1. Có định hướng hơn trong chuyện học hành
Lên lớp mới, qua cấp học mới thì việc học vô cùng khác biệt, về kiến thức và kể cả phương pháp học cũng khác nhau. Bạn nên biết cách đánh giá và nhìn nhận bản thân sau một năm học theo những tiêu chí khác nhau, để từ đó có thể phát huy khả năng và "đầu tư" thêm vào những môn bạn học khá, cũng như rút ra những điểm yếu của mình và tìm cách khắc phục ngay. Càng ngày, bạn sẽ thấy tầm quan trọng của việc học là như thế nào đấy.
Minh Thư (17 tuổi) chia sẻ: "Thường sau mỗi năm học mình luôn liệt kê một list những gì làm trong năm học qua, ví dụ như: đã hoàn thành xong kì học với một điểm số thế nào? Chưa hài lòng ở bộ môn nào? Đã đạt giải trong các đợt thi gì? Ở môn học nào?... Và gạch đầu dòng cho những yêu cầu cần khắc phục để mà cố gắng. Việc đấy giúp mình không ít trong việc nhìn nhận bản thân và có định hướng rõ ràng hơn".
2. Biết tiết kiệm quỹ thời gian hơn
Có nhiều bạn vẫn luôn than vãn rằng sao mình không thể sắp xếp được thời gian cho việc học mặc dù bản thân không có việc gì phải làm ngoài chuyện... học và học. Khoa học sắp xếp thời gian thì tuổi nào cũng phải học cả, nhưng tất nhiên là càng lớn càng biết là nên tập trung cho mảng nào hơn mảng nào. Nếu cấp dưới bạn tập trung vui chơi giải trí các kiểu và chểnh mảng chuyện học hành chẳng hạn, thì bây giờ bạn hoàn toàn hiểu được việc bạn cần làm là phải thay đổi thói quen đó ngay. Đừng "xõa" vội nhé.
3. Biết lựa chọn và mở rộng các mối quan hệ
Càng lớn, các mối quan hệ càng nhiều và càng phức tạp. Như khi chuyển cấp, chắc chắn bạn sẽ gặp và tiếp xúc với nhiều bạn bè mới hơn. Vì thế bạn cần bạn phải biết lựa chọn, mở rộng và duy trì những mối quan hệ mới này. Cần biết đâu là mối quan hệ đáng duy trì và đâu là người bạn nên từ bỏ. Rồi bạn sẽ nhận ra, có nhiều mối quan hệ cũ, chăm chút sẽ là việc không thừa tí nào. Bên cạnh đó, bạn còn có thêm kinh nghiệm để đoán biết tính cách để chọn bạn mà chơi.
"Không phải ai bạn cũng có thể chơi được đâu, vì có nhiều người bên ngoài họ tỏ ra thân thiện, giúp đỡ bạn nhưng thật bên trong chẳng ai có thể biết được họ nghĩ gì. Đặc biệt trong chuyện học hành, điểm số, vì ghanh tị đố kị nhau mà có thể bạn bị chính bạn mình "chơi" đấy. Cẩn thận và biết lựa chọn là tốt nhất" - Kiên (THPT Số 1 Tư Nghĩa) chia sẻ.
4. Một khởi đầu mới
Những gì chưa đạt được, những việc chưa thực hiện, những giá như, ước gì - nếu còn sót lại ở năm học cũ sẽ dạy bạn biết ý thức phải làm một điều gì đó để thay đổi. Hãy bắt đầu một khỏi đầu mới bằng một thái độ tích cực bạn nhé. Đừng để sang năm mới lại "ước gì" lần nữa, thời gian chẳng bao giờ chờ chúng ta.