Sau mỗi kì thi đại học, điều mà teen mong chờ nhất là kết quả. Đậu, hiển nhiên là một điều vô cùng hạnh phúc và vui sướng với không chỉ teen mà còn với gia đình, những người thân. Ngược lại, trượt đại học - quả là một điều gì đó vô cùng khủng khiếp, có thể được coi như là cú sốc đầu đời với khá nhiều teen.
Có những bạn gục ngã, thất vọng, tưởng như mọi thứ đều đã sụp đổ. Bên cạnh đó cũng có những teen nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh và xác định hướng đi cho bản thân. Nhưng đã bao giờ teen tự hỏi lại chính bản thân mình “tại sao tôi trượt đại học?”
Vì mình chưa may mắn?
Có nhiều người nói “Học tài thi phận”. Âu cũng là cái số. Có lẽ tại mình chưa gặp được thần may mắn? Những phần học thuộc, mình nắm chắc thì lại không thi vào, còn những phần mình lỡ chưa học kĩ hay chưa hiểu rõ lắm thì trong đề thi lại có. Đúng là “xui” mà! Dám chắc không ít teen đã từng “ca thán” về điều này với những người bạn của mình.
Ngược lại, tự phân tích một chút, nếu mình học tốt tất cả các phần, không có tâm lí học tử "phần này trong các đề thi mọi năm ít thi, vì vậy mình sẽ không học nó” thì mọi chuyện đã khác. Nếu phần kiến thức nào trong sách giáo khoa teen cũng nắm rõ thì ắt hẳn đề bài ra kiểu gì và dạng nào thì teen cũng làm được.
Tất nhiên không ai trong chúng ta có thể phủ nhận 1% của sự may mắn. Nhưng để nắm bắt được 1% đó quả thật rất mong manh và không phải ai cũng nhận được 1% may mắn đó. Vì vậy trước hết teen cần phải dựa vào chính năng lực, kiến thức của bản thân mình.
Trượt đại học có thể là do nhiều vấn đề khác, chứ không hoàn toàn do khả năng của chính bạn. (Ảnh mang tính minh họa).
Phương pháp học tập, ôn thi chưa đúng?
Rất nhiều teen trong giai đoạn nước rút cuối cùng sau khi thi tốt nghiệp xong, đã lao đầu vào giải các đề thi đại học năm trước, hoặc tập trung đi ôn ở các lò luyện thi đại học. Thậm chí có những teen còn học ôn một ngày tới 3 ca: sáng, chiều và tối. Điều này hoàn toàn sai lầm, không những không giúp ích cho teen mà đôi khi còn phản tác dụng.
Trước hết teen cần phải nắm kĩ tất cả các kiến thức cơ bản của từng chương học trong mỗi môn. Làm bài tập thật thành thạo. Sau đó mỗi ngày chỉ nên giải một đến hai đề thi mà thôi. Mục đích để xem khả năng về mặt thời gian và những phần nào mình còn “lơ tơ mơ” nhất nhằm kịp thời chấn chỉnh.
Và một điều không thể thiếu đó là tự học. Ôn thi ở lò luyện sẽ giúp teen củng cố lại kiến thức của mình và hiểu sâu hơn những phần khó. Nhưng quan trọng là teen thu nhận được những gì? Chính vì vậy thời gian tự học là rất quan trọng. Nó giúp teen biết cách vận dụng lí thuyết vào bài tập thực hành, giúp cho teen có kĩ năng làm bài thành thạo.
Hổng về mặt lí thuyết
Khối lượng kiến thức mà teen phải ôn thi để vượt vũ môn hóa rồng quả thực rất lớn. Không chỉ trong sách lớp 12 mà tất cả những gì liên quan trong 3 năm cấp 3 đều phải học.
Một điều khá phổ biến nữa với teen 12 đó là việc “ngại+ lười” học lí thuyết. Teen có thể “nhoay nhoáy” giải ngon lành một bài tập, thậm chí đó là một bài tập khó, nhưng lại phải “vò đầu bứt tai” trước một câu hỏi lí thuyết khá đơn giản.
Trong khi đó, lí thuyết chiếm một phần điểm khá lớn trong mỗi môn thi. Và để làm được một câu bài tập mất rất nhiều thời gian so với một câu lí thuyết. Bởi những câu lí thuyết thường đọc đề xong là biết được đáp án ngay. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến teen mất điểm trong mỗi kì thi, không riêng gì kì thi đại học.
Tâm lí có phải là vấn đề?
Áp lực thi cử, điểm số, gia đình… tất cả tạo cho sĩ tử một gánh nặng trên vai. Nhiều teen với tâm lí đi thi là phải đậu, không chỉ vì bản thân mà còn vì danh dự gia đình, vì sự kì vọng của thầy cô giáo, vì bao năm qua mình là học sinh giỏi. Nhất là trong một môi trường mà ai ai cũng nghĩ phải vào đại học, phải có một tấm bằng để sau này mới có thể xin được một công việc dễ dàng.
Đã học là phải thi. Đó là một điều hiển nhiên, chẳng có gì phải lạ cả. Thế nhưng mọi người lại quá quan trọng hóa vấn đề này lên, điều này làm cho thi đại học là một vấn đề hết sức “nóng” không chỉ với riêng những sĩ tử mà còn với cả xã hội.
Tất cả đã tạo nên tâm lí đè nặng lên chính các sĩ tử, khiến cho teen lo lắng, sợ hãi trong kì thi.
Vẫn còn rất nhiều những nguyên nhân vì sao bạn, tôi trượt đại học. Chủ quan có, khách quan có. Vì vậy dù có kết quả thế nào thì bạn cũng hãy nhìn nhận lại bản thân mình trong thời gian học tập vừa qua mình đã học hành như thế nào? Và kết quả đó có xứng đáng, có đúng với năng lực của mình hay không? Để từ đó rút ra kinh nghiệm, hướng đi cho bản thân mình.