Sinh viên mới ra trường và chuyện buồn vui kỳ nghỉ lễ

Nguyễn Trung Du, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 01/06/2014

"Trước đây khi chưa tốt nghiệp, mỗi dịp lễ Tết thế này bọn mình lại háo hức mong chờ, thậm chí là lên kế hoạch "xõa" cả tháng trước đó"...

Về cơ bản là… buồn

Tôi gặp Lan Anh, lúc cô bạn mới tốt nghiệp cử nhân báo chí tại trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Hà Nội hồi tháng 7 năm ngoái đang bê chậu quần áo to đùng ra dây phơi. Giữa xóm trọ vắng heo hắt ở làng Triều Khúc, Hà Nội vì mọi người về quê và đi du lịch dịp nghỉ lễ hết, Lan Anh bảo cho đến tối 29 tháng 4 gần như những người cuối cùng đã rời xóm trọ để kịp chuyến xe muộn về quê nghỉ ngơi cùng gia đình. Tôi hỏi tại sao Lan Anh không về quê hay đi chơi giống như những người khác, cô bạn vừa mắc áo lên dây phơi vừa thở dài: “Mình cũng muốn về nhà với bố mẹ và các em lắm, bạn bè cũng rủ đi chơi vài nơi nhưng đúng đợt này do công việc không được thuận lợi, nên mình không có tâm trạng đi đâu hay gặp gỡ ai cả. Mà mình còn đang có ý định sẽ "nhảy" việc nữa đấy”.

Tôi giúp Lan Anh vắt khô chiếc chăn nhung trước khi treo lên dây phơi. Cô bạn bảo từ ngày ra trường tính ra cũng gần một năm, mà chưa làm nên trò trống gì cả, công việc thì không phải không có nhưng chỗ nào cũng yêu cầu kinh nghiệm mà thu nhập cũng chẳng đáng là bao, đâu có nửa năm mà cô chuyển chỗ làm đến ba lần.

Không giống như Lan Anh, câu chuyện của anh chàng tên Thanh, trọ ở Đình Thôn, Mỹ Đình, Hà Nội lại khác. Năm ngoái Thanh tốt nghiệp Đại học dân lập Phương Đông, ngành Quan hệ quốc tế. Do chưa tìm được công việc đúng với ngành học, từ đầu năm nay Thanh xin vào làm nhân viên kinh doanh cho một sàn giao dịch bất động sản có trụ sở trên đường Nguyễn Xiển. Lương cố định chẳng đáng là bao, chỉ ngoài 2 triệu một chút, thu nhập của Thanh và các nhân viên giống như anh chủ yếu là phần trăm “hoa hồng” đến từ những hợp đồng mua bán nhà đất. Kinh tế khó khăn chung, thị trường bất động sản địa ốc ì ạch nên những hợp đồng mà Thanh và các đồng nghiệp trong nhóm của mình nhận được chỉ đếm trên đầu ngón tay, đã vậy chi phí phát sinh lại quá nhiều dẫn đến số tiền làm ra không đủ bù lỗ. 

Gặp tôi tại phòng trọ của mình khi đang mải mê đăng tin rao vặt giữa ngày nghỉ lễ Quốc tế lao động hôm 1/5 vừa rồi, Thanh bảo: “Ông thấy đấy, trong khi người ta chơi xa chơi gần nghỉ lễ tắm biển, còn mình thì dán mắt vào cái đống này đây. Công ty cũng tổ chức đi Sầm Sơn nhưng phải đóng góp 70%, trong khi lương cố định từ đầu năm chưa trả, tôi đành nói dối là về quê để không phải đi với đoàn, thú thực kẹt quá nên không có tâm trạng”. 

“Mà về quê giữa hoàn cảnh này cũng để làm gì, công việc chưa ra đâu vào đâu về nhìn cảnh nhà khó khăn lại càng thêm đau đầu. Từ tết ra tôi có về một lần để làm hồ sơ xin việc, về sáng rồi chiều đi luôn cũng chẳng muốn ở nhà lâu”, rót cho tôi ly nước lọc, Thanh tiếp tục giãi bày.


Sinh viên dù là mới ra trường thì cũng có những sự khác biệt rất lớn với khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Câu chuyện của Lan Anh hay của Thanh kể trên chỉ là hai trong vô số những trường hợp các bạn vừa rời ghế giảng đường đại học cao đẳng đang lâm vào tình trạng khó khăn chung hiện nay. Về cơ bản, ngoại trừ những bạn gia đình vốn có điều kiện khá giả hơn một chút không bị ảnh hưởng của thất nghiệp, đa số sinh viên mới tốt nghiệp, đặc biệt là sinh viên đến từ các vùng quê đều đang phải tìm đủ mọi cách để mưu sinh, vật lộn trong khi chờ tìm được cho mình những công việc phù hợp. Và thêm một lần nữa, con số 72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp theo như công bố của Bộ LĐTB&XH và Tổng cục thống kê tính đến quý IV năm ngoái thực sự khiến cả xã hội phải suy ngẫm.

Và len lỏi những niềm vui nho nhỏ 

Thực trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ở đâu cũng có. Kéo theo nỗi buồn này là những nỗi buồn khác không khó để lý giải. Nói đơn giản, nếu như trước đây khi còn chưa tốt nghiệp, mỗi dịp nghỉ lễ lớn của đất nước như 30/4 – 1/5 hay Quốc khánh 2/9 các bạn sinh viên đều rất hồ hởi. Đa số các bạn sẽ lên kế hoạch về quê thăm gia đình, tụ tập cùng bạn bè thời phổ thông, hay đi phượt và thăm nhà bạn lớp đại học… Thế nhưng, câu chuyện sau khi rời cánh cổng trường đại học lại khác hẳn, phần nào đó khắc nghiệt. Công việc khó khăn, thu nhập “không đủ ăn”, áp lực cơm áo gạo tiền ngày một lớn dần… khiến các cô cậu cựu sinh viên không còn vô tư, vô ưu như trước. Thế nên dễ hiểu khi mặc dù nghỉ lễ dài nhưng không nhiều người cảm thấy vui, thậm chí nghỉ nhiều giống như một cơn ác mộng với họ vào thời điểm này vậy. 

Thế nhưng đâu đó, vẫn tồn tại nhiều niềm vui tuy nhỏ thôi nhưng ý nghĩa thì rất lớn. Với một số bạn may mắn hơn một chút khi đã tìm được những công việc phù hợp, thu nhập cũng kha khá thì dịp nghỉ lễ như thế này thực sự rất cần thiết và bổ ích. 

Năm nay là năm đầu tiên sau khi ra trường, Phương Vy – Nhân viên phiên dịch tiếng Nhật cho một công ty có trụ sở tại quận 1, Tp. HCM tỏ ra rất vui mừng khi cô được đi du lịch dài ngày tại bãi biển Nha Trang cùng cơ quan. Không giấu được niềm vui được đi nghỉ ngơi, ăn uống tại bãi biển đẹp nhất Việt Nam, cô nàng cựu sinh viên của trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội này liên tục đăng những hình ảnh mới nhất trong chuyến đi lên trang mạng xã hội Facebook cá nhân của mình. Ngay sau khi những bức ảnh ấy được đăng lên đã có rất nhiều lượt thích và bình luận của bạn bè tỏ ý chúc mừng và ghen tỵ với niềm vui của Vy. Nhắn tin với tôi Phương Vy tâm sự: “Chưa bao giờ nghỉ lễ với mình lại vui đến thế, lần đầu tiên được hưởng cảm giác đi du lịch bằng tiền do chính mình làm được sau khi ra trường. Vui hơn nữa là vì đi tập thể cùng cơ quan nên cũng không quá tốn kém mà mọi người lại rất vui. Kỳ này mình có dịp gần gũi và học hỏi thêm rất nhiều từ những anh chị đồng nghiệp đi trước”. 

Tiếp tục “ủ mưu”… chờ thời 

Với phần đông các bạn sinh viên mới ra trường hiện chưa có việc làm tạm ổn định, việc không được đi chơi bời du lịch dịp nghỉ lễ cũng không làm các bạn quá buồn. Điều các bạn suy nghĩ trăn trở vào lúc này là tiếp tục học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm trong giai đoạn khó khăn để tìm hướng phát triển cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Sau này khi đã có công việc ổn định và thu nhập tương đối, lúc ấy việc đi tham quan du lịch mỗi khi kỳ nghỉ lễ về đối với các bạn sẽ không còn là vấn đề quá lớn nữa.

“Mình cũng không có nhiều thời gian để buồn đâu, mấy ngày nghỉ này mình sẽ tranh thủ đọc thêm sách vở, bổ sung thêm ngoại ngữ phục vụ cho công việc ở chỗ làm mới, thời gian rảnh rỗi thì mấy đứa bạn cũng ở lại Hà Nội như mình sẽ tụ tập trà đá, chém gió, nhoàng một cái là qua kỳ nghỉ ấy mà!”, sau khi phơi hết đống đồ, Lan Anh cười hóm hỉnh.