1. Nguyên nhân của sự mất tập trung
Thứ nhất, bạn không có kỷ luật, sự kiên định để làm những việc cần thiết và quan trọng mà chỉ chọn những việc thuận lợi và hấp dẫn. Bạn cũng sẵn sàng chạy theo những công việc giúp bạn khảo lấp thời gian nhàn rỗi của mình chứ không quan tâm nhiều đến các kết quả thực chất trong công việc.
Thứ hai, sự chủ quan. Những cá tính, sinh lực, sáng tạo, thông minh và hành động là rất quan trọng với mỗi người, nhưng đôi khi đây lại là những cái bẫy. Với cá tính mạnh, cộng với nhịp độ nhanh của quá trình ôn thi thì ngay cả những học sinh tài giỏi nhất cũng có thể bị rơi vào cái bẫy của sự mất tập trung, từ đó giảm hiệu quả học tập. Vì thế bạn đừng chủ quan.
Thứ ba, bạn thiếu một phương pháp làm việc có kỷ luật và được lập trình khoa học. Có nhiều người học theo ngẫu hứng và rất bừa bộn nhưng vẫn học rất giỏi và thành công. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số ít. Nếu bạn muốn có được thành công, bạn nên rèn cho mình một thói quen học tập kỉ luật và có khoa học.
2. Bí quyết duy trì sự tập trung
Thứ nhất, xác định một tầm nhìn rõ ràng. Người học cần hiểu rõ điều gì là quan trọng đối với mình, tại sao mình đang làm công việc hiện tại. Khi có được một tầm nhìn rõ ràng, người học sẽ biết được mục đích và các ưu tiên trong công việc.
Thứ hai, các kế hoạch, ý tưởng mang tính “chiến thuật”. Hãy luôn vạch ra các kế hoạch kinh doanh mang tính chiến thuật cho 20 ngày (từ nay đến lúc thi đại học) dựa trên việc thực hiện các mục tiêu sẽ giúp bạn đi gần hơn đến tầm nhìn của mình. Khi đạt được từng bước phát triển vững chắc trong từng công việc (bài học) nhỏ, người học sẽ có động lực và niềm tin để thực hiện những mục tiêu (bài học) lớn.
Thứ ba, quản lý các nhiệm vụ. Hãy luôn có thói quen cập nhật danh sách các nhiệm vụ, công việc phải làm vào đầu một ngày làm việc mới. Các nhiệm vụ này được vạch ra dựa trên các kế hoạch học tập chiến thuật nói trên. Đơn giản, thực tế và hiệu quả là những tiêu chí để quản lý các nhiệm vụ (bài học) hằng ngày.
Thứ tư, kiểm tra tiến độ thực hiện các công việc thường xuyên. Một điều quan trọng là người học phải tự hỏi mình, ít nhất mỗi giờ một lần, rằng đã làm được gì và có thật sự làm một cách hiệu quả những công việc trong danh sách các nhiệm vụ đã vạch ra cho từng ngày hay chưa.
Nếu cảm thấy chưa ổn thì nên sắp xếp lại hoặc hủy bỏ một số công việc không quan trọng để tập trung vào những công việc cần ưu tiên. Thực tế cho thấy, chính những người chủ quan cho rằng mình là một người làm việc hiệu quả nhưng thực tế thì không phải vậy thường hay gặp rắc rối trong công việc học hành. Nguyên nhân chính là họ không thường xuyên kiểm tra lại tiến độ thực hiện các công việc.
Tóm lại, một người học tập và ôn thi hiệu quả chỉ tập trung vào một số hoạt động có tính ưu tiên cao nhất thay vì liên tục chuyển từ công việc này sang công việc khác. Họ không bị cuốn hút theo nhiều công việc. Họ cũng không sống với cảm giác rằng mình là người đa năng và hữu dụng. Họ chọn cách dùng hết các nỗ lực của mình để hoàn thành một số mục tiêu có tầm ảnh hưởng lớn nhất.
Hãy tìm cho mình một cách học tập tốt nhất cho giai đoạn “nước rút” này. Chúc các sĩ tử thành công!