Lo ngại điểm chuẩn các trường sư phạm ngày càng thấp

ĐĐK, Theo 10:17 30/09/2010

Càng ngày điểm chuẩn của các trường ĐH càng thấp, đặc biệt là các trường cao đẳng năm nay.

Hôm nay (30-9), sẽ chính thức kết thúc đợt tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, các thí sinh sẽ khép lại nguyện vọng 3 – hy vọng cuối cùng để bước chân vào Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ). Nhìn lại điểm chuẩn nguyện vọng 1 (NV), NV 2 vào các trường, không khó khăn để nhận ra được sự chênh lệch lớn giữa các ngành, giữa các trường “hot” với nhau. Sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các nhóm ngành nghề tiếp tục diễn ra.

Trong khi nhóm ngành kinh tế tại các trường ĐH, CĐ trong cả nước luôn quá tải hồ sơ đăng ký dự thi, áp đảo cả trong “cuộc đua” xét tuyển NV 2, 3, thậm chí chẳng còn NV 3 để xét tuyển, thì một số ngành thuộc lĩnh vực sư phạm, kỹ thuật, nông lâm, công nghệ, văn hóa - xã hội vẫn không thấy “bóng dáng” người học.


Theo nhận định của một số chuyên gia tuyển sinh, lý do không có nhiều thí sinh chọn những ngành này là vì họ không biết rõ về ngành học đó. Chẳng hạn: ít học sinh nào biết trắc địa (ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, điểm chuẩn 15) là ngành học phục vụ công tác thành lập bản đồ địa hình, phục vụ thi công; học ngành này sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về xử lý và phân tích thông tin không gian như viễn thám, định vị vệ tinh GPS, hệ thống thông tin địa lý, quản lý hồ sơ quy hoạch sử dụng đất, định giá thống kê và đánh giá quản lý thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, ngành công nghệ (dệt, may) cũng là một ngành ít được thí sinh chú ý trong một vài năm gần đây. Một chuyên gia tuyển sinh đánh giá nguyên nhân chính vì tên của ngành nghe không “thời thượng” như thiết kế thời trang. Có lẽ vì vậy mà điểm chuẩn ngành này ở hầu hết các trường như ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.Hồ Chí Minh), ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh... đều từ 17 điểm trở xuống.

Nhưng có lẽ đáng quan tâm nhất là các trường Sư phạm, một điều rõ ràng là điểm chuẩn vào các trường này đang ngày càng thấp dần. Điểm qua nhiều trường trước đây từng “sáng giá” như ĐH Vinh, điểm chuẩn luôn “chót vót” thế nhưng những năm gần đây lại rất thấp. Một số ngành sư phạm như Toán, Tin, Lý, tuyển sinh với điểm chuẩn là 14, thấp hơn là các ngành giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non điểm chuẩn chỉ 13,5. Qua lý giải của những người trong cuộc, một số nguyên nhân dẫn đến “đầu vào” ngành sư phạm thấp đơn giản vì, nếu điểm chuẩn cao thì không có sinh viên nhập học. Biện pháp hỗ trợ để “kích” đầu vào như học hệ sư phạm miễn đóng học phí, được ưu tiên tuyển dụng khi ra trường đã không còn “hiệu quả”.

Thoạt nhìn, việc điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp có vẻ là việc riêng của ngành Giáo dục, nhưng nhìn xa một chút, nếu 5 – 10 năm tới, lớp các sinh viên thi đầu vào các trường sư phạm chỉ với mức 3 đến 4 điểm/môn như hiện nay, sau 3- 4 năm học sẽ ra làm thầy, thì việc dạy học sinh sẽ ra sao? Câu châm ngôn đại ý: một người thợ dốt chỉ làm hỏng một động cơ, một dây chuyền và dù tổn thất nhưng có thể khắc phục được; còn nếu một thế hệ thầy, cô thiếu kiến thức và yếu kém về chuyên môn sẽ cho “ra lò” những sản phẩm như thế nào? Rõ ràng, nếu sự nghiệp “trồng người” rơi vào tay những người “thầy dở” không chỉ hỏng cả một mà là hàng chục thế hệ.