Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, kỳ thi học sinh giỏi năm nay có 130 thí sinh dự thi môn sử, 151 thí sinh dự thi môn địa, 131 thí sinh thi môn hóa và 174 thí sinh thi ngữ văn. Tất cả đề thi áp dụng thang điểm 20.
Kết quả bất ngờ
Môn địa không có giải nhất. Thí sinh Lê Văn Tí Nho (Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu) được 11 điểm, đoạt giải Nhì, tức chỉ đạt 5,5 điểm theo thang điểm 10. Một loạt thí sinh đoạt giải Ba đều không có ai đạt điểm trung bình. Người cao điểm nhất trong nhóm đoạt giải Ba chỉ đạt 9 điểm, còn lại chỉ từ 8,25-8,75 điểm. Giải khuyến khích càng tệ hại hơn vì đó là thí sinh làm bài thi chỉ đạt từ 6,25-8 điểm.
“Đề thi môn địa có năm câu, trung bình mỗi câu 4 điểm. Kết quả cho thấy thí sinh chỉ cần làm được hơn một câu trong đề thi là... có giải khuyến khích. Câu 1 (4 điểm) hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa (Lực Coriolis là gì? Phân tích tác động của lực đó đến hoàn lưu khí quyển, dòng biển và các dòng sông trên Trái đất?). Nếu học sinh làm tốt câu này và trả lời thêm vài ý nữa ở các câu còn lại để được 2-3 điểm nữa là coi như có giải” - một giáo viên dạy địa ở Đồng Tháp bày tỏ bức xúc.
Điểm một đàng, giải một nẻo
Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Đồng Tháp năm nay, môn Địa chỉ có 4/151 thí sinh đạt điểm trên trung bình, chiếm 2,6%. Thế nhưng thí sinh đoạt giải lên tới... 35,7%. Môn Hóa có 18,3% thí sinh trên trung bình nhưng có tới 50,38% thí sinh được trao giải. Môn Ngữ văn chỉ có 12,6% thí sinh trên trung bình, nhưng có tới 48,28% thí sinh đoạt giải. Đáng chú ý, có tới 30 thí sinh làm bài thi dưới 2 điểm, tức 1 điểm của thang điểm 10!
Môn Hóa học chỉ có 24 thí sinh đạt điểm trung bình trở lên trong số 131 thí sinh dự thi. Thí sinh đoạt giải Nhất là Nguyễn Phú Quý (Trường THPT Nguyễn Quang Diêu) chỉ được 13,25 điểm. Phần lớn thí sinh có điểm dưới trung bình được trao giải Ba. Còn những bài thi trên 7 điểm cũng có giải khuyến khích.
Kết quả thi môn Ngữ văn cũng chỉ có 25 thí sinh đạt 9,75 điểm trở lên trong tổng số 174 thí sinh dự thi. Giải Nhất là thí sinh Nguyễn Thiên Bảo (Trường THPT Nguyễn Quang Diêu) đạt 14 điểm. Giải Nhì chỉ có 11,5 điểm. Còn giải Ba và khuyến khích đều là những thí sinh có điểm dưới trung bình.
“Phong trào thi đua”
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Hồ Văn Thống (giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp) lý giải: “Kết quả thi thấp là do đề thi được ra ở mức độ khó”. Theo ông Thống, các năm trước đây sở cử giáo viên ở các trường ra đề thi. Cho dù có làm đầy đủ biện pháp bảo mật nhưng vẫn không thể tránh được tình trạng “thầy trường nào ra đề, học sinh trường đó rinh giải nhiều”. Chính vì thế hai năm qua sở đã ký hợp đồng với các thầy cô ở một số trường đại học tại TP.HCM ra đề thi. Đề thi năm nay được đánh giá là khó, có thực tiễn và hay. Những học sinh học và thi theo cách cũ sẽ khó lòng đạt điểm cao được. “Chúng tôi mong muốn qua hình thức ra đề và thi như thế này sẽ giúp thầy cô giáo và học sinh thay đổi cách dạy và học theo hướng mở, học sinh phải tăng cường tư duy chứ không thể học vẹt như trước” - ông Thống nói.
Ông Thống cho biết tỉ lệ thí sinh đoạt giải nhiều là thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, kỳ thi học sinh giỏi là phong trào thi đua. Nếu chỉ trao giải cho số ít thí sinh điểm cao thì không khuyến khích các em ở vùng sâu vùng xa dự thi.
Tuy nhiên theo nhiều giáo viên ở Đồng Tháp, đề thi khó chỉ là một trong các nguyên nhân chứ không phải là nguyên nhân chính. Thầy H.N.D. (Trường THPT Cao Lãnh 2) nói sau khi biết kết quả thì không ít giáo viên cũng có tâm trạng hoang mang vì không biết nên gọi tên kỳ thi này là học sinh giỏi hay... học sinh dở!
Theo lý giải của thầy D., một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ quy định số lượng học sinh dự thi. Theo đó, nếu năm trước đội tuyển của trường đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi vòng tỉnh thì sẽ được tăng số lượng thí sinh dự thi vào năm sau. “Hiện tại nhiều trường có đến 16 em đi thi/môn nhưng không phải ai cũng giỏi thật... Nhìn số em đi thi học sinh giỏi nhưng chỉ có 1 điểm mà đau lòng” - thầy D. chia sẻ.