Đó là những dòng tự sự trên blog của Nguyễn Chung Tú, sinh viên năm hai Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM viết về mẹ, cô Chung Thị Do - người gần 20 năm nay nhọc nhằn từng bước cõng con tới trường.
Nước mắt chảy xuôi…
Sau gần 20 năm quân ngũ, chú Nguyễn Văn Tâm xuất ngũ với tỷ lệ thương tật lên tới 51%. Qua người quen giới thiệu, chú kết hôn cùng cô Chung Thị Do, chèo đò ngang tại quê nhà Chợ Gạo, Tiền Giang. Tưởng hạnh phúc sớm mỉm cười khi một năm sau, Nguyễn Chung Tú ra đời khôi ngô, bụ bẫm…
Cô Do nhớ lại, Tú phát triển hoàn toàn bình thường cho tới 13 - 14 tháng tuổi. Nhận thấy con mình có những biểu hiện rất bất thường khi tập đi đứng, cô Do đưa con đi khám, để rồi chết lặng khi bác sĩ cho biết Tú đã bị di chứng chất độc da cam từ cha, không có cách nào cứu chữa được! Nuốt nước mắt vào trong, người phụ nữ ấy bồng con trở về, hàng ngày sáng thuốc bắc, chiều thuốc nam với hy vọng mong manh...
Đã 20 năm, cô Chung Thị Do cõng con vào trường tiểu học cho tới giảng đường hôm nay.
Những năm Tú học tiểu học, cô Do dắt con tới trường trên chiếc xe đạp rồi bồng con vào lớp, tan giờ lại đón con về. Tú vẫn có thể nhúc nhắc đi lại, tuy đêm nào cũng khóc vì toàn thân đau nhức. Nhưng đúng vào dịp nhận phần thưởng học sinh giỏi lớp 5, Tú bị mất cảm giác hoàn toàn ở hai chân rồi liệt hẳn, đôi bàn tay cũng yếu theo. Từ đó, cô Do phải cõng con đi về trên quãng đường 4km từ nhà tới trường vì Tú không thể ngồi xe đạp như xưa được nữa. Nỗi đau tiếp tục giáng xuống gia đình nhỏ khi đúng thời điểm này, cô Do sinh thêm một bé trai với những biểu hiện bệnh lý y hệt anh mình!
Nhọc nhằn giấc mộng giảng đường
“Do hoàn cảnh quá khó khăn, nên ban đầu vợ chồng tôi tính cho Tú học hết lớp 9 rồi nghỉ, nhưng Tú lại đậu lớp chuyên khi chuyển qua cấp ba, thương con ham học nên vợ chồng tính ráng thêm vài năm…”, cô Do chia sẻ. Con trai lớn hơn, quãng đường tới trường cũng dài hơn, người mẹ ấy vẫn miệt mài cõng con tới lớp. Tú tốt nghiệp phổ thông loại giỏi, rất muốn được thử sức mình bằng một cuộc thi vào đại học. Vậy là cô Do lại ráng gồng đưa con lên thành phố dự thi.
Ngày Tú đi thi, mẹ cõng con tới trường từ 4 giờ sáng cho… chắc ăn. Tú thi cùng những người bạn bình thường, không hề có một cơ chế riêng nào cho thí sinh khuyết tật nhưng ngay lần thi đầu tiên đã đậu khối A khoa công nghệ thông tin, và khối B công nghệ sinh học. Những tưởng với gia cảnh bi đát như vậy, cô Do không dám nghĩ tới chuyện cùng con hoàn thành giấc mộng giảng đường. Thật may, thầy giáo Bùi Ngọc Thạch – một người khuyết tật vận động hiện công tác tại trường cấp ba Chợ Gạo – Tiền Giang do quá tiếc cho cậu học trò ham học, đã đứng ra quyên góp trong giáo viên cho Tú một quỹ nhỏ để Tú được tới giảng đường.
Có sự tiếp sức của những tấm lòng, hai mẹ con lại hồ hởi đưa nhau lên thành phố. Suốt một ngày ròng, mẹ lầm lũi cõng con qua từng dãy nhà trọ quanh khu vực Linh Trung – Thủ Đức nhưng không tìm được gian phòng nào phù hợp: phòng thì mắc quá, phòng rẻ lại không phù hợp với điều kiện sinh hoạt đặc biệt của Tú. Tuyệt vọng, 9 giờ tối cô Do đưa con ngược về quê, quyết tâm cho con… nghỉ học. Thế nhưng, một vị cứu tinh lại xuất hiện: nghe qua hoàn cảnh của Tú, bác sĩ Bùi Văn Hiệp ở Vũng Tàu đã chủ động liên lạc với hai mẹ con để cho họ mượn một căn phòng nhỏ tại phường Long Thành Mỹ, quận 9. Nhờ vậy, Tú có cơ hội được đến giảng đường, dù em nhập học trễ hơn một tháng.
Còn đó những nỗi lo
Những ngày này, Tú đã bước sang năm thứ hai khoa công nghệ thông tin tại đại học Khoa học tự nhiên. Quãng đường hơn chục cây số từ nhà trọ tới trường, cô Do chở con đi bằng chiếc xe máy do vị bác sĩ tốt bụng tặng. Tới trường, cô cõng con vào lớp, rồi trong lúc chờ con lại tìm cho mình một góc nhỏ ở hành lang tranh thủ dán những chiếc hộp quà tặng, kiếm thêm ngày đôi ba chục ngàn để mẹ con mưu sinh. Ngày nào con được nghỉ học, cô tìm thêm việc quét dọn cho những gia đình quanh đó. Cô Do cho biết, hôm nào Tú phải học trên lầu ba, thì cả mẹ cả con đều muốn… nín thở bởi quãng đường cầu thang mẹ cõng con lên lớp.
Tú ngày một yếu, hiện nay Tú chỉ có thể nhúc nhắc được hai bàn tay trên bàn phím hoặc viết chữ trong một tư thế rất khó khăn, mọi việc vệ sinh cá nhân hoàn toàn trông cậy vào mẹ. Phải vài tháng, hai mẹ con mới dám về quê thăm người cha thương tật và đứa em nhỏ của Tú, hiện cũng đang rất yếu. Sắp vào một năm học mới, nỗi lo gánh nặng học phí lại tiếp tục oằn trên đôi vai mẹ...