Đi học và không áp lực điểm số
Một sự thật là trên 80% phụ huynh đánh giá con mình dựa trên điểm số. Mà không quan tâm tại sao con mình đạt được điểm số đó. Đây chính là nguyên nhân chính khiến cho mỗi ngày đến trường “không còn là một niềm vui" của teen. Vô tình nó biến thành nỗi ám ảnh, đôi khi là nghĩa vụ phải học, mà thiếu đi niềm đam mê, sự sáng tạo, đó lại là điều cốt lõi để giúp các bạn học tập tốt hơn. Thậm chí nhiều bạn điểm khá cao nhưng hàm ý của bài toán ấy muốn mang lại thì chẳng hiểu "mô tê" gì.
Một điều nữa, khi bị tuột thứ hạng thấp, nhất là với những teen luôn có bề dày thành tích học tập xuất sắc thì việc phải đối mặt với điều này quả là thực sự kinh khủng. Bạn lo lắng, áp lực và không dám về nhà, không dám đối diện với bố mẹ.
Ít ai nghĩ rằng, chính vì hơn thua điểm số mà làm cho teen trở nên “ì” hơn, lười phát biểu ý kiến hơn. Chỉ khi thầy cô giáo nói ai phát biểu hay giơ tay lên bảng chữa bài sẽ được cô cho điểm hoặc cộng điểm thì teen mới “có tinh thần phát biểu”. Khiến việc học của teen trở nên thụ động hơn rất nhiều. Dĩ nhiên sẽ dẫn đến kết quả không khả quan.
Được theo đuổi đam mê của mình
Bố mẹ nào cũng thương con, vì vậy luôn muốn hướng cho con mình đi theo con đường bằng phẳng, ít chông gai nhất. Thế nên thường thì bố mẹ đã lựa chọn sẵn trường đại học cho teen. Nhưng không phải lúc nào suy nghĩ của bố mẹ cũng giống như sở thích và đam mê của teen.
Chỉ vài tháng nữa thôi, teen 12 sẽ bắt đầu với việc làm hồ sơ thi đại học. Theo nguyện vọng của bố mẹ hay đi theo tiếng gọi của con tim? Vấn đề khiến cho teen phải bận tâm “đau đầu” nhiều nhất. May mắn bố mẹ ủng hộ con đường mình tự chọn thì không sao, chẳng may bố mẹ một mực phản đối nguyện vọng của bạn, thật khó khi phải đứng giữa sự lựa chọn.
“Tụi mình biết suy nghĩ và tình yêu thương mà bố mẹ dành cho mình. Nhưng mình mong bố mẹ hãy đặt vào vị trí của mình để thấu hiểu nhiều hơn. Chính bố mẹ cũng phải thừa nhận rằng, mình sẽ khó làm tốt những gì mình không thích. Vậy tại sao bố mẹ nhất quyết bắt ép mình phải học và làm ngành nghề mà bản thân không có hứng thú với nó” - Đây là những lời tâm sự của H. Anh, một teen cuối cấp (Hà Nội) khi được hỏi về việc chọn trường của mình.
Được hết mình cùng tập thể
“Tụi mình chỉ còn mấy tháng bên nhau nữa thôi, rồi mỗi người sẽ đi theo những hướng khác nhau. Kẻ Bắc, người Nam, biết khi nào mới có cơ hội được cùng nhau tề tựu trong lớp học. Ba năm dưới mái trường THPT không chỉ giúp con thu nhận được kiến thức từ sách vở, mà nó còn cho con tình cảm thắm thiết giữa những người bạn. Đơn giản chỉ là việc một bạn nam cùng con dắt xe đạp đi bộ giữa trưa nắng để tìm nới sửa xe, chỉ đơn giản là một ngày 20/10 thật ấm cúng, chỉ đơn giản là những lời chúc, những món quà tự tay các bạn làm tặng con vào ngày sinh nhật… Tất cả đều in sâu trong tâm trí con.
Vì vậy con muốn được hòa mình vào những hoạt động tập thể cuối cùng của lớp. Con hứa sẽ không sao nhãng việc học hành. Vì thế nếu chẳng may con được nghỉ học buổi, các bạn có rủ nhau đi ăn chè, đi cổ vũ cho đội bóng nam thì bố mẹ cũng hãy đồng ý nhé!”- Nga (17t) chia sẻ.
Bố mẹ cũng đã từng trải qua những tháng ngày cuối cấp, cũng có những dòng lưu bút viết vội, cũng có những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên má trong ngày chia tay. Bố mẹ cũng từng rung động, xao xuyến trước một người bạn khác giới khi ở tuổi giống chúng con. Vẫn còn một điều nữa con muốn bố mẹ là người bạn của con. Bố mẹ hãy là quân sư cho con khi con thích một bạn trong lớp. Thay vì cấm đoán con không được chơi với bạn ấy nữa. Bởi tình cảm, tình yêu ở tuổi học trò trong sáng và hồn nhiên biết bao.
Vẫn còn rất nhiều điều teen 12 muốn trải lòng cùng bố mẹ. Hãy gần gũi và chia sẻ những cảm xúc của mình với bố mẹ. Chắc chắn bạn sẽ nhận được những điều mình mong muốn!