Những cuốn sách lậu được in sao trái phép và bán tràn lan trước các cổng trường tại làng Đại học đã tồn tại nhiều năm nay. Những người mua và bán chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà không biết rằng mình đang vi phạm pháp luật vì xâm hại sở hữu trí tuệ.
Sách lậu, sách giả dễ mua hơn sách thật
Rất dễ để tìm mua giáo trình lậu ở làng Đại học (quận Thủ Đức, TP.HCM). Có nhiều người gọi đây là “thành phố của tri thức”, nhưng điều đáng ngạc nhiên là tại một khu vực rộng lớn với nhiều trường đại học, tập hợp hàng chục ngàn sinh viên như vậy nhưng chỉ có 5-6 hiệu sách để phục vụ cho nhu cầu đọc.
Tất cả các hiệu sách và các tiệm photocopy tại làng Đại học đều có bán giáo trình. Giáo trình được photocopy lại, đóng bìa mỏng rồi đem ra bày bán công khai tại các cổng trường.
Tại cổng trường Đại học KHXH&NV, một phụ nữ chừng hơn 40 tuổi bày ra một gian hàng lưu động, vừa bán giáo trình vừa bán… nước giải khát.
Trên gian hàng của bày bán đủ loại sách về phục vụ cho các môn Triết học, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Kinh tế chính trị, Tâm lý học đại cương, Tư tưởng hồ Chí Minh, Lịch sử Báo chí Việt Nam, Lịch sử Văn minh Thế giới… Chỉ bằng quan sát thôi cũng có thể thấy bà rất đắt hàng. Sách in lậu được một thanh niên đi xe máy chuyển đến liên tục.
Một gian hàng bán giáo trình lậu lưu động trước cổng trường Đại học KHXH&NV
Sách được chủ gian hàng chuyển về liên tục
Một chủ hiệu sách ở gần khu vực trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: “Giáo trình ở đây in ra còn không kịp bán. Vào đầu mỗi học kì, sinh viên mua nhiều lắm. Mình đặt hàng ở các tiệm photocopy rồi cứ thế mang về bán, không sợ ế”.
Bà chủ này lý giải việc bán chạy trên là vì lý do sinh viên ngại mua sách của các nhà xuất bản do giá cao hơn giá sách in sao lậu. Được biết, để có một cuốn sách, nhà sách phải bỏ chi phí tìm kiếm ý tưởng, trả phí bản quyền, nhuận bút, biên dịch, biên tập, thiết kế, chế bản, in ấn và phát hành đến tay người đọc. Các sạp hàng này chỉ mất tiền photocopy, không phải chịu bất kỳ các khoản phí nào khác về vận chuyển, tác quyền, thuế… nên giá đương nhiên là sẽ rẻ hơn.
Giá cả rẻ đi đôi với chất lượng sách kém. Chúng tôi thử mua hai quyển sách Tâm lý học đại cương (của Khoa Giáo dục học trường Đại học KHXH&NV) và cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam (của tác giả Trần Ngọc Thêm) để tìm hiểu. Sách có lẽ đã được photo rất nhiều lần, mực lem nhem trên giấy. Chất lượng giấy rất xấu, khác hẳn với những cuốn sách gốc.
“Bọn trẻ đọc một lần rồi thôi. Quan trọng gì đâu. Sinh viên bây giờ cũng lười đọc lắm” - một người bán sách gần trường Đại học Khoa học Tự nhiên quả quyết.
Sách lậu bị photo nhiều lần trên giấy xấu nên lem nhem, chữ mờ và khó đọc.
Nhiều đoạn còn bị gạch xóa ngay trong sách
Theo Tuấn Anh, đúng như các chủ cửa hàng đã nhận định, việc sinh viên mua sách giáo trình chủ yếu là vì lý do kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng sách lậu cũng ở mức độ “hên xui”.
“Có nhiều cuốn sách mình mua về, bìa in một đằng, nội dung một nẻo. Thậm chí, nhiều cuốn sách do được người in lậu đánh máy lại, sai chính tả nhiều không kể xiết” - Tuấn Anh cho biết.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh đang mua sách gần đó cho biết thêm: “Thực ra chúng mình cũng có thể mua sách ở thư viện trường, nhưng phần vì giá đắt, phần vì mình…không có thói quen đi thư viện, nên cũng ngại. Đi học về, mình ghé đây mua cho rẻ”.
Có thể thấy, với số lượng hàng chục ngàn sinh viên có nhu cầu, cùng với tâm lí “ngại” mua sách có bản quyền như vậy, việc sách giáo trình lậu được tự do “hoành hành” ở đây cũng không có gì khó hiểu.
Một nhà sách lớn nằm trong làng Đại học có bán giáo trình, nhưng rất vắng khách.
“Sách lậu tàn phá cơ hội phát triển tri thức”
Theo khảo sát, hầu hết các chủ tiệm sách tại làng Đại học đều chỉ mơ hồ hiểu rằng, họ in sách chỉ là để kiếm ít đồng lãi chứ không hề biết việc mình làm có đúng quy định pháp luật hay không. Trên thực tế, theo nhiều sinh viên, thậm chí các sinh viên khóa trước cũng in sách giáo trình cũ để bán rong cho sinh viên khóa sau và gặp không ít phản ứng của chính các thầy mình, khi họ nhìn thấy sách của họ bị in sao và bán rong mà không có bất cứ một sự cho phép nào.
Theo bạn Phan Quốc Hiệu (Khoa Báo chí & truyền thông, Đại học KHXH&NV): “Thường thì ở mỗi môn học, các giảng viên thường lên lớp mới yêu cầu sinh viên mua các loại giáo trình tham khảo. Cũng cùng một môn học, nhưng các giảng viên có thể yêu cầu các loại giáo trình khác nhau, chứ không phải môn học nào cũng có một giáo trình thống nhất. Do đó, việc mua sách giáo trình lậu, ngoài việc không đảm bảo chất lượng thì cũng chưa chắc đúng với yêu cầu của giảng viên”.
Giáo trình lậu, muốn sách gì cũng có.
Chúng tôi mua một cuốn sách Tâm lý học đại cương do Khoa Giáo dục học, Đại học KHXH&NV biên soạn với giá 13.000 đồng tại cổng trường Đại học KHXH&NV, thậm chí, cơ sở photocopy cuốn sách này còn để hẳn lại số điện thoại quảng cáo trên sách.
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, trưởng khoa Giáo dục học trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, một trong những người tham gia biên soạn cuốn sách trên cho biết: “Đây là một cuốn giáo trình đã có từ hơn 10 năm nay, từ ngày mới thành lập khoa, các thầy cô biên soạn sách và bán giá thấp để các em sinh viên có điều kiện mua đọc. Hiện nay, cuốn sách này chỉ còn giá trị tham khảo vì khoa đã giảng dạy bằng nhiều giáo trình mới hơn”.
Rất khó để tin tưởng những cuốn sách được in lem nhem thế này.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Khoa Báo chí và Truyền thông trường Đại học KHXH&NV cho rằng, ý thức về tôn trọng bản quyền trí tuệ của cả người làm sách lậu để bán và người mua. Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông khẳng định: “Không thể nào chấp nhận hành vi làm lậu sách, vì nó tàn phá cơ hội phát triển tri thức”.
Theo luật sư Phạm Đình Bắc, đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, pháp luật nước ra quy định rõ về việc các tác giả được bảo hộ quyền sở hữu đối với tác phẩm của mình tho Luật sở hữu trí tuệ. Theo điều 170b Bộ luật hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi in sao sách lậu trái phép có thể bị xử lí hình sự với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù.