Những điều SV năm nhất hay... bỏ lỡ

Nhcamtu95, Theo Trí Thức Trẻ 23:55 05/11/2013
Chia sẻ

Bước vào môi trường đại học mới mẻ, đầy bỡ ngỡ và những điều mới lạ, các bạn sinh viên năm nhất thường hay mang tâm trạng “chơi” nhiều hơn học, và rồi các bạn vô tình đánh mất đi nhiều thứ.

Nghỉ ngơi quá lâu

Hầu hết các sinh viên năm nhất đều mang suy nghĩ vào đại học “chơi là chủ yếu” và vì thế các bạn vẫn thường hay “xả hơi” khá dài sau kì thi đại học đầy căng thẳng. Chính suy nghĩ đó đã kéo theo hệ quả, đó là các bạn mất đi thói quen ngồi vào bàn học và thường thì các bạn cảm thấy rất khó khăn khi phải học bài vào những kì thi. Điểm thấp, nghèo nàn kiến thức… sẽ là những hậu quả mà các bạn vẫn thường nhận lấy. 

Hay trước khi thi đại học, nhiều bạn vẫn hay vẽ ra những mục tiêu để khi vào đại học, bản thân sẽ bắt đầu thực hiện. Nhưng rồi vì mải lo “nuông chiều” bản thân, các bạn quên đi những mục tiêu ấy hoặc là suy nghĩ cứ từ từ vì thời gian học đại học còn dài lắm. 

Chắc chắn rằng đến một lúc nào đó bản thân bạn sẽ giật mình nhận ra mình đã ngủ quên trên chiến thắng quá lâu, khi mọi người xung quanh gần như đạt được mục tiêu thì bạn lại bắt đầu thực hiện nó. Trong trường hợp xấu hơn, nhiều bạn sẽ nản chí và loay hoay xác định không biết nên bắt đầu từ đâu.

Những điều SV năm nhất hay... bỏ lỡ 1

Không năng động

Môi trường đại học không hề giống như môi trường phổ thông – nơi mà các bạn được thầy cô tận tình giảng dạy, chăm sóc. Đã bước vào đại học là bạn phải xác định rằng tất cả phụ thuộc vào bản thân. Hầu hết các trường đại học đều có những câu lạc bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: xã hội, quốc tế, kĩ năng, chuyên ngành... và những câu lạc bộ này đều hoạt động hết sức chuyên nghiệp. Các bạn hãy nên chọn cho mình ít nhất 1 đến 2 câu lạc bộ để các bạn có thể năng động, sáng tạo hơn, trải nghiệm và thách thức bản thân từ đó trau dồi được những kiến thức bổ ích. 

Bên cạnh những bạn sinh viên năng nổ vẫn có những bạn khá trầm lắng, thậm chí là “ù lì”. Các bạn cứ nghĩ những câu lạc bộ sẽ chẳng bao giờ giúp ích cho công việc sau này, chỉ tốn thời gian của bản thân. Đừng bao giờ nghĩ như vậy nhé. Tham gia các hoạt động chẳng bao giờ là thừa cả vì sau này sẽ có lúc bạn nhận ra chúng thật sự rất hữu dụng đấy.

Tuy hết mình tham gia các hoạt động là rất tốt nhưng các bạn cũng không được lơ là, chểnh mảng việc học bởi hãy nhớ ràng học luôn đặt trên hàng đầu.

Không quản lý tốt thời gian

Vào năm nhất các bạn thường không quan tâm nhiều lắm đến thời gian vì các bạn vẫn mang trong mình tâm trạng hết sức thoải mái. Những dự định các bạn vạch sẵn trước đó đã bị trôi vào quên lãng và nó được thay thế bằng những thứ đầy cám dỗ khác như: phim ảnh, game online. Sau một thời gian các bạn sẽ bị nghiện và khó có thể từ bỏ những thói quen như vậy.

Các bạn đã quên mất rằng thời gian thật sự trôi qua rất nhanh, nhiều khi chỉ cần chớp mắt một cái 4 năm đại học đã là của quá khứ. Tại sao các bạn không tận dụng 4 năm đó để học thêm được một ngôn ngữ, đọc thêm được rất nhiều quyển sách, kiếm một việc làm thêm để tự trang trải chi phí cá nhân? Đừng để bản thân mải mê lao vào những cuộc vui mà sáng hôm sau đi học không thể thức dậy nổi, hay suốt 4 năm 1 cuốn sách vẫn còn đang đọc dở. 

Những điều SV năm nhất hay... bỏ lỡ 2

Không chi tiêu hợp lý

Đậu đại học luôn là việc mà các bậc phụ huynh đều mong muốn ở con em mình, chính vì thế họ luôn cố gắng nỗ lực lao động để kiếm được những đồng tiền chân chính nuôi con ăn học nên người. Ấy vậy mà nhiều bạn không nghĩ đến công lao đó mà chỉ nhằm thỏa mãn bản thân, đã bỏ tiền vào những thú vui không chính đáng của mình. Chẳng hạn như các bạn nam vẫn đốt tiền vào những quán net, quán nhậu thâu đêm suốt sáng thay vì tiết kiệm khoản tiền đó để đỡ một phần chi tiêu. 

Các bạn luôn nghĩ rằng chu cấp tiền cho mình là trách nhiệm mà cha mẹ phải thực hiện. Điều đó không hoàn toàn sai, nhưng hãy nghĩ đến những khổ cực vất vả của các bậc sinh thành để trước khi dùng tiền vào việc gì, bản thân phải cân nhắc thật kĩ càng. Đó tuy chỉ là một hành động nhỏ nhưng bạn đã phần nào giúp đỡ cha mẹ mình rồi đấy! 

Muốn đi làm hơn đi học

Tâm lý “thực hành dễ hiểu hơn lý thuyết” sẽ xuất hiện trong đầu của các bạn, lúc đó nhiều bạn muốn kiếm một công việc làm thêm để có kinh nghiệm thực tế. Điều này không hề xấu, thậm chí là tốt vì bên cạnh học hỏi được nhiều thứ, các bạn đã có thể tự trang trải được một phần chi phí cho bản thân. Đáng nói ở đây là nhiều bạn cảm thấy công việc quá thú vị, luôn dành thời gian cho công việc mà quên bẵng đi việc học, thời gian học không còn và hệ lụy là những bảng điểm không tốt, rồi phải tốn thêm tiền học lại nhưng trên hết, sức khỏe của các bạn chắc chắn sẽ giảm sút đi rất nhiều.

Sẽ còn rất nhiều vấn đề nảy sinh đối với sinh viên năm nhất nhưng những vấn đề trên là thường gặp với các bạn trẻ mới bước vào cuộc sống đại học. Hãy nhớ rằng mọi việc đều có hai mặt, nếu chúng ta có thể cân bằng nó thì cuộc sống chắc chắn sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều. Đã là sinh viên chắc chắn bản thân phải va chạm nhiều thứ nhưng sau tất cả mọi chuyện, bản thân các bạn sẽ trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Các bạn hãy kết hợp mọi thứ theo một cách tốt đẹp nhất có thể để 4 năm đại học sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời trong mỗi người chúng ta. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày