Một trong những cách khắc phục điểm yếu cá nhân và tăng hiệu suất học tập đó chính là học theo nhóm. Nhóm là một tập hợp nhỏ những học sinh, sinh viên đang học cùng một môn học hoặc cùng theo đuổi một mục đích học tập chung.
1. Xác định mục đích rõ ràng
Một nhóm hoạt động tốt luôn có những mục đích rõ ràng. Mỗi thành viên trong nhóm cộng tác, liên kết với người khác để cùng theo đuổi một mục đích chung. Mục đích đó có thể là cùng nhau hoàn thành một đề tài đã được giao, ôn tập để vượt qua kì thi cuối kì, giúp đỡ học sinh yếu trong lớp nâng cao thành tích,…Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp nhóm của bạn đi đúng hướng và không bị phân tán trong quá trình học tập. Vì vậy, các thành viên trong nhóm cần cùng nhau bàn bạc, thảo luận, thống nhất một mục đích chung thật cụ thể và rõ ràng.
2. Chọn người chỉ huy
Nhóm là tập hợp những cá thể khác nhau, có sự phân biệt rõ ràng về tính cách và nhận thức. Để nhóm đạt được sự thống nhất và hoạt động suôn sẻ trên hành trình dẫn đến mục tiêu luôn cần một người chỉ huy tốt. Đó có thể là người thông minh nhất trong nhóm, người có nhiều ý tưởng nhất,…Người đó phải có tiếng nói và có khả năng thuyết phục, thống nhất tất cả các thành viên còn lại. Tốt nhất hãy để cả nhóm cùng bàn bạc và chọn ra một người chỉ huy. Một khi đã chọn ra người đứng đầu, thì tất cả các thành viên còn lại trong nhóm hãy lắng nghe và tuân theo sự chỉ huy của họ.
3. Sự cộng tác giúp đỡ lẫn nhau
Người chỉ huy có trách nhiệm phân công công việc cho các thành viên và công bố mục đích chung, cũng như kết quả của của mọi công việc. Người chỉ huy cần phải biết điểm mạnh, điểm yếu của từng thành viên để bố trí công việc thật hợp lí. VD: Bạn A chăm chỉ và cẩn thận có thể giao cho việc ghi chép lịch học, chuẩn bị tài liệu cho cả nhóm, bạn B học tốt nhất thì đảm nhận giảng giải những vẫn đề khó cho nhóm,…Mỗi người mỗi việc, tùy theo năng lực mà phân công để nhóm hoạt động với hiệu quả cao nhất.
Là một thành viên trong nhóm, bạn chia sẻ những gì bạn biết và không biết với các thành viên còn lại. Bạn giúp họ hiểu vấn đề đồng thời nhận lại sự hỗ trợ từ phía họ. Kiến thức bạn cho đi không hề mất, đồng thời bạn được nhận lại nhiều kiến thức khác. Bạn phải mở rộng bản thân để học nhiều thứ từ những thành viên khác. Bạn phải đánh giá những gì họ nói, kiểm tra, kết luận. Bạn cần tích cực tham gia, đưa nhiều ý tưởng và giúp đỡ mọi người.
4. Cùng thảo luận và trao đổi
Hãy cùng nhau đọc tài liệu, thảo luận và trao đổi về các bài viết, thuyết trình để đưa ra những nhận định đúng về vấn đề cần giải quyết. Mục đích không phải để cả nhóm viết lại bài viết, bài thuyết trình mà là để mọi người cùng quan tâm đến một vấn đề và thu thập thật nhiều ý tưởng xung quanh vấn đề đó. Tinh thần tập thể chính là điểm mạnh của việc học tập theo nhóm.
5. Tranh luận nhưng đừng căng thẳng
Một sự thật hiển nhiên đó là chúng ta luôn khác nhau và luôn cho rằng bản thân mình đúng, điều đó làm nổ ra các cuộc tranh luận. Tuy nhiên, nếu cùng ở trong một nhóm học tập, bạn cần thông cảm với những điểm chưa hoàn hảo của người khác, và họ cũng sẽ bỏ qua những thiếu sót của bạn. Tranh luận nhưng đừng cãi vã. Tranh luận căng thẳng sẽ khiến nhóm của bạn mất đoàn kết.
Hãy cộng tác với nhau để việc học tập trở nên dễ dàng hơn. Tất cả những gánh nặng của mọi người đều trở nên nhẹ đi nếu xác định được mục đích rõ ràng, chọn được người chỉ huy phù hợp, cộng tác và giúp đỡ lẫn nhau, cùng thảo luận và trao đổi, tranh luận nhưng không căng thẳng. Tuân thủ những chỉ dẫn trên, chắc chắn nhóm của bạn sẽ hoàn thành mục đích một cách xuất sắc.