Gửi mẹ của con. Mẹ ơi, con gái năm cuối cấp rồi, sắp phải bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời...
Nhưng đến giờ con gái vẫn không biết mình nên chọn, phải chọn, sẽ chọn con đường nào để đi.
Mẹ biết không, con gái đã có gần ba năm học chuyên Toán với bao kỷ niệm vui buồn, bao lần vấp ngã và trải nghiệm, để đến giờ đây con mới hiểu, giá như con từng chăm chỉ học Văn hơn.
Ngày còn nhỏ con gái thích đọc Văn, con gái thích Lịch sử, con gái thích sự thơ mộng của Văn, nét hào hùng từ trang Sử. Còn ba mẹ thích những gì thuộc về tự nhiên, ba mẹ muốn con thật giỏi Toán, Lý, Hóa...
Mẹ hay giải thích với con gái khi con giỏi các môn tự nhiên, đầu óc con sẽ ngày càng linh hoạt, sáng tạo, con sẽ ngày càng thông minh và có cơ hội tiến xa hơn trong cuộc sống.
Ba hay giải thích với con gái xã hội ta chú trọng những điều này, thứ con cần là học gì, làm gì đáp ứng cho xã hội chứ không phải là làm gì con thích, con muốn.
Rồi con gái chọn chuyên Toán.
Con lạc lõng và bơ vơ giữa môi trường mà tất cả mọi người đều bất công với Văn, với Sử, với Địa. Không chỉ là bạn bè mà cả thầy cô đều không có sự công bằng. Tất cả nói với con gái thứ chúng ta cần là giỏi, thật giỏi các môn tự nhiên vì sẽ quyết định tương lai ta.
Thỉnh thoảng con gái cãi nhau với bạn bè, mọi đứa bạn của con gái đều nói: “Thế tụi tao thi Y dược, thi Kinh tế; học Văn, Sử có mà chết đói à?”.
Con gái không nghĩ vậy. Con gái nghĩ không phải cứ học giỏi là sẽ thành công. Khi bạn phát minh, chế tạo một sản phẩm mới, bạn không biết cách thuyết trình, giảng giải cho mọi người hiểu, tất cả bạn có chỉ là mớ giấy vụn mà thôi.
Khi bạn không biết cách ăn nói, không biết cách cư xử, mọi người mặc kệ bạn học giỏi bao nhiêu, sự tôn trọng họ dành cho bạn là con số không.
Có thể con gái không thông minh, không giỏi tự nhiên như mọi người, nhưng chỉ cần có tâm hồn rộng mở, con gái sẽ được đón nhận thôi, phải không mẹ?
Môn văn không dạy con gái những công thức mà sau này lên đại học sẽ không ngó tới, ra trường không biết sử dụng được bao nhiêu. Môn Văn dạy con làm sao để sống tốt với chính mình, với ba mẹ, với cộng đồng xã hội...
Giữa những tăm tối trong cuộc đời, môn văn đưa con về với thế giới của tình thương - nơi mà người với người sống với nhau bằng một niềm tin rất thật. Giữa cuộc chạy đua tất bật của điểm số, môn Văn cho con được một chút bình yên. Con người ta có thể sống trong một xã hội không hiện đại, không phát triển, nhưng không thể thiếu tình thương.
Đôi khi con không hiểu môn Văn ngấm vào máu ta ngay từ thời tấm bé, theo những lời ru của bà, của mẹ. Đó là tiếng mẹ đẻ thân thương, là xương là thịt, mà sao mọi người luôn chối bỏ?
Không ai sống mà thiếu đi ngọn nguồn tâm hồn, ngọn nguồn cảm xúc. Sự thật vậy đó nhưng người ta vẫn không thừa nhận trong lòng họ có những thứ thuộc về văn chương.
Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” là vậy. “Cái lẽ ở đời” phải chăng là cách sống biết nhường nhịn, yêu thương, “một câu nhịn, chín câu lành” mà cha ông ta hằng nhắn gửi? “Cái lẽ ở đời” vô giá ấy chỉ có trong lời ru, trong câu ca của bà của mẹ; trong mỗi bài thơ, mỗi câu văn chan chứa tình thương...
Mẹ ơi! Con gái mẹ rất thích Văn. Nhưng hình như ba mẹ nói đúng, giỏi Văn không được mọi người tôn trọng.
Không chỉ ở lớp con, ở trường con và có thể rộng ra xã hội, khi con nói con là học sinh giỏi Toán, Lý, Hóa, mọi người khen con; khi con nói con giỏi Văn, Sử, Địa, họ nói con không giỏi. Vậy thì con phải làm sao? Làm sao để được mọi người tôn trọng?
Rồi con sẽ chọn con đường thế nào? Toán, Lý, Hóa để có cơ hội thành công, hay sống với môn Văn cùng cuộc đời nghèo nàn, bạc bẽo? Tương lai con sẽ trôi về đâu giữa vô vàn định kiến, hà khắc của xã hội cho Văn, Sử, Địa?
Con viết cho mẹ trong một ngày buồn...