Sinh viên đừng nên... ham chơi quá nhé!

Mực Tím, Theo 09:01 06/01/2011
Chia sẻ

Theo thống kê của cơ quan công an, mỗi năm ở các trường đại học ít nhất có hàng chục vụ sinh viên phạm pháp hình sự.

Nguyên nhân của những vụ việc này thường nảy sinh từ những cuộc chơi và kiểu chơi buông thả.

Thói quen

Chơi được định nghĩa theo kiểu “thói quen”. Thói quen ở đây không có nghĩa là chơi nhiều thì thành “quen” mà là “đến hẹn lại lên”, chơi có tổ chức, có quy mô và được định nghĩa là "chơi tẹt ga, tẹt số”. T.H (sinh viên Cao đẳng nghề Hải Quan - TP.HCM) vui vẻ nói: “Nhóm tớ có 5 người cứ cuối tuần lại hẹn nhau “lướt sóng” (đua xe) một bữa để lấy tinh thần học tập í mà” (!?)  Khi nghe sinh viên nói về chuyện chơi - học tôi không khỏi giật mình, vì đôi khi nó được “cách tân” nhiều quá . Thói quen chơi “phong cách” được định hình khá rõ ràng trong các dạng chơi khác nhau.

Các kiểu chơi

Những sinh viên ham chơi thường chọn cho mình nhiều kiểu chơi khác nhau nhằm thể hiện phong cách.

Bi da thâu đêm: những tụ điểm thường bắt gặp chơi bida là các quán cà phê ở các quận lớn. Tuy nhiên, bida dành cho sinh viên không còn là trò chơi xa lạ, ở làng Đại học khu vực Thủ Đức - TP.HCM, các quán bida thi nhau mọc lên như nấm phục vụ tận tình, thâu đêm các cậu sinh viên. Q, bạn tôi là sinh viên năm 3 Đại học Khoa học tự nhiên được xem là một tín đồ của bida khi chẳng ngày nào Q không ghé quán chơi vài ván. Đó là chưa kể những vụ thức thâu đêm cùng nhóm bạn thân chơi bida ăn tiền. Có những hôm chơi xong muốn về nhưng khi đó kí túc xá đã đóng cửa nên cả hội lại rủ nhau tìm các tiệm net còn phục vụ đêm để chơi đến sáng.


Chơi bida đôi khi chỉ để giao lưu bạn bè, thế nhưng nhiều sinh viên lại xem đây là cơ hội để thể hiện khả năng của bản thân và kiếm chút đỉnh. Chơi nhiều thì sinh ra nghiện mà khi nghiện rồi thì dành hầu hết quỹ thời gian cho chúng. Th, sinh viên Khoa Nhân học, ĐH KHXH & NV TP.HCM vô tư bảo: “Chơi thế này cũng có cái lợi của nó chứ, thắng được vài ván trong ngày cũng có tiền tiêu, còn bài vở thì đến gần ngày thi mới cần tăng tốc thôi!” (?)

Nhậu thả phanh: “Nhậu mày” hay “Cuối tuần này nhậu chứ chú em”, nghe thế ít ai nghĩ đó là ngôn ngữ mời gọi...nhậu của sinh viên hiện nay. Lâu lâu nhậu với bạn bè 1 lần cho vui thì chẳng nói làm gì, đàng này không ít sinh viên tụ tập bè phái, góp tiền nhậu li bì và nhậu trở thành một thói quen mọi lúc mọi nơi. Nhậu ngoài quán, nhậu trong phòng trọ, thâm chí nhậu ngay tại kí túc xá khi đã có quy định cấm. Những lời tung hô, chúc tụng đôi khi ảnh hưởng không ít đến bạn bè xung quanh và cả việc học tập của bản thân người nhậu. Và đau lòng hơn khi có những chuyện không hay nảy sinh từ bàn nhậu sinh viên, đánh nhau, văng tục, chửi thề...hay bị nhân viên bảo vệ kí túc xá lôi lên trụ sở phường vì gây rối an ninh khu trọ, trường hợp này rơi vào đứa bạn nam của tôi ở kí túc xá ĐHQG TPHCM cách đây 2 tuần.


Đua xe: Kiểu chơi này thì ít nhưng không phải không có, cuối tuần đặc biệt vào gần các dịp lễ thì một nhóm sinh viên con nhà có điều kiện kèm theo tính ham chơi lại rủ nhau “đi bão". Đó là phạm vi các khu vực nhỏ ở làng đại học còn những vụ đua xe tại các quận lớn mà các cơ quan chức năng đã vào cuộc bắt giữ thì trong các đối tượng bị bắt vì tội đua xe không ít đang ở tuổi teen hoặc sinh viên các trường đại học ( rơi chủ yếu vào các đối tượng con nhà có điều kiện).

Cờ bạc, bóng đá: Thật không dễ tin khi không ít sinh viên “nghiện” cờ bạc hơn việc học. Đánh bài thâu đêm không còn là chuyện lạ trogg các kí túc xá sinh viên. Tắt ánh đèn sáng thay bằng đèn ngủ để không bị phát hiện là chiêu mà sinh viên hay áp dụng để được đánh bài. Ng, sinh viên năm hai ĐH Nông Lâm e dè cho biết: “Ban đầu tụi tớ cũng chỉ chơi cho vui nhưng chơi riết lại nghiện mà khi nghiện rồi thì khó cai lắm. Có khi thời gian rảnh rổi nhiều nên kiếm chuyện đánh bạc thế này làm thú vui...”.


Hệ lụy

Ham chơi là nguyên nhân gần nhất kéo theo hiện tượng buông thả và không ít sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã mắc phải.

Không có thời gian cho việc học là cái dễ thấy nhất cho việc chơi “quá đà”.

Sức khỏe bị sa sút cũng là một hệ quả nảy sinh từ việc hút thuốc, nhậu nhẹt nhiều.

Tính cách bị chi phối khi tụ tập đi chơi không có mục đích học tập cũng như giải trí.

Ảnh hưởng kinh tế gia đình. Không ít trường hợp ham chơi và chơi buông thả là các sinh viên tỉnh lên thành phố học tập. Thậm chí sinh viên TP có điều kiên khi ham chơi càng buông thả trong việc đóng học phí, nợ nần hoặc moi tiền bố mẹ với muôn vàn lí do.

Biết cách chơi!

Chơi có nghệ thuật là chơi đúng cách và chơi có nhu cầu về thẩm mỹ (định nghĩa về chơi- học).

Chơi trên tinh thần giải trí lành mạnh, không ảnh hưởng đến việc học.

Chơi để có thêm nhiều bạn tốt và bớt đi kẻ thù không đáng có.

Chơi để không làm bố mẹ phiền lòng về kết quả học tập sau mỗi học kì.

Và chơi để cho mình thêm kiến thức, thêm niềm vui.

Đó chính là cách chơi mà các bạn sinh viên cần hiểu rõ. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày