Không phải không đỗ Đại học thì tất cả công sức suốt 12 năm của bạn sẽ bị trôi sông.
Áp lực không nhỏ sau hai từ “Đại học”
Khi kì thi Đại học kết thúc cũng là lúc các bạn học sinh và phụ huynh bắt đầu quan tâm và lo lắng đến kết quả, việc đỗ hay không. Với thông tư 55 quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học ra đời của Bộ GD&ĐT thì việc liên thông của sinh viên Trung cấp, Cao đẳng đều khó khăn và gây trở ngại rất lớn cho các bạn. Chính vì thế, ai cũng muốn có được một tấm vé vào thẳng Đại học là điều hiển nhiên. Cánh cửa Đại học là nơi không dễ để bạn có thể chen chân vào nếu bạn không biết cố gắng. Nhưng không phải không đỗ Đại học thì tất cả công sức suốt 12 năm của bạn sẽ bị trôi sông.
Tâm lí của rất nhiều bạn học sinh sinh viên đều cho rằng “không học Đại học thì làm được cái gì?”. Điều này không hoàn toàn đúng. Khi mà bạn đang bị hai chữ “Đại học” tác động thì cũng là lúc tâm lí bạn đã bị xao nhãng, gây áp lực mạnh nhất. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng là những người gây áp lực trực tiếp cho chính con cái của mình. Thế mới biết, áp lực từ gia đình, bạn bè cũng như nhà trường trên đôi vai nhỏ của các bạn học sinh nặng tới mức nào.
Xem đỗ Đại học là một “trách nhiệm”
Hiện nay, xu hướng thường thấy ở các bạn học sinh THPT khi thi đại học là chọn trường theo mong muốn của bố mẹ hoặc anh chị đã “đi trước” trong gia đình. Đáng lo ngại hơn, hiện không chỉ các bậc phụ huynh, mà một số lượng khá lớn học sinh cũng có suy nghĩ “chọn trường danh tiếng”, trường “top”, do tâm lý sợ thua bạn kém bè. Ngoài ra, một vấn đề cần lưu ý là các bậc cha mẹ thường quen với việc “nghĩ hộ” con mình, mà quên rằng càng tiến gần tới cánh cửa đại học, phần lớn các bạn đã có thể suy nghĩ độc lập và chính chắn.
Minh Tâm (17 tuổi) tâm sự: “Nhà tớ có hai chị em, năm trước chị tớ thi trượt Đại học, và bây giờ thì bố mẹ rất hy vọng ở tớ. Bố mẹ mong rằng mình có thể đỗ Đại học để có thể “tự hào” với họ hàng và hàng xóm. Nhiều lúc nghe bố mẹ nói chuyện mà mình có cảm giác như việc đỗ Đại học đang bị bố mẹ biến thành một trách nhiệm lớn lao mà mình phải thực hiện. Nhưng bố mẹ đâu biết tớ bị áp lực chừng nào”.
Không riêng gì Tâm, ở một số gia đình hiện nay, bố mẹ luôn luôn nhắc đến việc phải đỗ Đại học, với lý do như là truyền thống cả đại gia đình đều là những người có ăn có học, một số người còn là giáo sư, tiến sĩ có tiếng. Cũng chính vì thế mà kỳ vọng ở con mình rất lớn, đặt chỉ tiêu là phải thi đậu vào nhóm trường danh tiếng cho bằng họ hàng. Rồi thì hãy nhìn bạn bè xung quanh, nhìn anh A, chị B hàng xóm xem, ai cũng Đại học mà ra cả, nhưng có khi nào bố mẹ tự hỏi:“Tại sao lại bắt con mình giống anh A, chị B hàng xóm để từ đó gây ra một áp lực vô hình cho chúng?”
Khi có bố mẹ là người đồng hành
Nhật Hưng (THPT TN) kể, mẹ Hưng rất tin tưởng vào sức học của cậu ấy, vậy nên từ khi còn nhỏ, mẹ đã chú ý không gây áp lực học hành cho Hưng. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy làm mẹ luôn có định hướng cho ưngđi du học. Nhưng Hưng không hề muốn như thế. Đến khi Hưng bực bội và bảo với mẹ rằng: “Tại sao cứ phải là du học? Cứ phải ra nước ngoài mới có tương lai sao?”. Khi nghe Hưng nói như thế, mẹ cậu mới nhận ra mình đã nhìn lầm vấn đề, con muốn là chính mình, muốn được tự quyết định tươn lai, và thực chất là Hưng đã đặt mục tiêu thi vào một trường trong nước, chọn một ngành để theo đuổi trong tương lai lai chứ không hề muốn đi du học lúc này.
Và cô bạn Thu, một sinh viên tình nguyện trong buổi tiếp sức mùa thi, cũng may mắn khi bố mẹ là những người đồng hành cùng bạn trong khoảng thời gian khó khăn, Thu cho biết: “Áp lực thi cử xuất hiện ngay từ lúc đặt bút đăng ký hồ sơ và càng gần ngày thi, áp lực càng nặng nề, nhưng thật may mắn vì bố mẹ không hề tạo thêm áp lực cho em mà thậm chí còn tạo điều kiện cho em thoải mái chọn trường đúng với năng lực và ý thích”.
Tạm kết
Bên cạnh những phụ huynh luôn gây áp lực cho con mình thì cũng có nhiều bạn may mắn hơn như Hưng và Thu. Tạo gánh nặng cho các bạn thí sinh giống như giọt nước làm tràn ly, nó sẽ làm cho tâm lý của các bạn thêm nặng nề. Điều đó chỉ làm cho các bạn thí sinh rối tung và bị rơi vào một mớ bòng bong của chuyện thi cử. Vì thế họ sẽ mất tỉnh táo và tất yếu sẽ ảnh hưởng không tốt tới kết quả thi. Các bậc phụ huynh hãy quan tâm hơn tới cảm xúc của con trong thời điểm nhạy cảm này. Và các bạn thí sinh cũng hãy chia sẻ nhiều hơn với cha mẹ những mong muốn của bản thân để cùng đưa ra giải pháp tốt nhất nhé.