Mẹo làm bài môn Sinh thi tốt nghiệp THPT

Khám Phá, Theo 11:37 31/05/2013
Chia sẻ

Đối với môn Sinh, phần câu hỏi lý thuyết học sinh nên đọc thật kỹ câu hỏi và đáp án trước khi khoanh tròn, tránh bị đề bài lừa.

Thạc Sĩ Bùi Thị Thu Nga, giảng viên môn Sinh, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội chia sẻ tới học sinh một số mẹo trong quá trình học và làm bài thi.

Học theo cách thiết lập sơ đồ hóa

Trước ngày thi, học sinh cần lắm vững được khái niệm cơ bản về quá trình sinh học, quy luật sinh học. Để học môn Sinh hiệu quả, học sinh nên thiết lập bằng sơ đồ hóa.

Thiết lập bằng sơ đồ hóa bằng cách học sinh thiết lập phần nội dung từ ý lớn rồi dần đến các ý nhỏ.

Ví dụ trong phần di truyền và biến dị: Sau khi thiết lập được ý lớn, sẽ có các nội dung (ý nhỏ) đi kèm như: Cơ sở vật chất và cơ chế di truyền; các quy luật di truyền; ứng dụng di truyền; chọn và tạo giống mới. Học sinh sẽ viết ra giấy và học theo ý tưởng của mình, kiến thức chỗ nào chưa chắc sẽ mở sách giáo khoa xem và hệ thống lại kiến thức.

Đối với các khái niệm, học sinh cần phân biệt được khái niệm của từng quy luật, kiểu gen, cách viết giao tử từng quy luật. Ví dụ như quy luật 2 cặp gen AaBb, học sinh cần hiểu phân li độc lập như thế nào? hoán vị gen như thế nào? liên kết gen như thế nào…

Mẹo làm bài môn Sinh thi tốt nghiệp THPT 1

Nếu như học về phần quá trình sinh học, học sinh bao giờ cũng phải biết được rằng bắt đầu từ cái gì, kiến thức là cái gì, diễn biến chia làm mấy bước, mỗi bước ấy có những cái gì, thành phần nào tham gia, vai trò của từng thành phần ấy. Khi học sinh nắm kỹ, hiểu rõ được những nội dung này sẽ không bị nhầm lẫn.

Trong quá trình học, học sinh lưu ý không để nội dung trong lý thuyết này lẫn với lý thuyết khác. Ví dụ trong phần nội dung ứng dụng di truyền học bao gồm: Công nghệ gen, công nghệ tế bào, gây đột biến gen. Các khái niệm về nội dung này thường khá gần nhau, học sinh ôn bài cần lưu ý để tránh hiểu lầm.

Cấu trúc đề thi trắc nghiệm môn Sinh trong những năm trước, riêng phần di truyền chiếm khoảng 21 đến 22 câu. Phần sinh thái và tiến hóa chiếm mỗi phần từ 8 đến 9 câu. Phần sinh thái và tiến hóa phần lớn là lý thuyết, nếu có bài tập chỉ chiếm khoảng 1/3. Học sinh cần lưu ý học kỹ và khái quát được lý thuyết sẽ dễ dàng ghi điểm được.

Khi đã khái quát rồi học sinh nên xem lại những câu trắc nghiệm theo chủ đề. Bởi trong phần học tại trường là tự luận nhưng khi thi lại là đề trắc nghiệm. Để có được những đáp án chính xác sau khi làm bài theo chủ đề học sinh nên xem lại đáp án những đề thi năm trước.

Lưu ý đối với học sinh

Xu hướng những năm gần đây, cấu trúc đề thi môn Sinh thường có 21 câu về phần di truyền học; phần tiến hóa và sinh thái mỗi phần chiếm từ 8 đến 9 câu.

- Trước hôm thi, học sinh để cho đầu óc nghỉ ngơi không nên học dồn dập, không quá lo lắng.

- Không thức quá khuya

- Trong đề thi, các câu trả lời trong câu hỏi lý thuyết nhiều khi gần giống nhau, chỉ khác nhau ở một số cụm từ nhất định, học sinh cần phải đọc kỹ từng phương án để tránh bị đề bài lừa và chọn được câu đúng nhất.

- Học sinh không lo đến chuyện thiếu thời gian bởi phần bài tập áp dụng sẽ tính toán rất nhanh, lý thuyết nhiều. Do đó trong lúc làm bài học sinh nên dành thời gian đọc kỹ các câu hỏi.

- Với dạng câu có kiểu lựa chọn câu đúng, câu không đúng hay chọn câu sai. Khi học sinh đã chọn được phương án đúng rồi vẫn nên xem lại những phương án mình đã loại trừ xem là tại sao nó lại sai để chắn chắn rằng phương án mình chọn là đúng.

- Câu dễ học sinh khoanh luôn đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Còn những câu khó chưa làm được học sinh nên có ký hiệu ở phần đề thi để khi quay lại nhớ ra kiến thức và chọn câu đúng nhất.

- Gần cuối giờ thi, đối những câu khó hơn thí sinh không làm được cũng nên khoanh vào đáp án trong bài, bởi tỷ lệ xác suất đúng vẫn có thể xảy ra.

Mẹo khi làm bài tập môn Sinh

- Với dạng bài tập phần phân tử: Học sinh nên chuyển về dạng bài tập các quan hệ của yếu tố trong một gen. Trong một gen quan hệ giữa các loại Nucleotit với nhau hay là khối lượng của gen…Từ gen bình thường ấy học sinh có thể di chuyển sang đột biến, nếu như biến đổi một Nucleotit thì biến đổi như thế nào. Khi hiểu được điều đó các em học sinh sẽ dễ dàng giải được bài tập.

- Dạng về thành phần phân tử: Học sinh cần lưu ý bài tập về mối quan hệ giữa gen hay là ADN với ARN, Protein. Khi làm bài tập này bắt buộc học sinh phải nắm rõ về cơ chế về quá trình phiên mã, dịch mã.

- Dạng bài tập vế cấp độ tế bào: Bài tập về nhiễm sắc thể thường không nhiều bài tập và nó thường rất dễ. Ví dụ như người ra đề cho những dạng dị bội 2N+1, 2N-1 và yêu cầu các em tính. Hay cho bài tập nhiễm sắc thể trình tự gen A, B, C, D, E, F. Người ra đề sẽ cho một dạng ở dưới và hỏi các em cách xác định, dạng đột biến đó là dạng đột biến gì. Thực ra trong thời gian học ở trên lớp các em đều được học, chỉ cần học sinh trước khi đi thi ôn lại và vào làm bài để ý là có thể làm được.

- Dạng bài tập về quy luật di truyền: Dạng này có một nguyên tắc chung khi làm học sinh phải biết cách viết kiểu gen, sau đó phải biết cách viết giao tử của kiểu gen đó theo từng quy luật... Nguyên tắc chung của tất cả các quy luật đều như vậy, nếu như học sinh biết cách viết của quy luật này với quy luật  kia các em sẽ dễ dàng làm được bài.

- Dạng bài tập di truyền về quần thể: Bài tập dạng này cần phân biệt được tần số alen và thành phần kiểu gen. Biết cách tính hai thành phần đó sau đó áp dụng vào hai loại quần tự phối và quần thể ngẫu phối học sinh sẽ so sánh được. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày