Học sinh chuyên Toán giành HCV Vật lý quốc tế

QĐND, Theo 08:37 17/08/2012
Chia sẻ

Học chuyên Toán nhưng đam mê Vật lý, từ chối xuống trường chuyên ở thủ đô để ở lại Sơn La học, Ngô Phi Long đã làm nên kỳ tích giành HCV Vật lý khi mới chỉ là học sinh lớp 11.

Cậu học trò miền núi Sơn La với cái tên mang ý nghĩa “rồng bay” không chỉ trở thành niềm tự hào của người dân Sơn La mà là niềm tự hào của dân tộc khi mang về từ Estonia chiếc huy chương Vàng tại Olympic Vật lý lần thứ 43.

Chàng trai có cặp kính cận thông minh, nói chuyện dễ mến, khiêm tốn nhận thành tích mà mình đạt được là nhờ vào sự định hướng của bố mẹ và dạy dỗ của thầy cô trong trường.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống giáo dục, bố mẹ đều là giáo viên Vật lý của trường chuyên Sơn La, ngay từ nhỏ Long đã có niềm đam mê đặc biệt với môn Vật lý.

hoc-sinh-chuyen-toan-gianh-hcv-vat-ly-quoc-te
Ngô Phi Long trong một giờ thực hành Vật lý ở trường

Thầy Ngô Quang Tuấn, bố Long không thể nào quên hình ảnh cậu con trai mới lớp 1 đã say mê đọc “Vật lý đại chúng” và ghi nhớ gần hết nội dung quyển sách dày hơn 500 trang. Không chỉ ham đọc sách, Phi Long còn say mê khám phá mọi thứ xung quanh bằng cách thực nghiệm. Cậu bé từng lấy kính lúp, để cho ánh nắng mặt trời xuyên qua đốt cháy tờ giấy, hay tháo tung chiếc đồng hồ của gia đình để xem nó hoạt động ra sao.

Yêu thích Vật lý nhưng Long lại là học sinh lớp chuyên Toán. Long cho biết, môn Vật lý cũng cần tính thật chính xác mà Toán học vừa là công cụ, vừa là nền tảng vững chắc nhất.

Khi còn là học sinh lớp 10, Long từng giành huy chương Vàng tại Hội trại Hùng Vương do Bộ Giáo dục tổ chức. Lên lớp 11, thi tỉnh rồi thi quốc gia môn Vật lý, cậu tiếp tục đạt giải Nhất và được chọn vào đội tuyển tham dự Olympic Vật lý châu Á năm 2012 tổ chức tại Ấn Độ.

hoc-sinh-chuyen-toan-gianh-hcv-vat-ly-quoc-te
Ngô Phi Long (thứ 2 từ phải sang) cùng đội tuyển Vật lý trong kỳ thi Olympic Vật lý lần thứ 43

Trẻ tuổi nhất đoàn, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nhiều khi thi đấu quốc tế, Phi Long chỉ giành huy chương Bạc. Chính vì vậy, cậu luôn muốn đổi màu huy chương ở những cuộc thi sau. Rút kinh nghiệm, Long cân đối thời gian cho các phần thi, đẩy nhanh tiến độ giải bài, quyết giành điểm ở những phần kiến thức được cho là thế mạnh của mình. Đồng thời, trình bày thật mạch lạc, cẩn thận.

“Mình hay bị cô giáo nhắc nhở và thường mất điểm do kỹ năng trình bày không tốt” - Long bẽn lẽn tiết lộ.

Biết tin Long giành huy chương Vàng vào lúc nửa đêm, cô Trần La Giang - mẹ Long - trằn trọc không ngủ được. Trời vừa sáng, cô vội gọi điện thông báo tin cho các thầy cô biết, ai cũng mừng và thán phục thành tích của Ngô Phi Long. Thầy giáo Cầm Thịnh, hiệu trưởng trường THPT chuyên Sơn La nhận xét: “Bất ngờ nhưng không khó tin, bởi cậu bé có một tố chất đặc biệt về Toán và Vật lý”.

Cậu học trò miền núi đã từng thi đỗ trường chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhưng cậu đã từ chối cơ hội xuống thủ đô học tập. Long ở lại Sơn La học với mong muốn được ở gần nhà và cho mọi người thấy rằng "học ở quê nhà cũng tốt, học sinh miền núi cũng rất giỏi dù điều kiện vật chất còn thiếu thốn”.

Đạt huy chương Vàng Olympic, Phi Long không ngủ quên trên chiến thắng mà tích cực rèn luyện, chuẩn bị cho năm học cuối cấp. Cậu không phụ thuộc vào bố mẹ, ngày ngày tự đạp xe đi học. Những lúc rảnh rỗi, Long còn làm gia sư cho cô em gái 10 tuổi.

Long chia sẻ, sắp tới cậu sẽ dành nhiều thời gian cho năm cuối cấp, cùng với lớp chuyên Toán có những giờ phút sống đúng như tuổi học trò. Trước đó, “chàng trai Vàng” không có nhiều thời gian vui chơi vì phải ôn thi học sinh giỏi, ôn luyện đội tuyển.

Nói về những dự định tương lai, Long cho biết, trước mắt, cậu sẽ tiếp tục học lớp 12 và tham gia ôn luyện môn Vật lý để năm sau có thể góp mặt trong đội tuyển Olympic Vật lý quốc gia.

“Mình sẽ cố giành học bổng du học để có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu về Vật lý, sau này trở về phục vụ đất nước” - Long nói.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày