Lớp học của những học sinh đầu trọc

Đất Việt, Theo 17:14 22/10/2013
Chia sẻ

Những học sinh đầu trọc, đến lớp với bình truyền dịch và hằng ngày phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.

Lớp học đặc biệt vì đa phần học sinh đầu không có tóc vì sau những lần hóa trị, xạ trị ung thư. Có em vừa viết chữ, vừa phải truyền hóa chất nên mỗi dãy bàn học còn được bố trí thêm chỗ treo chai hóa chất cho những học sinh "đặc biệt" này.

Lớp học của những bệnh nhi

Lớp học hoạt động 2 buổi/tuần, học 2 môn chính là Toán và tiếng Việt. Trung bình mỗi năm khai giảng lớp học có 50 bệnh nhi đăng kí tham gia học và lớp học tiếp tục nhận học sinh mới trong suốt cả năm. Lớp học đôi khi có những tiếng khóc, tiếng rên của trẻ vì đau nhức, vì bệnh tái phát.

Lớp học của những học sinh đầu trọc 1
Đến lớp với bình truyền dịch

Đưa con từ phòng bệnh đến lớp, mẹ của bé Lý Lâm Huyền (bé quê Cà Mau, bị ung thư máu, điều trị tại BV Ung Bướu đã 2 năm), xúc động chia sẻ: "2 năm điều trị tại bệnh viện là 2 năm bé Huyền theo lớp học đặc biệt. Vì bệnh nên việc học hành của bé không thể như những trẻ cùng lứa, may mắn ở bệnh viện có lớp học nên xin cho con tham gia học. Nhiều lúc nhìn thấy con tay còn dính gạc bông vì vừa phải tiêm thuốc điều trị bệnh mà đôi mắt vẫn trong veo, nụ cười vẫn hồn nhiên, rạng rỡ như thiên thần khi ngồi vào lớp học là không cầm được nước mắt".

Lớp học của những học sinh đầu trọc 2
Lớp học toàn những học sinh đầu trọc

Cô giáo, học sinh gọi là lớp học; nhưng thật ra lớp chẳng có tên, bảng hiệu. Và thực ra lớp học chỉ là căn phòng rộng hơn 20m2, nằm ở Khoa Nội 3 của bệnh viện Ung Bướu.

Lớp học của những học sinh đầu trọc 3
Lớp học chỉ là căn phòng rộng hơn 20m2, nằm ở Khoa Nội 3 của bệnh viện Ung Bướu

Cô Nguyễn Thị Hiệp, phụ trách chung ở lớp học "đặc biệt" này, cho biết, ở lớp học này giáo viên dạy quanh năm suốt tháng, không có kì thi, học sinh đến lớp với bình truyền dịch bên cạnh và hằng ngày phải chống chọi với căn bệnh quái ác. Nhiều em rất dễ thương, đáng yêu như một "thiên thần", nhưng lại phải mang căn bệnh quái ác, và… đau buồn nhất là khi… các em phải ra đi mãi mãi.

Tiếp sức cho bệnh nhi vui sống

Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn, người đã tình nguyện gieo ánh sáng cho trẻ bị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết, lớp học đã bước sang năm thứ 5 hoạt động. Lớp học đầu tiên được khai giảng vào ngày 4/9/2009. Qua 4 năm hoạt động, lớp học đã duy trì và phát triển rất tốt với 10 giáo viên tình nguyện cho chuyên môn nghiệp vụ, sinh viên tình nguyện và sự ủng hộ nhiệt tình của bệnh viện, mạnh thường quân.

Lớp học của những học sinh đầu trọc 4
  Mỗi chữ mà các em học được đều mang nặng những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt và chứa đựng niềm hạnh phúc lớn lao của cả đội ngũ cô trò, tình nguyện viên và gia đình

Từ năm học đầu tiên, lớp học chủ yếu dạy cho bệnh nhi cấp 1, sau đó tăng dần đến lớp 5, rồi tăng dần đến lớp 9. Sau 4 năm hoạt động, lớp học đã giảng dạy cho hơn 350 bệnh nhi. Nhiều học sinh đã biết đọc, biết viết từ lớp học này. Nhiều bệnh nhi cũng thông qua lớp học này để ôn tập bài vở trong thời gian điều trị bệnh.

Lớp học của những học sinh đầu trọc 5
Tương lai của các em có thể kết thúc bất kỳ lúc nào; nhưng khát vọng học chữ đã giúp cô trò kiên cường hơn và mạnh mẽ hơn

Cô Kim Phấn chia sẻ, trong số các em theo học lớp học đặc biệt này, có khoảng 30% học sinh đã được điều trị khỏi bệnh và trở về địa phương tiếp tục đến trường, đạt thành tích tốt trong học tập. Tuy nhiên, điều đáng buồn là cũng có những em… không còn nữa.

Lớp học của những học sinh đầu trọc 6
Bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu

Cô Phạm Thị Tốt, chia sẻ, sức khỏe của các em kém, lớp nhận học sinh trong suốt cả năm nên trình độ các em không đều nhau. Mỗi chữ mà các em học được đều mang nặng những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt và chứa đựng niềm hạnh phúc lớn lao của cả đội ngũ cô trò, tình nguyện viên và gia đình.

Bên cạnh nỗi buồn, mất mát thì việc học con chữ trong nghịch cảnh này đã tiếp sức cho những bệnh nhi ung bướu vui sống và vươn lên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày