Lợi ích từ việc ngủ dậy sớm
Đầu tiên, dậy sớm giúp bạn tỉnh táo hơn vào buổi sáng. Một ngày của bạn có rất nhiều việc cần làm, đặc biệt là việc đi học. Và nếu bạn thức dậy muộn, bạn sẽ phải ưu tiên cho những việc quan trọng. Bạn không thể thức dậy vào lúc 7 giờ 30 phút mà vẫn đi tập thể dục nếu giờ học bắt đầu vào lúc 8 giờ. Nhưng nếu dậy sớm (6 giờ chẳng hạn), bạn có nhiều thời gian hơn và có thể làm những công việc liên quan đến cá nhân, như: tập thể dục, ăn sáng,… những điều này sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn và không phải vội vàng.
Thứ hai, dậy sớm giúp bạn tràn đầy quyết tâm vào buổi sáng sớm. Một nghiên cứu khoa học chỉ ra: con người có thể có nhiều ý chí, sự quyết tâm, ý tưởng hơn trong khoảng thời gian đầu ngày hơn là tối muộn. Vì sao vậy? Vì “Ý chí cũng giống như cơ bắp, trở nên mệt mỏi khi bị sử dụng quá mức”.
Trong thời gian dài của một ngày, bạn phải hoàn thành nhiều công việc khác nhau dù khó khăn hay đơn giản; áp lực bài vở và phải tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những công việc đó bạn đều phải sử dụng sức mạnh ý chí và bạn sẽ cảm thấy cạn kiệt vào cuối ngày. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu bạn có thời gian vào buổi sáng sớm và vạch cho mình những ý tưởng tuyệt vời.
Thứ ba, sáng sớm đem đến cho bạn cơ hội lập ra giai điệu tích cực của ngày mới. Bạn đã bao giờ ngủ quên qua giờ báo thức và mọi thứ trở nên rối tung, rối mù? Những điều này sẽ làm tâm trạng của bạn đi xuống và tác động đến hiệu quả công việc cũng như học tập của bạn. Dậy sớm hơn cho phép bạn bắt đầu ngày mới với một chiến thắng và thiết lập một ngày làm việc hạnh phúc, hiệu quả hơn.
Cách để tạo thói quen dậy sớm
Đầu tiên là duy trì một lịch trình thời gian. Một trong những lý do mọi người không thể (không thích) thức dậy vào buổi sáng sớm vì họ thường thức quá muộn, hay chúng ta thường gọi với cái tên là “cú đêm”. Từ thói quen “cú đêm” này, một nghiên cứu chỉ ra rằng: nhiều người có thói quen làm “cú đêm” nhìn vào thời gian biểu của mình và nhận thấy không sử dụng thời gian buổi tối hiệu quả hay làm được việc gì đó thú vị. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ, một số người chỉ có thể làm việc vào đêm hoặc những công việc chỉ có thể làm được về đêm. Nhưng nếu duy trì được một lịch trình thời gian phù hợp và có khoa học hơn thì bạn sẽ có thể sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn và nhìn thấy sự phung phí thời gian của mình trước kia.
Thứ hai là hình dung một buổi sáng hoàn hảo. Hãy hình dung xem bạn sẽ làm gì nếu có thêm thời gian trong một ngày? Bạn sẽ tập thể dục? Uống một tách trà sữa? Hãy nghĩ đến những điều tuyệt vời của buổi sáng, điều này giúp bạn có nhiều động lực hơn để “bật dậy” trong cơn ngái ngủ. Có một câu rất hay thế này: “bạn sẽ không thể từ bỏ việc dậy muộn nếu không có những việc hấp dẫn hơn việc dậy muộn”.
Thứ ba là lên kế hoạch cho buổi sáng. Một khi bạn đã quyết định điều muốn làm khi bạn có thêm thời gian, hãy lên kế hoạch để thực hiện nó và chuẩn bị mọi thứ càng nhiều càng tốt vào tối hôm trước. Ví dụ, nếu bạn muốn tập thể dục vào buổi sáng, hãy chuẩn bị sẵn quần áo vào buổi tối hay chuẩn bị trước những nguyên liệu cho bữa sáng. Tất nhiên cũng có nhiều lí do khiến “kế hoạch” bị phá sản, quan trọng là bạn phải kỷ luật với bản thân và tối hôm trước không thức quá khuya dẫn đến việc bạn quá mệt và chẳng thiết gì “kế với chả hoạch”.
Thứ tư là từ từ xây dựng thói quen. Bạn sẽ dễ tắt chuông báo thức và ngủ tiếp nếu cố gắng chuyển thói quen thức giấc một cách đột ngột. Chính vì vậy thay vì đặt chuông vào lúc 5.00 sáng trong khi bạn thường ngủ dậy lúc 7.30 hãy thiết lập báo thức sớm hơn 10 phút mỗi ngày. Để đảm bảo bạn không mất giấc ngủ, hãy lên giường sớm hơn 10 phút vào mỗi tối. Nếu bạn khó khăn trong việc đi ngủ đúng giờ, hãy cài đặt chuông báo cho điều này.
Theo: Vanderkam