Khi phải rời xa những điều quen thuộc để bước vào môi trường mới, các bạn thường thấy lạc lõng vô cùng. Nhất là những ngày đầu bước ra khỏi vòng tay chở che của cha mẹ và bắt đầu cuộc sống tự lập, không ít bạn đêm nào cũng khóc vì nhớ nhà.
“Quả thật sống xa nhà rồi mới thấm thía chữ nhớ. Từ trước đến nay mình chưa bao giờ xa nhà quá hai ngày. Bây giờ chỉ những dịp nghỉ liền ba, bốn ngày mình mới về được. Cô đơn nhất là lúc nỗi nhớ nhà chợt đến mà lại không thể sẻ chia với ai” - Thúy Hồng tâm sự.
Ảnh minh họa.
Trước mặt bạn bè, sinh viên xa nhà vẫn cười nói bình thường nhưng khi chỉ có một mình, các bạn ấy lại chìm vào nỗi nhớ quê mà nước mắt trực trào từ bao giờ. Với một số bạn đa cảm, chỉ cần người đối diện tâm sự vài câu hỏi thăm về gia đình, các bạn ấy lại thấy khóe mắt cay cay. “Quê bạn ở đâu?” có lẽ là câu nói được các bạn tân sinh viên hỏi nhau nhiều nhất. Không hiếm để thấy những cảnh tay bắt mặt mừng chỉ vì tìm được người đồng hương.
Để giải tỏa nỗi nhớ thường trực, sinh viên xa nhà thường tranh thủ đón xe về nhà vào những ngày cuối tuần. Mai An tâm sự: “Sáu tiếng là khoảng thời gian mình phải ngồi xa cả đi lẫn về. Tuy thế nhưng chỉ cần được nghỉ một ngày là mình lại nhanh chóng thu dọn ra bến xe. Chỉ cần được ăn chung bữa cơm, ngủ chung một đêm với ba má là mình đã vui lắm rồi.”
Không cần tranh thủ từng ngày nghỉ để khăn gói về nhà nhưng Minh Hương đã có một “giao kèo” với mẹ. Đó là cứ đúng 8 giờ mỗi tối Hương phải gọi điện về cho gia đình, chỉ cần trễ mười phút là mẹ của cô bạn sẽ hốt hoảng gọi lên vì sợ con gái mình gặp chuyện. “Lúc mới lên thành phố mình luôn tự cho là mạnh mẽ. Chỉ khi nghe được giọng của mẹ trong điện thoại, mình lập tức òa khóc nức nở. Lúc ấy mới biết mình rất nhớ nhà, chỉ muốn được về nhà ngay lập tức.”
Một số bạn lại không có cảm giác nhớ nhà khi là sinh viên năm nhất mà phải đến năm hai mới cảm nhận được. Hoàng Giang cho biết: “Năm đầu tiên mới chân ướt chân ráo ra đời nên mình vẫn chưa biết nhớ nhà là gì. Có lẽ do lúc đó thấy cái gì cũng mới lạ nên mải khám phá và vui chơi. Đến năm hai mình mới “nghiệm” ra được. Mình thèm những món ăn mẹ nấu và cảnh cả gia đình quây quần với nhau. Chỉ cần hai tuần không về nhà là mình cảm thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ da diết.”
Khó khăn trong việc thay đổi cách sinh hoạt, không ít tân sinh viên khủng hoảng về tâm lý, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tinh thần. Có lẽ lúc ốm đau cũng là lúc nỗi nhớ nhà “phát bệnh” nhiều nhất. Khi bị bệnh, nỗi nhớ nhà của các sinh viên lại càng nhân lên. “Không còn cảnh mẹ kề bên chăm sóc từng li từng tí như hồi ở nhà. Học xa thì ốm cũng phải tự ngồi dậy nấu ăn. Những lúc đau ốm mình chỉ muốn bỏ học về quê cho rồi. Nhưng vì thương cha thương mẹ, mình phải cố gắng” - Thúy Mai cho biết.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng sinh viên học xa đều biết rằng cha mẹ tuy không thể kề bên nhưng lúc nào cũng dõi theo các bạn. Nhớ nhà không chỉ là “căn bệnh” mà còn là “động lực” giúp những người con xa quê bước tiếp trên con đường theo đuổi mơ ước.