Học sinh có nên đi thi học sinh giỏi?

Quỳnh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 08/01/2015
Chia sẻ

Thi học sinh giỏi mang lại cho các bạn học sinh nhiều danh hiệu cũng như là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Tuy nhiên không phải ai cũng muốn đi thi học sinh giỏi.

Thi học sinh giỏi: được và mất

Bắt đầu từ bậc tiểu học, các cấp giáo dục từ trường đến thị xã, tỉnh, thành phố, quốc gia đều tổ chức những cuộc thi học sinh giỏi 2 môn Toán – Tiếng việt (với cấp tiểu học) hoặc các môn nhất định (với cấp Trung học cơ sở trở lên). Được đi thi học sinh giỏi là vinh dự với rất nhiều học sinh. Đặc biệt với những học sinh giỏi đạt giải cao từ tỉnh, thành phố, hay quốc gia, danh hiệu học sinh giỏi sẽ trở thành một niềm tự hào, một kỷ niệm đẹp cho mỗi học sinh từ thời cắp sách đến trường.

Bạn Vũ Thị Mai Phương (giải Nhì học sinh giỏi môn Sinh cấp quốc gia năm 2010) cho biết: “Cảm giác mình được đạt giải, được gia đình, thầy cô và bạn bè chúc mừng làm mình mãi không quên. Cho đến tận khi mình vào đại học hay ra trường đi làm, mình vẫn rất vui và tự hào khi nhớ lại những ngày tháng ôn thi, những giây phút căng thẳng trong phòng thi hay những giây phút vỡ òa vì hạnh phúc khi nghe được kết quả thi.”

Nguyễn Duy Linh (giải Nhì học sinh giỏi môn Địa lý cấp quốc gia năm 2013): “Biết được kết quả, mình rất mừng cũng như rất xúc động vì công sức của nhiều tháng ôn luyện đã được đền đáp xứng đáng.” 

Học sinh có nên đi thi học sinh giỏi? 1
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, không phải ai tham gia kỳ thi học sinh giỏi cũng giành được những danh hiệu đáng ngưỡng mộ như vậy. Kỳ thi học sinh giỏi đã lấy của các bạn học sinh rất nhiều thời gian để học tập, vui chơi và đổi lại là nỗi buồn bã, căng thẳng, xấu hổ của mỗi bạn học sinh khi thi trượt.

P.T.N (học sinh trường THCS Cầu Giấy – Hà Nội) tâm sự: “Mình được đi thi học sinh giỏi môn Văn cấp thành phố. Lúc biết rằng mình có tên trong danh sách học sinh được chọn đi thi, mình rất vui và tự hào. Mình và các bạn cùng thi trong suốt 3 tháng đã dồn toàn tâm toàn ý để ôn tập môn văn mà bỏ bê, xao nhãng những môn học khác trên lớp. Nhưng đổi lại, đến khi thi, đề thi lại quá khó và khác với dự kiến của các thầy cô ôn thi, mình đã cố sức làm, nhưng kết quả là trượt. Mình đã khóc và suy sụp rất nhiều.”

K.Q.T (cựu học sinh chuyên Tin của một trường THPT chuyên): “Lên lớp 12, lớp mình không ai đồng ý đi thi học sinh giỏi môn Tin cả. Thứ nhất là vì chúng mình cảm thấy lực học không đủ để đi thi, thứ hai là để tránh tình trạng học tập, ôn thi vất vả, xao nhãng các môn thi đại học (phần lớn kiến thức trong kỳ thi học sinh giỏi không – liên – quan đến kiến thức trong kỳ thi đại học) mà kết quả vẫn trượt!”

Tự lượng được sức mình, nhiều học sinh đã chọn cách "né" các kỳ thi học sinh giỏi để có thể học tập tốt trên lớp cũng như chuẩn bị cho kỳ thi đại học.

Có nên thi học sinh giỏi hay không?

Học sinh có nên đi thi học sinh giỏi? 2

Trước khi tham gia vào các kỳ thi chọn học sinh giỏi, các bạn học sinh cần ước lượng được sức học của bản thân, cũng như xác định cho mình động cơ, động lực rõ ràng. Nếu bạn vẫn chưa có được những định hướng rõ ràng, hãy nhờ giáo viên của bạn tư vấn thêm.

Cô Bùi Thu Trà (giáo viên môn Văn – THPT chuyên Nguyễn Huệ) cho hay: “Qua nhiều năm ôn luyện học sinh giỏi, tôi cảm thấy buồn và tiếc cho các em học sinh đã chăm chỉ học tập nhưng lại không đạt điểm cao trong các kỳ thi. Các em học sinh cần tự ước lượng được lực học, sức học của mình trước khi quyết định có tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi hay không. Về phần giáo viên, tôi sẽ đánh giá đúng sức học của các em để tập trung bồi dưỡng cho các em thực sự có năng lực.”
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày