HS Lê Bội Sang (Trường THPT Nguyễn Hiền) cho rằng có quá nhiều môn học ở bậc THPT, trung bình phải học 12-13 môn nhưng nhiều môn học không biết ứng dụng vào đâu. Chẳng hạn như môn lắp ráp xe máy (thuộc môn công nghệ) thì con gái học để làm gì? Theo Sang, thay vào đó, cần thêm những môn về kỹ năng sống thì phù hợp và thiết thực hơn. Ở một số nước phát triển, chương trình THPT cũng chỉ có 1 số môn chính, với những môn phụ, học sinh sẽ được đăng ký theo sở thích, như vậy mới có thời gian học nâng cao, chuyên sâu hơn. “Chúng em rất mong chương trình sẽ được giảm tải để người học bớt khổ vì mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui, đầy hứng thú”, Sang mong ước.
Nhiều học sinh cho rằng chương trình quá dàn trải, học sinh không kham nổi trên lớp nên mới nảy sinh tình trạng dạy học thêm. HS Lê Minh Quân (Trường THPT Lê Quý Đôn) cho rằng: thời gian dành cho thực hành rất ít, chẳng hạn như môn vật lý nếu không có thực hành thì học sinh rất khó hiểu bài. Thực hành, thực nghiệm nhiều sẽ làm học sinh học thoải mái và có nhiều hứng thú để học.
Một học sinh trường THPT Nguyễn An Ninh cũng bức xúc việc HS chỉ học đối phó cho qua những kỳ thi. Việc học đã bít kín, không còn thời gian để suy nghĩ, sáng tạo, vui chơi và hoạt động phong trào.
Võ Thanh Ngọc học sinh Trường THPT Thủ Đức cho rằng học không đúng khối mình muốn thi đại học nên phải học thêm. Bạn Đỗ Chí Dũng, học sinh trường THPT Marie Curie lại cho rằng tình trạng giáo viên dạy thêm tràn lan vì thu nhập của giáo viên còn thấp.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh than thiếu định hướng nghề nghiệp ở nhà trường phổ thông. Học sinh chỉ có thể hoạch định tương lai gần, chưa đủ hiểu biết về ngành nghề một cách bài bản nên rất cần sự định hướng từ trường phổ thông.