Những khoảnh khắc khiến học sinh cá biệt cũng phải e thẹn

lethuy248, Theo Mask Online 00:00 17/11/2014

Sự thật là vẫn có những thứ khiến cho những học sinh cá biệt này phải tỏ ra “e thẹn, đỏ mặt”.

Với học sinh khá giỏi mỗi khi bị điểm kém hay bị phê bình, các bạn thưởng tỏ ra khá ngượng ngùng với các thầy cô hay bạn bè khác. Và dường như ai cũng nghĩ những bạn học sinh chẳng may “được” xếp vào nhóm học sinh “cá biệt”, có lẽ các bạn ý sẽ chẳng bao giờ biết xấu hổ hay “tẽn tò” trước mặt mọi người. Bởi vì họ đã quá quen thuộc với những lời nhắc nhở, phê bình từ thầy cô, từ cán bộ lớp, rồi hàng ngày làm bạn với những con điểm kém. Hay cho dù tuần nào giáo viên chủ nhiệm cũng phải “dân ca” vài lần vì vi phạm nội quy. Thế nhưng sự thật thì ngược lại, vẫn có những thứ khiến cho những học sinh này cũng phải tỏ ra “e thẹn, đỏ mặt” như:

Được thầy cô giáo khen, tuyên dương

Có lẽ khi chúng ta không quen thuộc với thứ gì đó thì khi nhận được sẽ có cảm giác lạ lẫm. Chính vì vậy mà đơn giản chỉ là trong tuần đó các bạn không vi phạm nội quy trường lớp khiến lớp bị trừ điểm, chẳng hạn như: không đi học muộn, không làm mất trật tự trong lớp hay không phải ngồi sổ đầu bài lần nào, hay có việc làm tốt giúp đỡ người khác… Nếu bạn nghĩ chuyện đó chẳng có đáng phải nói cả thì đối với các thầy cô thì nó lại là cả một kì tích, một sự chuyển biến cực kì lớn lao, là một niềm vui, hạnh phúc. Và để khích lệ các bạn tiếp tục phát huy, phấn đấu, cô sẽ dành tặng bạn những lời khen, những lời động viên cùng một tràng pháo tay của cả lớp dành tặng cho các bạn ấy. 

Với những bạn học sinh “các biệt” lời khen họ nhận được khi ấy trở nên thật đặc biệt, xa lạ. Và có cái gì đó khiến các bạn thấy ngại ngần, xấu hổ. Chẳng còn vẻ bướng bỉnh, bất cần mọi ngày nữa, thay vào đó là nụ cười bẽn lẽn, ánh mắt ngập ngừng. Một cảm xúc thật khó tả.

Những khoảnh khắc khiến học sinh cá biệt cũng phải e thẹn 1

Được giao nhiệm vụ làm cán bộ lớp

Một điều dường như đã trở thành thông lệ, một điều hiển nhiên như đói thì phải ăn cơm, khát thì phải uống nước đó là những bạn học giỏi, năng nổ, có khả năng lãnh đạo sẽ được cử làm cán bộ lớp. Nhưng một trong những cách độc để “trị” học sinh “ngổ ngáo” của thầy cô chính là để các bạn làm cán bộ lớp với các chức danh tổ trưởng, lớp phó lao động, thậm chí là cả lớp trưởng, bí thư hay lớp phó học tập. Có lẽ khi nghe tin “sét đánh ngang tai” này bất kì học sinh “cá biệt” nào cũng giật mình hoảng sợ và đứng lên từ chối một cách “nhiệt tình” nhất với hàng trăm lí do, nào là “thưa cô, em không làm được đâu.” Rồi thì “em học kém, em hay nói chuyện riêng trong lớp… làm sao mà quản các bạn khác được”… Và đến lúc này thì các bạn sẽ “không đánh mà khai” tất tần tật mọi “tội lỗi” của mình trước cả lớp. Nhưng một khi “lệnh” đã ban hành thì không thể thu lại được. 

Biết là sao để quản lý lớp bây giờ? Một khi đã trở thành cán bộ lớp thì phải gương mẫu thực hiện trước, không thể vô trách nhiệm để các bạn khác muốn làm gì thì làm được. Có lẽ lúc này thì các bạn mới hiểu cảm giác “khổ cực” đôi khi đến bất lực của những người làm cán bộ lớp. Trước đây mình vô tư thoải mái nói chuyện riêng, các bạn khác có nhắc cũng mặc kệ. Nhưng giờ thì khi nhận thấy lớp ồn ào, mất trật tự, lớp trưởng “đặc biệt” lần đầu lên tiếng nhắc nhở các bạn cũng có phần nào rụt rè, giọng nói be bé, xen lẫn chút ngượng ngượng. Có lẽ là chưa quen nhắc nhở ai bao giờ. Và chắc chắn rằng, giờ sinh hoạt lớp sau, những cán bộ lớp này sẽ đồng loạt xin từ chức.

Được điểm cao

Học sinh “cá biệt” gắn liền với những con điểm thấp. Đôi khi các bạn cũng có những điểm khá như 7, 8 nhưng thường là rất hiếm. Chính vì vậy mà khi lần đầu tiên sở hữu điểm 9, điểm 10, được bạn bè bên cạnh nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ, ghen tị, các bạn “cá biệt” thường chẳng biết phải làm gì, ngoài nụ cười tươi như hoa kèm sự kinh ngạc vô bờ “không hiểu vì sao tớ lại làm đúng hết”, hay “tớ chẳng bao giờ nghĩ mình lại được điểm 10”. 

Lần đầu tiên được nhận giấy khen 

Chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ được nhận từ danh hiệu học sinh tiên tiến sau những âm thầm cố gắng, nỗ lực. Với các bạn “cá biệt” dường như nó quá là xa vời, chẳng bao giờ có thể chạm tay vào được. Chính vì vậy mà cứ cuối mỗi học kì, các bạn thưởng không để ý xem bạn nào tổng kết điểm cao, bạn nào điểm thấp, ai được học sinh giỏi hay phần thưởng là gì, bởi lẽ có bao giờ nó dành cho mình đâu. Nhưng khi thầy cô giáo công bố danh sách, rồi đến lúc được đứng trước lớp nhận giấy khen mới thấy thật kì lạ, thật hãnh diện “thì ra để học tốt hơn cũng đâu có gì là khó”. Khoảnh khắc nhận tờ giấy khen cùng phần thưởng từ cô giáo chủ nhiệm dường như tất cả sự khó bảo, bướng bỉnh của bạn hàng ngày biến đâu mất, bạn như trở thành con người hoàn toàn khác. Hiền lành, nhút nhát, khẽ thầm nói với cô “em cảm ơn cô”. Nhất là trước những nụ cười, những lời trêu đùa, chúc mừng từ bạn bè, càng khiến cho các mem này lúng túng, ngượng nghịu hơn.

Đi học chẳng ai muốn trở thành “học sinh cá biệt” cả. Thế nhưng do một vài lí do khách quan nào đó, vì hoàn cảnh, vì tâm lí,... mà các bạn vô tình có cách hành động, xử lí các tình huống, hay không quan tâm đến bài vở khác với chúng ta mà thôi. Chứ thực ra nếu đi sâu vào tình cảm của mỗi người thì ta sẽ nhận ra các bạn “cá biệt” sẽ có những điểm rất “đặc biệt” mà mình cần phải học tập.