Đối với các bạn lớp 10A7 trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), giờ Địa lý của cô Hoàng Thị Hiền không còn đơn thuần là tiết học nữa, mà giống như “lò” luyện kỹ năng học tập và nghiên cứu.
Check Facebook để… chuẩn bị bài
Sau mỗi chuyến du lịch, cô thường “ôm” về một kho hình ảnh đất đai, khí hậu, con người, văn hóa của vùng miền đó và đưa lên Facebook cùng chú thích rất kĩ lưỡng. Cô thường “nhắc nhẹ” bọn tớ chuẩn bị bài bằng cách tag tên cả lớp vào xem album ảnh.
Cô còn khuyến khích các bạn sáng tạo “tẹt ga” trong phần thuyết trình bằng cách dựng clip, đóng kịch, đọc thơ... liên quan đến bài học. Chẳng hạn như khi học bài “Sóng – Thủy triều – Dòng biển”, có nhóm còn trích dẫn bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, khiến không khí học tập trong lớp rất vui vẻ. Tú Trân (lớp 10A7) chia sẻ: “Muốn đạt điểm cao trong lớp cô, tớ chỉ cần chăm theo dõi các sự kiện thời sự trong và ngoài nước, nhờ vậy kiến thức xã hội của chúng tớ được nâng cao nhiều lắm”.
Album về sự phân hóa đất và thảm thực vật Tây Bắc trên Facebook cô
Nhập vai tuyên truyền viên
Cô Hiền chia sẻ: "Cô luôn cố gắng dạy cho học sinh biết cách tự trang bị kiến thức và kĩ năng sống thực tế chứ không chỉ có kiến thức từ sách giáo khoa". Vì vậy, teen lớp 10 năm nay còn được thực hiện dự án đặc biệt, trong đó các bạn sẽ tự tổ chức một cuộc hội thảo giả định của Liên Hiệp Quốc, báo cáo về tình hình dân số thế giới.
Những quả dưa mang tên học trò
Đến gặp cô vào một buổi chiều sau khi tan học, chúng tớ thấy cô ngồi tỉ mỉ tỉa tặng chúng tớ quả dưa có chữ Mực Tím rất đẹp. Cô kể sau giờ lên lớp, cô thường tỉa dưa để rèn kiên nhẫn và xả stress... Những quả dưa hấu có khắc tên là phần thưởng cho các bạn học sinh giỏi và là món quà sinh nhật đầy ý nghĩa cô dành cho học sinh của mình.
Món quà cô khắc tặng Mực Tím Về trường THPT Trần Khai Nguyên được sáu năm, cô Hoàng Thị Hiền đã dẫn dắt nhiều học sinh đoạt giải nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm học 2013 – 2014.