Áp lực từ phía gia đình, ganh đua điểm số với bạn bè, kết quả của các kì thi, những buổi học thêm dày đặc… khiến nhiều teen bị stress nặng nề. Áp lực học hành đang từng bước rút cạn tinh thần và sự vui vẻ của teen. Thay vì tức giận, quát tháo, đập phá, chống đối bố mẹ, làm những chuyện bốc đồng… thì teen hãy học cách xả stress hiệu quả để giảm bớt áp lực học hành.
1. Đừng ôm đồm nhiều thứ
Ngoài thời gian chính học ở trường, các bạn còn tham gia nhiều lớp học thêm tại trung tâm, ngoại ngữ, rồi cả những môn năng khiếu. Đang học tiếng Anh tại trung tâm A, nhưng thấy nhỏ bạn học giỏi tiếng Nhật, nhiều bạn liền háo hức đi đăng kí ngay. Ham học hỏi và năng động là một điều tốt nhưng lâu dần teen sẽ bị chìm ngập trong mớ kiến thức và không còn thời gian cho riêng mình nữa.
Học là một quá trình diễn ra cả đời, tạm từ bỏ một số thứ để làm những điều quan trọng trước. Đừng tham lam quá, hãy nhắc mình quan trọng nhất là chất lượng và sức khỏe bản thân. Nếu ước mơ của bạn là du học tại Anh thì tại sao lại ôm đồm cả tiếng Nhật nữa nhỉ? Hãy chăm chỉ học tiếng Anh thật tốt trước đã.
Hãy cân nhắc trước những gì mình cần làm và có khả năng làm.
2. Sắp xếp thời gian hợp lý
Một ngày có 24 tiếng mà có biết bao nhiêu thứ cần làm, cần học, nếu bạn không biết cách sắp xếp hợp lý thì lúc nào cũng vội vã, cuống cuồng, mà chẳng giải quyết được việc gì hết.
Nếu ngày mai có tới hai tiết kiểm tra toán và văn thì cũng đừng điên cuồng học loạn lên. Bạn hãy chia thời gian làm hai và chỉ học một môn trong khoảng thời gian đó thôi. Đang học môn này mà lo ngay ngáy môn kia thì đến nửa đêm bạn cũng chẳng học được chữ nào cả.
Các bạn cần phân bố thời gian học tập, ăn uống, nghỉ ngơi cho điều độ và khoa học và quyết tâm thực hiện kế hoạch đã đặt ra. Hãy giữ tỉnh táo để biết mình cần làm gì và có thể làm được đến đâu để sắp xếp deadline cho hợp lý.
3. Xả stress hiệu quả
Có muôn vàn cách xả stress nhưng không phải cách nào cũng hiệu quả. Các bạn đừng nên bùng học để đi chơi, đánh đổi vài phút vui trước mắt nhưng khoảng thời gian học bù lại kiến thức đã mất sẽ khiến bạn mệt hơn.
Cũng đừng nên tức tối, cáu gắt và trút giận lên người khác, cuộc sống là của chúng ta và chỉ có chúng ta mới có quyền tác động lên nó. Vui hay buồn cũng đều do suy nghĩ của bản thân vì thế tội gì bạn không suy nghĩ một cách tích cực.
Những lúc căng thẳng, bạn hãy nghe nhạc, những bản nhạc tươi sáng, sôi động sẽ làm bạn yêu đời hơn. Hoặc là bạn có thể chơi một một môn thể thao dùng sức nào đó như bóng rổ, bơi lội, chạy bộ,… hoạt động sẽ giúp cơ thể không bị trì trệ, uể oải. Hơn nữa, khi chơi thể thao, bạn cũng sẽ không nghĩ đến những chuyện vớ vẩn, nặng nề.
Xem một bộ phim hài, mua một cuốn truyện bạn thích và đọc hết nó, nấu một bữa ăn thật ngon và thưởng thức cùng cả nhà,… có rất nhiều cách khiến bạn vui vẻ, giải tỏa căng thẳng và áp lực. Bạn cứ thử xem, sau khi đầu óc được nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian nhất định thì sẽ hoạt động hiệu quả và suy nghĩ tích cực hơn.
4. Đừng ép buộc bản thân
Nhiều bạn lúc nào cũng ở trong tâm trạng lo lắng, nghĩ đến thi cử, bài vở là toát mồ hôi hột. Sợ bị điểm kém, sợ trượt đại học, sợ làm bố mẹ thất vọng, sợ thua kém bạn bè… bạn cứ giữ tư tưởng như vậy, “chẳng chóng thì chày” bạn sẽ chán ngấy học hành.
Hãy nhắc nhở bản thân rằng: “Chỉ cần mình cố gắng hết sức và không bỏ cuộc thì dù kết quả có ra sao mình cũng không hối hận”. Đấy, mọi việc chỉ đơn giản như vậy, bạn đừng ép buộc bản thân làm gì. Cuộc sống có nhiều sự lựa chọn, bạn hãy bình tĩnh, tỉnh táo để chọn lựa con đường phù hợp nhất với bản thân.
Cứ nghĩ rằng, ngày mai là một ngày mới, bạn lại có thêm một cơ hội để cố gắng, thành công chưa đến thì rồi cũng đến.
Những lúc quá căng thẳng bạn hãy tâm sự với bạn bè và người thân nhé. Sự chia sẻ, đồng cảm và thấu hiểu sẽ giúp bạn vượt qua cơn khủng hoảng dễ dàng hơn.