Và teen luôn thắc mắc rằng tại sao mình đã ngủ đủ giấc mà vẫn buồn ngủ, hay có cách nào chống lại cơn buồn ngủ không luôn là những câu hỏi muôn thuở của teen.
Nguyên nhân
Thực tế thì học từ khoảng 7h sáng hoặc tầm đầu giờ chiều thì tỷ lệ teen buồn ngủ khá là cao. Nguyên nhân của nó là buổi tối teen thường thức khá là khuya để online, chat, Facebook hoặc học bài rồi sáng lại phải dậy sớm. Mặc dù nói là ngủ đủ giấc khoảng tầm 6 tiếng đồng hồ nhưng vẫn thấy buồn ngủ. Tầm đầu giờ chiều khi teen không có thời gian để ngủ trưa thì vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi, rất buồn ngủ.
Một nguyên nhân khác nữa là teen không có hứng thú vào môn học, lớp học đông, thầy cô không quản lý hết, cộng với tâm lý đến lớp chỉ để điểm danh đối phó với thầy cô
Hoặc vì học trong hội trường quá đông những bạn phía sau sẽ khó quan sát và lắng nghe thầy cô giảng được. Vì thế không còn cách nào khác là… ngủ
Minh Hương (SV năm 2 ĐH NN) nói rằng: “Vì ở nhà quá bận với công việc đi làm thêm để trang trãi học phí, sinh hoạt cá nhân, về nhà lúc nào cũng trễ rồi học được một chút rồi đi ngủ nên lúc nào cũng rơi vào tình trạng thiếu ngủ. Vì thế mà tranh thủ học trong giảng đường, đông sinh viên nên tớ ngủ một chút. Với lại những môn học trong giảng đường rất khô khan, chán ngắt, sau này có kiểm tra thì tớ sẽ mượn bạn bè chép lại”.
Hiện tượng sinh viên ngủ gật trên giảng đường ngày càng trở nên phổ biến, teen có thể viện ra bất kỳ lý do nào để biện minh cho việc ngủ gật của mình. Thậm chí có những sinh viên học 5 tiết trong giảng đường thì ngủ nguyên 5 tiết rồi nhờ bạn bên cạnh đánh thức dậy nếu có điểm danh hoặc thầy cô đến gần.
Phương pháp chống lại cơn buồn ngủ
Tình trạng sinh viên “cú đêm” ngày càng nhiều, chúng ta không thể bảo rằng không nên thức khuya mà hãy dậy sớm vì thực tế nhiều sinh viên nói rằng “Dậy sớm rất khó khăn, thà thức khuya rồi dậy trễ chứ nếu ngủ sớm thì theo thói quen vẫn sẽ nằm lỳ trên giường rồi ngủ tiếp chứ không thể dậy nổi.”
Dường như càng học lên cao thì mức độ thức khuya làm “cú đêm” càng trở nên nghiêm trọng và phổ biến hơn. Thật khó để có thể chữa trong thời gian ngắn được, vì thế mà chúng tớ sẽ chỉ ra những biện pháp hạn chế tình trạng ngủ gật trên giảng đường chứ không thể nào có những biện pháp trị “dứt điểm” cơn bệnh này.
Nếu như buổi sáng có tiết học thì teen nên tranh thủ ngủ sớm rồi dậy sớm, như vậy đầu óc sẽ thỏa mái hơn, ít buồn ngủ hơn.
Nếu xác định là có tiết học quan trọng và sợ mình buồn ngủ thì teen nên ngồi bàn đầu, gần với thầy cô hơn. Tuy hơi nguy hiểm nhưng sẽ là kế sách hay vì teen dù có buồn ngủ cũng chẳng có cơ hội nào để ngủ được.
Không nên để đầu óc và tay chân rảnh rỗi, thầy cô đọc cái gì thì teen hãy viết lại cái đó, nắm bắt những ý chính thầy cô nói rồi viết vào vở, chú ý những câu hỏi thầy cô đưa ra rồi suy nghĩ.
Thư giãn tại chỗ, teen có thể quay sang bạn mình hỏi han vài câu hoặc uống nước, đem cái gì đó ra xem cho đỡ buồn ngủ rồi sau đó tập trung nghe thầy cô giảng tiếp.
Không nên tập trung mắt vào một điểm, điều này rất dễ gây ngủ, tốt nhất là hãy ngó nghiêng mọi người trong giảng đường, xem có những ai rơi vào tình trạng giống như mình không.
Luôn đảm bảo là không được đói bụng, vì đói bụng sẽ làm mình cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, chỉ muốn gục mặt xuống bàn mà nằm. Vậy nên trước khi đi học teen hãy nhớ ăn uống đầy đủ.
Tạm kết
Ngủ gật trong giảng đường là một căn bệnh khó chữa đối với sinh viên. Vậy nên đừng đổ lỗi trách hoàn cảnh vì thầy cô dạy không hay, hay do lớp học đông. Chủ yếu là hãy trách bản thân mình vì đã không chủ động tìm ra những cách chống lại cơn buồn ngủ mà thôi.