Tâm sự của tân SV nghèo trước cửa đại học

GDVN, Theo 15:41 15/08/2012
Chia sẻ

"Tôi giấu kín tờ giấy báo nhập học xuống đáy hòm như để cố chôn đi sự hụt hẫng, nỗi buồn đang lớn dần trong lòngi mình"...

Các trường ĐH, CĐ đã công bố kết quả tuyển sinh năm 2012. Xung quanh việc trượt hay đỗ có khá nhiều câu chuyện cảm động về mỗi cá nhân, mỗi hoàn cảnh sống. Một bức thư của bạn Huỳnh Anh với những lời tâm sự mộc mạc, chân thành mà ý nghĩa.

Nhà tôi nghèo. Thứ tài sản có giá trị nhất trong nhà có lẽ là giá sách. Đó là tài sản quý giá cả cuộc đời ông ngoại làm nghề giáo để lại. Mẹ tôi coi nó như một kho báu. Mỗi lần đọc sách, tôi thường có thói quen lật đến trang cuối cùng để xem mọi chuyện kết thúc như thế nào. Mẹ luôn lắc đầu mỗi lần nhìn thấy tôi như vậy. Mẹ nói nếu không sửa chữa thì sau này con sẽ trở thành người không có tính kiên trì, nhẫn nại, rồi sẽ chẳng vượt qua được những khó khăn.

Mẹ là người uốn nắn cho tôi từ những nét chữ đầu tiên, người có phép nhiệm màu biến chữ tôi từ "gà bới" thành chữ đẹp. Mẹ cũng là người truyền cho tôi niềm đam mê môn Văn học, ước mơ trở thành cô giáo. Mẹ nói cuộc đời mẹ không thực hiện tròn ước mơ, mẹ mong con sẽ là người tiếp tục theo đuổi nó.

Hai mươi năm về trước mẹ đã là tân sinh viên ĐH Sư phạm. Thế nhưng, mẹ phải dừng việc học lại sau khi ông ngoại bị đột quỵ. Nỗi đau quá lớn, cộng thêm hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nên mẹ đành gác ước mơ làm cô giáo lại.

Tôi sinh ra trên mảnh đất nghèo, nơi những người thôn quê chỉ lao động chân tay. Bạn bè tôi phần nhiều học lớp 9 là lập gia đình, đi làm thuê. Họ suy nghĩ xung quanh mình toàn những người không thoát nổi cái nghèo thì làm sao mình có thể khác đi được? Nhà tôi cũng nghèo, nhưng mẹ tôi không bao giờ cho phép tôi được suy nghĩ như vậy. Mẹ nói: "Con hãy lấy cái nghèo làm động lực vươn lên".

tam-su-cua-tan-sv-ngheo-truoc-cua-dai-hoc

Nhà tôi làm nghề nông, quanh năm trông vào hai vụ lúa, trăm bề khó khăn. Những trò chơi của tôi cũng đều dãi nắng dầm mưa trên cánh đồng mùa ngô xanh mướt mắt, mùa lúa chín rộm vàng. Bố mẹ tôi không ít ngày đã phải nhịn ăn dành tiền cho tôi đi học, cầm cố sổ đỏ để đóng học phí. Cuộc sống cứ luẩn quẩn trong vòng thiếu trước, hụt sau.

Cuộc đời mẹ tôi là một câu chuyện buồn trong một cuốn sách dày cộm; là những ngày tháng làm lụng thâu đêm suốt sáng, là những ngày xương cốt rã rời đớn đau mỗi khi trái gió trở trời nhưng mẹ vẫn không nghỉ. Mẹ đã phải đối diện với một chuỗi những nỗi buồn và thất vọng, nhưng vẫn luôn hi vọng. 

Bố và mẹ lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Cả cuộc đời quen với cơm trộn sắn. Đến khi bố mắc bệnh hiểm nghèo từng ngày hủy hoại sức khỏe cũng như trí nhớ thì bố chỉ ăn canh nháo nhác. Đó là thứ canh nấu từ hỗn độn các loại rau mẹ hái ngoài đồng về. Bố mất, rau nháo nhác xanh vòm mộ bố yên bình, trên cánh đồng bạt ngàn gió. Tôi và mẹ mất đi người đàn ông quan trọng nhất đời mình.

Bố đã nằm xuống, hai mẹ con nương tựa nhau sống qua từng ngày. Căn nhà thiếu hơi đàn ông trở nên lạnh lẽo, u ám. Tôi nhớ nguyên ký ức cánh đồng sau mùa lũ thành biển nước, ao bùn. Giọng mẹ sũng ướt: “Lấy thân cây về đun cũng không cháy, chứ gì lấy hạt”. Lại một mùa nữa, nếp nhăn lăn dài như cỏ dại trên khuôn mặt hóp hép của mẹ. Áo mẹ mặc thêm rộng. Lưng mẹ thêm còng.

Dù có mất mùa mẹ cũng không để tôi bỏ học. Giữa bốn bề trắng xóa nước, mẹ vẫn tần tảo sớm hôm như thân cò, thân vạc gieo mồ hôi lên cánh đồng để gặt lấy hạt giống niềm vui, trao cho con để ươm mầm cuộc sống, tự gom lấy một vụ mùa bội thu.

Tôi học đến năm lớp 12, kinh tế gia đình hết sức khó khăn, việc học hành của tôi như một gánh nặng bởi học phí, bởi những cái nhìn coi thường của bạn bè cùng trang lứa. Nhiều lần được bạn bè cùng quê rủ rê đi làm trên tỉnh, tôi cũng nao lòng, xin mẹ nghỉ học. Thế nhưng, mẹ không cho phép tôi làm điều đó.

Mẹ nói, mẹ có thể hi sinh tất cả nhưng không thể để tôi thiệt thòi. Chỉ có việc học hành mới có thể giúp gia đình tôi thoát khỏi nghèo khó. Tôi lại vững tâm hơn mà học. Mỗi buổi tôi đến trường, mẹ phải gánh gạch thuê ngoài lò khiến tôi chỉ muốn khóc.

Cầm giấy trúng tuyển vào ĐH Sư phạm, tôi hạnh phúc đến ngỡ ngàng. Tôi chưa kịp nói với mẹ để niềm vui nhân lên thì nỗi buồn đã ập tới khi phía dưới con số điểm cao của tôi là dòng chữ: “Trước khi làm hồ sơ nhập học, anh (chị) phải đóng học phí học kỳ 1, bảo hiểm y tế...”. Tôi lướt nhìn xuống những con số trong tờ Giấy trúng tuyển và nghĩ: cánh cửa đại học đã khép lại rồi. Ước mơ vừa chớm nở đã vụt tắt khiến tôi bật khóc.

Tôi lo lắng khi nghĩ đến ngày mẹ phải ở một mình, kiếm đâu ra số tiền để tôi trang trải cho cuộc sống nơi phố thị. Tôi giấu kín tờ giấy báo nhập học xuống đáy hòm như để cố chôn đi nỗi hụt hẫng, nỗi buồn đang lớn dần trong người mình. Thế nhưng, mẹ đã đến bên cạnh tôi từ khi nào. Mẹ nói, chính mẹ là người dạy con học chữ, dạy con biết đọc sách như thế nào sao cho đúng, và hơn ai hết mẹ mong cuốn sách đó sẽ viết những câu chuyện có hậu.

Tôi đã hiểu và biết mình phải làm gì. Không nên từ bỏ ngay cả khi mọi thứ đều u ám bởi nếu hi vọng thì bất kỳ tình huống nào cũng có giải pháp. Tôi ôm lấy mẹ mà thủ thỉ:

Mẹ ơi, cuộc sống mới đang đón chờ con ở phía trước. Con sẽ đi làm thêm. Con hứa sẽ sống tốt để làm giầu cả về tri thức lẫn tâm hồn. Mẹ từng kể cho con nghe về nhiều người sống trong nghèo khó đã không giữ được mình. Con còn rất nhớ lời mẹ nhắn nhủ: "Nhà nghèo không phải là cái tội, cũng không thể đem ra làm bia đỡ đạn, nó chính là động lực cho con cố gắng". Con hứa sẽ thực hiện trọn vẹn ước mơ của mẹ, để mỗi khi đứng trên bục giảng, nhìn học trò con không cảm thấy xấu hổ vì mình là người kém cỏi.

Ở trên cao, bố đang mỉm cười...
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày