Nỗi lòng của bố mẹ khi bạn là học sinh cuối cấp

lethuy248, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 01/03/2013

Không chỉ bạn mới là người lo lắng, mà bố mẹ cũng có biết bao vất vả để giúp bạn bước qua cánh cửa mới.

Vẫn biết học sinh lớp 12 là có bao vất vả, từ lo lắng chuyện bài vở, điểm số, đến áp lực thi cử. Song song với nỗi lo của chính bạn thì cũng là bao trăn trở của bố mẹ từ những ngày đầu bạn vào năm cuối cấp. 

Lo lắng về lực học kèm với việc định hướng nghề nghiệp cho con

Năm cuối cấp là năm học áp lực nhất với cả học sinh lẫn phụ huynh. Nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán này, teen chuẩn bị làm hồ sơ thi đại học. Và các bậc làm cha làm mẹ cũng mang trăm nỗi “tơ lòng” lo lắng về học lực của con mình, để rồi từ học lực đó bố mẹ định hướng hướng đi tiếp theo cho con. Nếu teen lo một thì bố mẹ lo mười. 

“Thực lòng mà nói các bác cũng không thể biết được lực học của con mình đến đâu. Chỉ căn cứ vào điểm bài kiểm tra, rồi điểm thi, bên cạnh đó là tìm hiểu qua nhận xét của các thầy cô giáo mà nắm bắt. Nếu con cái học hành tốt thì gia đình sẽ có cách định hướng khác, nếu con học không tốt lắm thì hai bác lại phải nghĩ khác đi. 

Vẫn biết quyết định là ở con mình, nhưng bố mẹ phải là người chỉ đường cho các con bước đi. Có lẽ năm lớp 12 là năm học vất vả nhất với không chỉ tụi nhỏ mà còn là năm mệt mỏi của các bậc làm cha làm mẹ. Chẳng biết bọn trẻ có hiểu cho tấm lòng này không?”- bác T.Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Nỗi lòng của bố mẹ khi bạn là học sinh cuối cấp 1

Tương tự như trường hợp của bác T.Phương, cô K.Oanh (đang sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang băn khoăn: “Liệu có nên cho con mình học theo trường mà nó lựa chọn? Hay là “ép” nó học một trường mà gia đình đã lựa chọn, để sau này còn có công ăn việc làm? Bọn trẻ bây giờ bảo là thích, nhưng chẳng biết được mấy bữa lại đâm ra chán thì không biết làm thế nào? Thi đại học vào trường nào không quyết định được sau này con cái thành công hay không, nhưng đó cũng là nền tảng, có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp sau này của con trẻ, vì vậy không thể lựa chọn qua loa, đại khái được.”

Lo lắng về vấn đề sức khỏe và khối lượng bài tập phải học của con

Cuối cấp đồng nghĩa với bao kì thi trước mặt, bao lượng kiến thức phải ôn tập, học hành, rồi thì học thêm, học lò…

Nếu teen thức tới 1, 2 giờ sáng để học thì bố mẹ cũng phải tới giờ đó mới yên tâm lên giường. Thậm chí có rất nhiều bậc phụ huynh đã thức cùng con học bài. Đôi khi thức chẳng để làm gì, chỉ đơn giản là pha cho con cốc sữa nóng, hỏi han con một câu, thậm chí chẳng làm gì cả. “Nhưng nếu thấy bàn con vẫn còn sáng đèn thì mình có lên giường cũng chẳng thể chợp mắt nổi.” - cô Hải Yến (phụ huynh học sinh lớp 12 Nguyễn Thị Minh Khai) tâm sự.

Nỗi lòng của bố mẹ khi bạn là học sinh cuối cấp 2

Thấy con học hành vất vả, nhiều phụ huynh còn thường xuyên bồi bổ cho con bằng những món ăn khoái khẩu, chẳng ngại chi món đó mất nhiều thời gian hay tốn nhiều công sức. Rồi thì chẳng ngại tắc đường hay hối hả dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình, để kịp thời gian chở con đến trường, chở con tới lớp học thêm, đón con về.

“Nhìn thấy con xanh xao vì lo học bài mà lòng mình thấy xót xa, thắt lại. Nhưng vẫn phải cố động viên cho con học hành chăm chỉ” - bác Thu Thủy (quận Vò Gấp, TP.HCM) chia sẻ.

Lo lắng cho tương lai “gần” của con

Đó là khi con thi đậu, tiền nộp học phí, tiền nhà ở, sắm đồ đạc là cả một vấn đề đối với các bậc cha mẹ ở các vùng quê nông thôn. Nhất là vấn đến nhà trọ, rồi cả bạn bè ở cùng tới từ khắp các vùng miền khác nhau, mỗi người mỗi tính. Đậu đại học rồi sẽ là cả quãng đường dài con sống xa gia đình, xa vòng tay chăm sóc của bố mẹ, liệu con mình có đủ sức mạnh để thoát khỏi cám dỗ của xã hội?

Trước đây ở nhà, teen được bố mẹ chăm lo từ bữa ăn giấc ngủ, giờ đây, teen tự mình chăm sóc bản thân, chi tiêu, quản lí tiền bạc… Trong khi teen đang náo nức ra trường nhập học, thì trong lòng bố mẹ lại ngổn ngang lo lắng.

Teen chúng mình vẫn còn quá trẻ để có thể hiểu và nhận thức được nhiều việc sâu xa trong cuộc sống. Đôi khi bố mẹ có áp đặt, có “cố chấp” và đôi khi chính vì những sự quan tâm, chăm sóc đó của cha mẹ làm cho teen cảm thấy áp lực hơn, “khó chịu” hơn nhưng các bạn hãy “hiểu” cho tấm lòng yêu thương con cái của các bậc làm cha làm mẹ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày