Rời ghế phổ thông nghĩa là bạn đã phần nào thoát ra được sự bảo bọc, che chở từ phía gia đình. Biết bao teen 12 mơ mộng về một cuộc sống của một sinh viên sống xa nhà. Vậy, liệu rằng cuộc sống ấy có màu hồng như teen tưởng tượng không?
Sướng trong vùng trời tự do
Khát khao được làm chủ cuộc sống của mình, được tự do vui chơi, tự quản lý giờ giấc, không còn cái cảnh đi đâu về đâu đều phải thông báo với bố mẹ khiến teen luôn cảm thấy bị gò bó, áp đặt. Vì thế, tâm lý chung của teen là muốn được tự do bay nhảy mà không có sự quản thúc từ bố mẹ.
Hoàng Nhi (SV năm 2 ĐH Kinh tế) nói rằng: “Vì không muốn cứ mãi sống trong sự bảo bọc của bố mẹ nên mình quyết định thi đại học xa nhà. Bây giờ thì mình muốn làm gì cũng được, có thể đi chơi về khuya mà không bị bố mắng, đồ đạc vứt lung tung mà không bị mẹ la rầy. Bữa nào lười nấu cơm thì ăn quán hoặc ăn tạm mì tôm, bạn bè chơi vô tư không còn cái cảnh khai báo với bố mẹ về bạn bè của mình… Không còn sự quản lý quá chặt chẽ của bố mẹ khiến mình dễ thở hơn rất nhiều, được sống đúng với con người thật của mình mà không phải ép khuôn theo ý của bố mẹ nữa”.
Khi học xa nhà còn là cơ hội để teen mở mang tầm mắt của mình, rằng cuộc sống không hề giản đơn như ta thấy. Đi một ngày đàng học một sàng khôn, câu tục ngữ ấy quả không sai tí nào. Teen có thể tự do làm những gì mình thích mà không bị ba mẹ cằn nhằn, nghiêm cấm này nọ.
Tuy nhiên, sự tự do quá khiến nhiều teen không kiểm soát được bản thân và bắt đầu lao vào chốn ăn chơi, cờ bạc… Hệ lụy của nó thậm chí khiến teen có một “vết nhơ” mà tẩy rửa cũng không thể sạch. Vì thế, teen nên có những điểm dừng và cái nhìn đúng đắn hơn khi chúng ta sống xa nhà.
Khổ trăm bề trăm thứ
Sinh viên rời khỏi vòng tay của bố mẹ cũng là lúc họ vướng vào gánh nặng cơm áo gạo tiền. Có lẽ ta sẽ rất quen thuộc với cảnh sinh viên nợ nần, số tiền bố mẹ nhiều khi gửi lên chỉ đủ trả tiền trọ và ăn được vài bữa.
Cuộc sống xa nhà phát sinh rất nhiều thứ để chi tiêu nên rất nhiều sinh viên khi chỉ mới nhập học được vài tháng đã cuống cuồng đi kiếm việc làm thêm để trang trải bớt phần nào. Nhất là sinh viên ở các thành phố lớn, giá cả, chi phí rất đắt đỏ, đồng tiền dưới quê gửi lên như muối bỏ biển. Và cứ mỗi đợt nộp học phí nhiều sinh viên phải bán máu để có tiền nộp học.
Tuyết Trinh (SV năm 2 ĐH Sư phạm) tâm sự: “Giờ mình mới thấm thía cái cảnh sinh viên nghèo là thế nào rồi, trăm thứ phải lo, vạn thứ phải mua, ngày nào cũng tiền ra cả thấy mà choáng. Nhiều đứa bạn bố mẹ khá giả thì gửi tiền nhiều nên tụi nó dư dả chứ bọn mình ở dưới quê, bố mẹ chân lấm tay bùn, vất vả lắm mới kiếm được vài trăm gửi lên cho mình nhưng đồng tiền ấy quá nhỏ với cuộc sống trên thành phố này. Mình cũng như nhiều bạn khác phải bươn chải để kiếm thêm thu nhập, mình làm từ gia sư, phục vụ, phát tờ rơi quảng cáo… miễn sao có thêm chút đỉnh để trang trải”.
Học xa nhà là cơ hội để ta tự lập, trưởng thành hơn. Nghề nào cũng đều có cái khó và vất vả riêng của nó, nghề nào cũng sẽ đem lại cho ta những kinh nghiệm quý báu. Sinh viên đi làm thêm là điều rất bình thường, vấn đề là ta phải lựa nghề nào phù hợp với bản thân.
Mai Đoàn (SV năm 2 ĐH Ngoại Ngữ) chia sẻ: “Đi ra khỏi vòng tay của bố mẹ mới thấy được thế giới này thật rộng lớn, kiến thức xã hội của mình còn quá nông cạn. Có thể nói rằng khi học xa nhà mình đã học hỏi được rất nhiều điều từ nhiều mối quan hệ. Chính những khó khăn ban đầu đã làm mình mạnh mẽ và trưởng thành hơn rất nhiều. Ở nhà thì bất cứ cái gì cũng đều phải xin tiền bố mẹ nên cứ ăn tiêu thả phanh, học xa nhà, đi làm thêm mới thấy kiếm được đồng tiền để tiêu thật vất vả biết bao!”.
Tạm kết
Dù sống gần hay xa gia đình thì đều có cái khổ và cái sướng riêng của nó. Vì vậy, đừng ngại gian khổ mà trốn tránh không đi theo ngành nghề mình thích. Cuộc sống xa nhà không chỉ hấp dẫn teen về một thế giới mới mà bên cạnh đó còn đem lại cho teen những bài học, kinh nghiệm thực tế mà chính bản thân ta được cọ xát.