Ban đầu, Grant Wiggins đăng tải bài viết trên blog mà không tiết lộ tên tác giả. Nhưng một tuần sau đó, ông đã quyết định tiết lộ tác giả của bài viết là con gái của mình, Alexis Wiggins, một giáo viên đã công tác được 15 năm và hiện đang làm việc cho một trường quốc tế tư nhân của Mỹ ở nước ngoài vì bài viết rất được quan tâm và nhận được nhiều phản hồi từ độc giả.
Grant wiggins, chủ trang blog có bài viết được quan tâm gần đây.
Sau đây là nguyên văn bài viết của Alexis Wiggins có tên: “Tôi đã phạm một sai lầm khủng khiếp”:
“Tôi đã chờ đợi 14 năm để làm một việc mà nhẽ ra cần làm ngay trong năm đầu tiên đi dạy: đó là đóng vai học sinh trong một ngày. Những thứ thu được đã giúp tôi mở rộng tầm mắt tới mức giờ đây, tôi mong thời gian quay lại để có thể lên lớp hàng ngày và thay đổi ít nhất 10 điều.
Đây là năm đầu tiên, tôi công tác tại một trường học mà lại không trực tiếp đứng lớp. Vị trí của tôi vừa mới xuất hiện tại các trường trung học trong năm nay. Tôi sẽ làm việc với các giáo viên và những nhà quản lý để cải thiện kết quả học tập của học sinh trong trường.
Khi vừa “chân ướt chân ráo” tới trường, phần việc đầu tiên của tôi được hiệu trưởng giao cho đó là “được” làm học sinh trong hai ngày. Tôi được đề nghị đóng vai một học sinh lớp 10 vào ngày đầu tiên và lớp 12 vào ngày thứ 2, với nhiệm vụ phải hoàn thành tất cả phần việc mà một học sinh đó phải làm trong ngày: nghe giảng, ghi bài và hoàn thành mọi bài tập. Trong giờ Hóa, tôi phải tới phòng thí nghiệm. Giờ kiểm tra, tôi vẫn phải làm và nộp bài như những học sinh bình thường. Trong hai ngày ấy, tôi đã làm 2 bài kiểm tra môn tiếng Tây Ban Nha và môn kinh doanh nhưng tôi nghĩ mình đã trượt môn kinh doanh rồi.
Đây là thời khóa biểu trong "chuyến hành trình" của tôi:
Còn đây là những điều tôi nhận ra sau “chuyến hành trình quay ngược thời gian” của mình:
Điều đầu tiên đó là việc học sinh ngồi học trên lớp cả ngày vô cùng mệt mỏi. Tôi không thể tin chỉ sau ngày đầu tiên mà tôi đã mệt mỏi đến thế. Cả ngày chỉ trừ việc di chuyển từ phòng học này sang phòng học khác thì tôi chỉ ngồi một chỗ và nghe giảng.
Những giáo viên đã quên một điều rằng chúng ta đang đứng trên bục giảng. Chúng ta được di chuyển rất nhiều, di chuyển trên bục giảng, đi lại quanh lớp để kiểm tra học sinh. Chúng ta ngồi hoặc quỳ xuống trước mặt học sinh để trò chuyện. Chúng ta “được” di chuyển rất nhiều.
Nhưng học sinh thì khác. Chúng chẳng bao giờ được đi lại trong lớp, từ đầu tới cuối chỉ ngồi một chỗ nghe giảng. Và cho tới cuối giờ, tôi không thể ngừng ngáp và cũng chẳng buồn di chuyển. Tôi đã phải rất nỗ lực để có thể giữ được tỉnh táo trong tiết Khoa học tổng hợp cuối cùng.
Cuối ngày, tôi làm gì cũng lờ đờ và thực sự bị kiệt sức. Buổi tối, tôi đã dự định sẽ vào phòng làm việc và ghi lại những gì trong ngày mình đã trải qua nhưng tôi không thể. Tôi đã ngồi xem ti vi và đi ngủ lúc 8 rưỡi tối.
Nếu có thể quay lại đứng lớp và thay đổi nội quy lớp học. Tôi sẽ ngay lập tức thực hiện 3 việc sau:
- Lắp một đai sắt bóng rổ ở sau những cánh cửa lớp học và khuyến khích học sinh của mình chơi bóng, vận động trong những phút đầu tiên và cuối cùng của tiết học.
- Xây dựng một hoạt động cho tập thể lớp cùng nắm tay nhau và di chuyển. Nếu có thể, tôi sẽ hy sinh một số nội dung bài học để làm điều này. Nó thực sự cần thiết.
- Cùng học sinh thảo luận, trao đổi nội dung của bài vào những tiết cuối của buổi học. Tôi đã rất mệt mỏi vào cuối ngày, tôi đã không thể ‘cho vào đầu’ hết tất cả kiến thức, vì vậy tôi không chắc phương pháp giảng dạy trước đây có thực sự hiệu quả?
Một điều nữa tôi nhận ra, đó là khoảng 90% học sinh trung học trong lớp chỉ thụ động ngồi nghe giảng và rất lười giơ tay phát biểu. Dù chỉ đóng vai học sinh trong hai ngày, nhưng qua những cuộc phỏng vấn học sinh lớp tôi, kết quả này rất khách quan và điển hình.
Trong 8 giờ học tôi tham gia, học sinh lớp tôi rất hiếm khi phát biểu, đôi khi là vì giáo viên đang chăm chú giảng bài, vì những học sinh khác đang được gọi lên bảng làm bài tập hay do thời gian không cho phép.
Vì vậy, tôi không có ý phê phán rằng “trong tiết học chỉ một mình giáo viên nói và học sinh chỉ ngồi thụ động tiếp nhận kiến thức” nhưng những hoạt động tôi đề xuất ở trên hoàn toàn phù hợp để học sinh có thể chủ động tiếp thu và chăm phát biểu xây dựng bài hơn. Việc chủ động tiếp thu kiến thức và hăng hái xây dựng bài sẽ giúp nâng cao chất lượng giờ học và kết quả học tập của học sinh.
Tôi đã từng hỏi Cindy, học sinh lớp 10 trong lớp tôi rằng “Em có cảm thấy mình có đóng góp quan trọng gì cho lớp hoặc nếu khi em nghỉ học, lớp học sẽ thiếu đi một người hăng hái xây dựng bài hoặc sẽ bỏ lỡ những điều thú vị mà em thường đem tới cho tiết học hay không?”. Cindy chỉ cười và trả lời là không.
Và nếu tôi lại được quay lại lớp học và thay đổi nội quy học tập. Tôi sẽ ngay lập tức:
- Đưa ra những kiến thức ngắn gọn, hấp dẫn của bài học và tổ chức những hoạt động thảo luận nhóm về những đề tài xung quanh bài học để các học sinh trong nhóm có thể tự do đưa ra những ý kiến của mình. Sau đó, các nhóm sẽ trình bày kết quả thảo luận và để mọi người cùng đánh giá, tiếp thu nội dung bài học.
- Khuyến khích học sinh tập phát biểu trước gương. Khi đứng trước gương nói chuyện, tôi sẽ nhìn thấy những khuyết điểm của bản thân và sửa chữa. Điều này còn giúp các học sinh có được sự tự tin trong giao tiếp.
- Cho các lớp bắt đầu bài học với những câu hỏi khái quát hoặc những thắc mắc, nhầm lẫn của học sinh về bài học khi chuẩn bị bài từ tối hôm trước. Học sinh sẽ lần lượt viết lên bảng tất cả những câu hỏi đó và được tự ý gọi tên bạn mình muốn để đứng dậy trả lời. Sau đó, cả lớp sẽ đánh giá, phân tích câu trả lời và giải quyết những câu hỏi xung quanh bài học.
Tôi đã tưởng tượng ra tất cả những khúc mắc, tranh luận, nhiệt tình, sôi nổi, đoàn kết hợp tác của các học sinh khi được tham gia. Đây là hối tiếc lớn nhất của tôi ở hiện tại vì lớp tôi không được tự do tham gia những hoạt động như vậy.
Cuối cùng, điều tôi nhận ra đó là việc học sinh rất mệt mỏi khi liên tục nhận được những yêu cầu phải giữ im lặng để nghe giảng. Tôi biết chuyện này là bình thường bởi thời gian cho mỗi tiết học là có hạn. Học sinh phải biết tận dụng khoảng thời gian đó một cách khôn ngoan. Nhưng trong suốt một ngày, nếu phải nghe đi nghe lại những yêu cầu như thế thì thật phiền toái.
Giáo viên hãy thử đặt mình vào vị trí của học sinh. Hãy nhớ tới những cuộc họp kéo dài nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày liền, liệu bạn có chăm chú theo dõi buổi họp từ đầu tới cuối? Và nó tạo cho bạn cảm giác gì vào cuối ngày? Vì thế, việc nói chuyện với nhau hay ‘check mail’, lướt web không phải vì chúng coi thường giáo viên và bài học. Chỉ là chúng đã ngồi yên lặng nghe giảng qua lâu rồi và chúng cần ‘chuyển động’.
Nếu tôi có thể đứng lớp trở lại:
- Tôi sẽ yêu cầu các bậc phụ huynh trò chuyện với con mình nhiều hơn, sẽ kiên nhẫn giải thích cho con mỗi khi chúng đặt câu hỏi. Thói quen giao tiếp của trẻ sẽ được quyết định dựa trên những thói quen giao tiếp của cha mẹ. Chúng ta có thể mở rộng cánh cửa trái tim để yêu thương con mình và để chúng được phát triển khả năng giao tiếp một cách toàn diện.
- Tôi sẽ đưa ra những mục tiêu cá nhân của mình trước lớp và yêu cầu học sinh ‘nhắc’ tôi thực hiện yêu cầu đó. Ví dụ như tôi có thể bỏ tiền vào ‘lợn đất’ mỗi ngày để cuối năm có thể khao cả lớp ăn pizza. Điều này vừa giúp tôi và học sinh của mình gần gũi, hiểu nhau hơn, cũng như làm gương cho học sinh có thể ‘từng ngày, từng ngày’ theo đuổi mơ ước của mình.
- Tôi sẽ tiếp tục ‘vào vai một học sinh’ theo một cách khác. Tôi sẽ cho học sinh của tôi được làm những thầy giáo, cô giáo và hỏi tôi bất cứ câu hỏi nào xung quanh bài học trong vài phút đầu của tiết học với điều kiện là cả cô và trò đều không được giở sách đọc, viết trước hay học thuộc câu hỏi. Cách làm này thật sự hiệu quả, nó sẽ khiến cho không chỉ học sinh mà các giáo viên cũng không ngừng học hỏi, kể cả từ học sinh của mình.
“Chuyến hành trình” này đã giúp tôi nhận ra rất nhiều điều. Tôi đã học được cách tôn trọng và cảm thông với học sinh của mình. Tôi đã tưởng rằng trong tiết học giáo viên hoạt động nhiều, nhưng không, chính học sinh mới là người chịu nhiều vất vả hơn trong tiết học."