Khi nữ sinh biến học đường thành... võ đường

Đời Sống & Pháp Luật, Theo 17:01 09/10/2013
Chia sẻ

Thời gian gần đây, chuyện học sinh dân tộc đánh nhau, quay clip rồi tung lên mạng liên tục xuất hiện khiến dư luận xôn xao.

Ẩu đả chỉ từ cái "nhìn đểu"

Mới đây nhất, một clip dài khoảng 3 phút xuất hiện trên trang Youtube quay cảnh một nhóm nữ sinh dân tộc đang hỗn chiến như phim xã hội đen đã gây "sốt" trên các diễn đàn mạng. Những nữ sinh này được cho là đang học cấp 3, mặc quần áo dân tộc và tập trung thành một nhóm rất đông trên đường quốc lộ. Mỗi nhóm có khoảng gần chục người lao vào đánh đấm, túm tóc nhau tạo nên cảnh tượng gây sự chú ý cho người qua đường. Hiện danh tính nhóm nữ sinh đánh nhau này vẫn chưa được xác định cụ thể nhưng một lần nữa, nó đánh lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường ở những trường dân tộc hiện nay. Trước đó, trên mạng cũng xuất hiện một clip về hai nữ sinh của một trường dân tộc nội trú đánh nhau dữ dội, bất chấp lời can ngăn của giáo viên. Quan trọng hơn là khi hai nữ sinh này đánh nhau thì các bạn xung quanh thản nhiên đứng nhìn. Thậm chí có người còn cổ vũ khiến cho cộng đồng mạng một phen "dậy sóng". So với những vụ đánh nhau của những nữ sinh thành phố thì mức độ và quy mô của những nữ sinh dân tộc này không hề thua kém.

Khi nữ sinh biến học đường thành... võ đường 1
Các nữ sinh dân tộc hỗn chiến khiến dư luận xôn xao thời gian gần đây (Ảnh cắt từ clip)

Thậm chí, nhiều vụ ẩu đả của học sinh dân tộc còn dẫn đến thương vong. Tháng 8/2012, tại trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái đã xảy ra vụ ẩu đả giữa hai nhóm học sinh mà nguyên nhân chỉ vì một cái "nhìn đểu". Hậu quả của vụ đánh nhau này khiến một người bị đứt gân tay, gãy xương sườn và tay phải bị rách. Điều đáng nói là những người tham gia vụ ẩu đả này đều là những học sinh nội trú trong trường và nguyên nhân xảy ra ẩu đả "không đâu vào đâu".

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận xét về vấn đề này: "Vấn đề học sinh (kể cả học sinh miền xuôi hay miền núi) đánh nhau là chuyện không phải chỉ ở thời đại này mới có. Đây chỉ là hành động mang tính bột phát khi các em có va chạm hay bị đe dọa về quyền lợi. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, cộng với sự mở rộng của nhiều kênh thông tin khiến cho học sinh chịu nhiều ảnh hưởng xấu từ phim bạo lực, những hình ảnh không tốt của người lớn, những vụ chém giết được đưa lên mạng...

Thực tế nữa là các học sinh dân tộc hiện nay cũng được tiếp cận với Internet nên tình trạng này không có gì là ngạc nhiên. Sự cộng hưởng của nhiều yếu tố một phần gây ra tình trạng bạo lực học đường ở những học sinh dân tộc. Thế nhưng nó cũng phản ánh thực tế xã hội hiện nay là sự phát triển đan xen của nhiều nền văn hóa đang làm mất đi những bản sắc riêng vốn có của những dân tộc thiểu số. Người chịu tác động đầu tiên và lớn nhất tất nhiên sẽ nằm ở giới trẻ. Chính vì vậy những vụ đánh nhau của học sinh dân tộc giống như một phản ứng tất yếu thể hiện sự thay đổi trong đời sống xã hội. Nhiệm vụ của những người quản lý là phải định hướng sao cho các em đừng đi chệch "đường ray", làm ảnh hưởng xấu tới tương lai sau này".

Đây là một "dịch bệnh" đang lan truyền

Nhà tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn) cho biết: "Trước một hiện tượng bất thường của giới trẻ, chúng ta cần phải xem xét bối cảnh, nguồn gốc của nó. Tình trạng học sinh đánh nhau hiện đang là một vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, không chỉ diễn ra ở một địa điểm mà ở rất nhiều nơi. Vì thế vụ nữ sinh dân tộc đánh nhau chỉ là một trường hợp trong rất nhiều trường hợp trước đây, bất kể là học sinh miền ngược hay miền xuôi. So sánh một cách khập khiễng thì có thể cho rằng, đây là một "dịch bệnh" đang lan truyền trong đời sống giới trẻ".

Theo nhà tâm lý, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là tâm lý muốn thể hiện mình, không muốn thua kém ai. Trong khi thông tin đại chúng hiện nay có rất nhiều luồng thông tin khác nhau mà ta tạm chia ra làm hai mảng tối và sáng. Tuy nhiên, nhiều học sinh ngày nay lại truy cập vào mảng tối nhiều hơn vì nó dễ học, dễ làm?! Họ học theo những cách thức được tung lên trước đó và bắt chước làm theo. Mục đích cũng chỉ để khẳng định mình với mọi người ở ngay nơi họ đang sống chứ chưa chắc là muốn phổ biến ra phạm vi rộng hơn.

Một nguyên nhân quan trọng khác xuất phát từ chính nhận thức lệch của những học sinh dân tộc. "Thông thường những học sinh dân tộc, học sinh học nội trú đều nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội và được hỗ trợ nhiều mặt. Từ thực tế đó họ cho rằng xã hội phải có bổn phận nuôi họ và họ có quyền hành động như thế. Đây là suy nghĩ không hiếm gặp của những học sinh dân tộc hiện nay. Điều này dẫn tới những hành vi làm sai mà ngay chính bản thân những học sinh đó không biết là sai. Dư luận thường đổ lỗi cho sự tha hóa trong đời sống đạo đức của một bộ phận học sinh dân tộc là do bị "Tây hóa"", ông Chất nói.

Tuy nhiên, cũng theo nhà tâm lý thì chúng ta cứ đưa vấn đề này hơi quá chứ Tây họ có như vậy đâu? Việc đánh nhau là một hành động mang tính bản năng hơn là một hành vi xã hội và nó diễn ra trên khắp thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Vì vậy đổ lỗi cho quá trình "Tây hóa" là khiên cưỡng và không hợp lý. Nó xuất phát từ rất nhiều yếu tố mà chúng ta cố tình không nhắc tới hoặc không muốn nhắc tới. Những hành động đánh nhau của học sinh thực chất là một hành động tự xử (phần nào giống cách tự xử kiểu xã hội đen). Đáng lẽ những mâu thuẫn cá nhân cần nhờ đến sự can thiệp của đơn vị quản lý hay pháp luật, nhưng họ lại chọn cách nhanh nhất là dùng nắm đấm. Đây là cách thức xử lý nhanh đạt mục đích nhất và dễ làm nhất.

Một nguyên nhân nữa cần nhắc tới là cộng đồng lên án hành động này như thế nào. Cộng đồng trước hết phải hiểu là những người cùng trang lứa phản ứng ra sao trước những hành động đó, họ phản đối hay đồng tình? Thực tế là trước hiện tượng này, rất nhiều trường hợp bạn bè đứng ngoài cổ vũ hay vô cảm đứng nhìn, khiến nhiều người lầm tưởng hành động của họ là đúng và hợp lý. Tác hại của việc này còn lớn hơn rất nhiều với chính hành động đánh nhau mà các học sinh gây ra.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày