Thưa ông, năm nay đề thi phổ thông có nhiều đổi mới, đặc biệt là đề thi môn ngữ văn và ngoại ngữ. Vậy Bộ có chủ trương như thế nào đối với đề thi ĐH, CĐ?
Đối với đề thi ĐH, CĐ Bộ sẽ tập trung phát huy những đổi mới đã được xã hội đánh giá cao trong những mùa thi trước đây, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Bộ chủ trương đề thi sẽ nằm trong chương trình phổ thông nên ban đề thi sẽ có giáo viên dạy phổ thông nhiều hơn giáo viên ĐH. Đề thi sẽ không yêu cầu học thuộc quá nhiều, tiếp tục ra theo hướng mở và tăng cường tính thực tiễn để phát huy được năng lực thực sự của thí sinh.
Tuy nhiên, yêu cầu về đề thi ĐH sẽ khác với phổ thông vì cần phải phân loại thí sinh. Nội dung đề sẽ có độ phân hóa cao nhưng vẫn nằm trong chương trình phổ thông và phù hợp với cách làm bài của thí sinh. Các em cần nắm chắc kiến thức phổ thông để vận dụng vào thực tiễn và không phải lo học thuộc quá nhiều.
Đây là năm đầu tiên có 62 trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh. Vậy Bộ có cơ chế giám sát như thế nào đối với những trường này để đảm bảo chất lượng và sự công bằng cho thí sinh?
Trong đề án tuyển sinh riêng của các trường, Bộ đã yêu cầu phải công bố các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Trong đó đối với thí sinh vào ĐH thì phải có kết quả phổ thông tối thiểu từ 6 trở lên, CĐ phải từ 5,5 trở lên. Những thí sinh này nếu thi ĐH, CĐ cũng có khả năng đậu.
Với quy định đó thì xã hội không lo chất lượng đầu vào sẽ bị giảm sút vì chỉ có khoảng 50 -60% số thí sinh đủ điều kiện này. Đồng thời năm nay, Bộ có chủ trương đổi mới thi cử, đặc biệt là khâu ra đề thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy đề thi đã được cải tiến nhằm đánh giá được tư duy của các em.
Vì vậy, kết quả thi phổ thông cũng được đánh giá một cách chính xác hơn. Do đó, chất lượng xét tuyển vào ĐH từ kết quả phổ thông của các em cũng không lo bị hạ thấp.
Để giám sát chất lượng tuyển sinh của các trường, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra công tác tuyển sinh ở tất cả 62 trường có tuyển sinh riêng. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành sau khi các trường tuyển sinh xong để đánh giá và rút kinh nghiệm. Nếu phát hiện tiêu cực ở bất cứ trường nào, vào thời điểm nào thì cũng đều bị xử lý.
Năm nay số hồ sơ đăng ký dự thi giảm mạnh nhưng khối ngành kinh tế lại có xu hướng tăng lên. Ông nhận xét như thế nào về tình hình này?
Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm khoảng 25 - 30% nhưng thực chất là chỉ giảm số hồ sơ ảo, còn số thí sinh dự thi vẫn tương đương năm trước. Trong khi hồ sơ ở các khối đều có xu hướng giảm nhưng khối C lại tăng lên.
Điều đó cho thấy thí sinh quan tâm đến các ngành xã hội. Như vậy là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nhóm ngành kinh tế được cảnh báo là nhu cầu nhân lực đã bão hòa thì số hồ sơ vẫn tăng lên, đây là điều đáng lo ngại.