"Trường học là chiến trường, bút sách là vũ khí”
Bất kì ai đến trường ít nhiều phải chịu những áp lực về chuyện ganh đua điểm số - đó là điều hiển nhiên. Và mỗi mùa thi tới luôn là thời điểm báo hiệu cho việc tất cả các cơ quan thần kinh não bộ sẽ được kéo căng ra hết mức có thể mà tưởng chừng như chỉ cần một cú chạm nhẹ là có thể "đứt" bất cứ lúc nào. Nếu như Toán, Lí, Hóa là làm bài tập với những con số, công thức rắc rối thì những môn Sinh, Sử, Địa cũng được xem như là thảm họa, bởi lẽ "đồng hành" với các bạn sẽ là những xấp tài liệu dày cộm và nội dung ôn tập thì không giới hạn.
Khi được hỏi về vấn đề này, Mỹ Nga (17t, THPT C.V.A) chia sẻ:
"Cho tới bây giờ, dù đã sắp hết lớp 11 nhưng mình vẫn không sao quen được với khối lượng bài vở nhiều như vậy. Nếu như hồi THCS, thi bao nhiêu là thầy cô cho học bấy nhiêu thì lên THPT, nội dung ôn tập lúc nào cũng tràng giang đại hải. Nghĩ mà ngán ngẩm" .
Chuyện thi cử tất nhiên là quan trọng, và thầy cô nào cũng đều cho rằng môn mình là nhất. Vậy nên các bạn không còn cách nào khác là phải tự mà bơi trong biển học đó để khỏi phải bị điểm kém ở tất cả các môn. Việc học giờ đây chỉ mang tính chất đối phó, "cày" bài chứ không phải học bài.
Khi bạn bè không còn là niềm vui
Sống trong một tập thể, sẽ rất buồn khi bạn không thể hòa nhập được với mọi người. Nhưng nỗi buồn sẽ còn tăng lên gấp bội khi bạn bị chính những người bạn cùng lớp đem ra trêu chọc, dè bỉu một cách không thương tiếc. Như trường hợp của T.Triển (16t, THPT T.N) tâm sự: "Ngay từ những ngày bé, vết bớt nhỏ màu nâu trên má của mình dường như đã trở thành tâm điểm để mọi người đùa giỡn. Đi học, thay vì í ới gọi nhau bằng tên, có những đứa bạn cùng lớp sẵn sàng đứng giữa sân trường oang oang "ê Triển mặt sẹo" rồi cùng nhau chỉ trỏ đùa cợt cười trước mặt mình. Vẫn biết đôi khi chỉ là đùa giỡn nhưng trong lòng vẫn buồn không thể tả”. Dù là vô tình hay cố ý thì những câu nói đó cũng đã trút thêm phần nào áp lực lên vai của những nạn nhân bất đắc dĩ.
Và nữa, những clip bạo hành học đường, những trận đòn dã man giữa những bạn học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường có thể khiến nhiều người cảm thấy tức giận, phẫn nộ và lên án kịch liệt. Nhưng đâu phải ai cũng biết, có những lời chọc ghẹo, mỉa mai còn khiến nạn nhân đau hơn rất nhiều so với những trận "lên đòn xuống gối".
Khi thầy cô cũng là áp lực
Thầy cô giáo vẫn thường được ví như những người cha, người mẹ thứ hai của học sinh. Nhưng thực tế cho thấy, không ít "cha, mẹ" lại đang khiến những "đứa con" của mình trở nên sợ hãi mỗi khi đối mặt. Ngọc Trâm ( THPT S.T) chia sẻ: "Cô giáo chủ nhiệm mình cực kì nóng tính, chỉ cần một lỗi nhỏ thôi cũng đủ để cô la mắng cả tiết học. Đã vậy, nhiều lúc cô còn dùng những lời cực "thấm" và đau để nói với học sinh của mình".
Dường như quan trọng hóa vấn đề cũng là một cách được nhiều thầy cô sử dụng để răn đe học sinh. Mọi lỗi lầm dù nhỏ cũng đều được thấy cô phóng đại lên để lấy cớ... phạt. Ví dụ như đi trễ thì "lại đàn đúm nữa chứ gì?", hay khi quên tập thì lại là "không tôn trọng, coi thường lời giáo viên".
Nhiều thấy cô cho đên bây giờ vẫn giữ trong mình quan niệm "thương cho roi cho vọt". Mọi lỗi lầm đều phải "trả giá" thật nặng, không bằng lời nói thì cũng phải bằng đòn roi. Nhưng có thật sự tác dụng không khi những câu quát mắng và những trận đòn vô thưởng vô phạt kia chỉ khiến học sinh ngày càng rời xa mình hơn và chuyện đi học, thay vì niềm vui lại trở thành nỗi ám ảnh.