương lai cũng vì thế khép lại rồi cuối cùng không vượt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ở buôn làng.