Những ưu tư của cha mẹ khi con đậu đại học

lethuy248, Theo Mask Online 00:00 12/09/2014
Chia sẻ

Đằng sau nụ cười hạnh phúc khi thấy con cầm trên tay tờ giấy trúng tuyển đại học là những giọt nước mắt vui có, buồn có, là những âu lo của các bậc làm cha làm mẹ giấu kín trong lòng. Liệu có mấy ai trong chúng ta hiểu được tấm lòng của người làm cha làm mẹ?

Liệu con có thể tự chăm sóc cho bản thân mình?

Suốt 18 năm con đang được sự chăm lo bao bọc của gia đình, được bố mẹ lo lắng từ bữa cơm giấc ngủ. Thậm chí có rất nhiều bạn năm cuối cấp bố mẹ không để đụng tay đụng chân vào việc gì, tất cả thời gian dành cho con học và nghỉ ngơi để lấy sức. Chính vì vậy “không biết ra Hà Nội trọ học, con có biết đi chợ, nấu cơm, chi tiêu hay không? Hay suốt ngày ăn quán, vừa tốn kém lại không đảm bảo vệ sinh. Rồi những khi ốm đau lấy ai chăm sóc? Liệu có chịu uống thuốc hay không? Trời lạnh con có biết đường mặc áo cho đủ ấm, có quàng khăn, mang tất? Liệu con có nhớ đem theo áo mưa đối phó với những cơn mưa rào bất chợt?” Đi học rồi, không còn ai nhắc nhở teen những việc đó nữa. Nhất là những khi có trên ti vi thông báo thành phố con ở đang có dịch sốt này dịch sốt kia. Bố mẹ ở nhà cũng thấp thỏm không yên tâm.

Vẫn biết đó chỉ là những việc rất đỗi bình thường mà tất cả ai trong chúng ta sắp bước qua tuổi 18 đều có thể tự làm được. Nhưng với bố mẹ, con dù lớn thế nào thì vẫn còn rất bé bỏng.

Liệu con có đủ tỉnh táo để chuyên tâm học hành và chống lại những cám dỗ của thành thị?

4-5 năm học tập không phải là quá dài so với cuộc đời của một con người, nhưng cũng không phải là ngắn so với suốt chặng đường học tập của mỗi chúng ta. Ở nhà, có bố mẹ nhắc nhở teen học hành đúng giờ giấc. Thậm chí có những bậc làm cha làm mẹ còn thức cùng con mỗi khi con ôn thi muộn. Bố mẹ chỉ yên giấc khi con cái đã tắt đèn lên giường, và luôn dậy sớm hơn con để chuẩn bị bữa sáng cũng như đánh thức con dậy đi học. Chính vì vậy “không biết liệu ra ngoài đó đi học buổi sáng, con có biết đường dậy sớm hay lại suốt ngày đi học muộn?”, rồi thì vấn đề sinh viên thức ngày cày đêm cũng không còn xa lạ, chỉ đến lúc thi mới “vắt chân lên cổ” học bài, chuyện điểm số, thi lại. 

Bên cạnh đó là đầy rẫy những cám dỗ xung quanh trường học nào là điện tử, rượu chè, ma túy, lô đề, cá cược… Chỉ cần bước chân ra khỏi nhà hay khỏi trường học là những quán game, những bar lấp lánh ánh đèn, những công ty đa cấp trá hình lừa đảo…Đã có rất rất nhiều vụ sinh viên cá cược, lô đề… với con số nợ lên tới cả trăm triệu, rồi thì bỏ học, bị nhà trường đuổi… Liệu con có đủ ý chí và nghị lực để chống lại những cám dỗ mãnh liệt đó?



Những người bạn cùng phòng đến từ các vùng đất khác nhau

Ở nhà được bố mẹ chiều chuộng, quan tâm nên teen đôi khi ích kỉ, không biết nhường nhịn, vẫn còn ngang bướng và cứng đầu. Không biết rằng khi con chung sống với các bạn đến từ nhiều nơi khác nhau, tính cách mỗi người cũng khác nhau, thì liệu các con có biết buông bỏ bớt đi một nửa cái tôi quá lớn của mình, biết cách quan tâm, chăm sóc tới bạn bè, động viên, an ủi, giúp đỡ nhau những khi nhớ nhà, mỗi khi gặp khó khăn hay những trở ngại của cuộc sống? 

Dẫu vẫn biết trong cuộc sống lắm lúc không tránh khỏi những xích mích, hiểu lầm, va chạm, bố mẹ chỉ mong teen có đủ lí trí và tình cảm để có thể cảm thông, chia sẻ với nhau, coi nhau như những người thân ruột thịt trong nhà. Từ đó trưởng thành hơn, có cái nhìn bao dung hơn với mọi thứ xung quanh mình.

Chặng đường dài với vấn đề kinh tế

Đối với các gia đình có điều kiện thì vấn đề kinh tế trong suốt 4-5 năm con học đại học có lẽ không có gì đáng lo nhưng đó lại là cả một chặng đường dài đầy khó khăn vất vả của không chỉ các tân sinh viên mà còn là của các bậc cha mẹ. Nhất là đối với những gia đình ở nông thôn thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng hay đàn lợn, con gà… càng vất vả hơn nữa nếu chẳng may trời không thương, năm đó mất mùa, lũ lụt. Đấy là chưa kể đến những lúc ốm đau. Không có thu nhập đều đặn, thường xuyên như những viên chức nhà nước hay công nhân, mỗi tháng gửi cho con khoản tiền 2-3 triệu tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền học… cũng là nỗi trăn trở của cha mẹ. Tháng này chưa qua tháng tới đã đến, lo sao có đủ tiền gửi ra cho con để con không bị thiếu thốn, thua thiệt so với bạn bè?

Hiện nay rất nhiều bậc làm cha làm mẹ khi con lên thành phố trọ học, cũng là lúc cha mẹ theo con lên thành phố kiếm việc làm. Họ không quản nắng mưa, công việc nặng nhọc, từ lao công, giúp việc, thợ xây, thợ nề… kiếm tiền nuôi con ăn học. Sau mấy năm con học hành cầm tấm bằng ra trường cũng là lúc cha mẹ gánh thêm một khoản nợ ngân hàng.

Con chưa ra trường, bố mẹ đã canh cánh nỗi lo việc làm trong lòng

Hiện nay vấn đề việc làm, thất nghiệp đang là nỗi lo không chỉ đối với tất cả các bạn sinh viên mà còn đối với các bậc làm cha làm mẹ. Hơn 70.000 cử nhân thất nghiệp đã nói lên tất cả. Lo cho con đi học rồi mong con sau này ra trường sao cho xin được một công việc ổn định, là niềm mong ước của tất cả các bậc phụ huynh. Nhưng đó là cả một cuộc cạnh tranh khốc liệt, không chỉ dựa vào trí tuệ, sự thông minh mà còn ở quan hệ, tiền bạc. Nhiều gia đình ở nông thôn lo cho con ăn học xong 4-5 năm đại học đã là cả một kì tích. Họ quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thậm chí có khi cả đời chưa ra khỏi cổng làng, không quen biết, không của cải, làm sao một lúc lại có thể lo nổi mấy trăm triệu để chạy cho con vào chỗ này chỗ kia. Họ chỉ biết cầu mong sao cho con mình hiểu hoàn cảnh gia đình để cố gắng ăn học thành tài. 

Tạm kết

Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Lo cho con từ khi mới lọt lòng, giờ tới lúc phải để con rời xa vòng tay mình, tự đi ra để va chạm với xã hội ngoài kia là điều khiến cha mẹ lo lắng nhất. Vẫn biết vào đại học, trọ xa nhà, là một bước ngoặt rất lớn với con- 18 tuổi, có thể trong suy nghĩ vẫn còn non dại nhưng cũng đã đủ trưởng thành để có thể tự chăm lo cho bản thân, để đương đầu với những sóng gió trước mắt của cuộc đời. Vẫn biết  4-5 năm đại học chính là bước khởi đầu để con tiến ra đại dương nhiều sóng to gió lớn hơn. Nhưng trong lòng cha mẹ vẫn không giấu nổi sự ưu tư, lo lắng.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày