Bước vào lứa tuổi vị thành niên là khi bạn được bố mẹ cho nhiều tiền hơn và trao quyền sử dụng tiền bạc 1 cách độc lập. Cũng bởi chưa biết cách sử dụng tiền 1 cách hợp lý và chính đáng nên 1 một số bạn học sinh ngày nay đang có cách tiêu tiền thể hiện tính cá nhân, vị kỷ.
Teen sử dụng tiền bạc cho mục đích cá nhân
Đó là thực trạng không thể phủ nhận, các thanh thiếu niên ngày nay hầu hết thường sử dụng tiền chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của mình.
Chia sẻ với chúng tôi về cách sử dụng tiền hàng tháng M (16 tuổi – học sinh THPT KL): “Phần lớn số tiền bố mẹ cho mình dành cho việc mua sắm quần áo và hàng quán. Mình là 1 tín đồ của thời trang và ăn uống, nên riêng 2 khoản này cũng tốn gần hết số tiền mình có trong tháng rồi.”
“Mình là con trai nên cũng ít các nhu cầu hơn các bạn gái. Mình thường dùng tiền để chơi game, và đi uống nước với các bạn, đi chơi với bạn gái nữa” – T ( học sinh THPT ST) không hề giấu giếm.
Ảnh minh họa.
Cũng chính bởi cách tiêu tiền như vậy, nên chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sau mỗi giờ học hoặc ngoài giờ học, teen có mặt tại rất nhiều các shop quần áo, mĩ phẩm, các tụ điểm vui chơi như quán game, quán bi-da, hay các hàng quán như quán trà chanh, trà sữa, nem chua rán, hoa quả dầm...
Khi được hỏi về teen cảm thấy thế nào khi tiêu tiền cho các mục đích cá nhân như vậy, đa phần đều cảm thấy rất thỏa mái. “Có gì mà phải tiếc, đều là tiền của bố mẹ cho mà” - T.H ( 17 tuổi) hồn nhiên trả lời.
Còn với mục đích tập thể?
Trong năm học nhất định có nhiều khoản quỹ đòi hỏi học sinh phải đóng góp đầy đủ, với mục đích xây dựng một khoản chi tiêu chung cho tập thể, vì lợi ích của tập thể như quỹ lớp, quỹ Đội, quỹ Khuyến học... hay một số khoản tiền từ thiện như quỹ ủng hộ đồng bào bão lụt, quỹ viên gạch hồng... Tuy nhiên, không phải bạn học sinh nào cũng có tinh thần tham gia đóng góp vì lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng.
Là lớp trưởng, T rất ngao ngán khi nói về một số thành viên “ cộm cán” của lớp: “Những bạn đó về gia cảnh thì không có gì là khó khăn cả , tuy nhiên, cứ mỗi lần có khoản quỹ nào phải đóng thì các bạn ấy lại tìm cách lờ đi, hoặc không đóng, hoặc đóng 1 nửa, làm cho mình phải nhắc nhở rất nhiều lần.”
Kh là con nhà rất khá giả, nhưng với bản tính rất keo kiệt và ích kỷ, cô nàng chỉ đóng những khoản tiền quỹ khi bị lớp trưởng nhắc nhở, viết tên lên bảng, hoặc đến tận nơi. Nếu không, cô nàng sẽ tìm cách lờ đi, hoặc ừ ừ cho qua chuyện rồi “lặn mất”.
“Vì vậy nên tiền quỹ lớp tớ luôn bị thiếu, chẳng bao giờ các bạn đóng đủ cả” - T lớp trưởng tiếp tục.
Một số bạn thì tham gia đóng quỹ thì tỏ thái độ miễn cưỡng, và cố đóng góp cho qua chuyện. H (16 tuổi) vô tư chia sẻ: “Những khoản quỹ như thế, tớ sẽ xin bố mẹ riêng, còn tiền riêng của tớ, tớ sẽ tiêu riêng”.
Trao đổi với chúng tôi về lối sống ích kỷ, vị kỷ thể hiện trong cách tiêu tiền bạc của 1 bộ phận học sinh bây giờ, thầy Nguyễn Khánh Vân – giáo viên của trường THPT Sơn Tây bày tỏ trăn trở: “Lối sống này vẽ lên một thực trạng đáng buồn của 1 bộ phận học sinh hiện nay, các em có đang có xu hướng đề cao nhu cầu, lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của tập thể, cộng đồng. Đồng thời lối sống này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đặc biệt là gíao dục về lòng yêu thương giữa con người với con người, về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái vốn có của dân tộc.”
Vẫn còn những học sinh có tấm lòng vàng
Trò chuyện về việc đóng góp những khoản quỹ lớp, hoặc quỹ ủng hộ, H (15 tuổi) bày tỏ thái độ rất tích cực: “Mình sẵn sàng ủng hộ, nếu số tiền ấy đến được tay những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Vào khoảng năm 2000, diễn ra 1 trận lụt lớn ở miền Trung, BTV Quang Minh trong chương trình thời sự, đã nói rằng, đài truyền hình đã nhận được 1 thùng mì tôm, 1 lá thư và 20.000 đồng. Đọc lá thư trên tay chính BTV cũng rất xúc động khi người viết thư và gửi những vật phẩm ủng hộ đó là 1 cậu bé 7 tuổi, muốn quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung. Đọc xong câu chuyện đó, có suy nghĩ nào được gợi lên trong đầu bạn không?