Dẹp bỏ nỗi sợ mang tên "thuyết trình"

Quỳnh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:24 02/04/2014
Chia sẻ

Nếu bạn đã từng sợ hãi và lo lắng trước khi thuyết trình. Hãy đọc những lời khuyên dưới đây để có thể tự tin và làm tốt hơn.

Chuẩn bị trước 

Điều đầu tiên cần làm trước mỗi buổi thuyết trình là chuẩn bị trước đề tài cần thuyết trình. Nếu nó là một đề tài bạn yêu thích, bạn rất dễ dàng để nghiên cứu và ghi chú. Nếu đề tài không phù hợp và khó đối với bạn thì bạn cần đọc và suy ngẫm nhiều hơn. Việc chuẩn bị trước sẽ nâng cao sự tự tin và khả năng nói lưu loát, trôi chảy của bạn.

Nghiên cứu sâu về đề tài

Đừng hời hợt và qua loa với đề tài mà bạn nghiên cứu. Thay vào đó, đào sâu vào chủ đề này bằng cách nghiên cứu sâu đề tài, bạn sẽ hiểu rõ và sẵn sàng với bài thuyết trình của chính mình. Đừng bao giờ bạn phải ấp úng hay mất vài giây thẫn thờ trên sân khấu để suy nghĩ về một vấn đề, câu hỏi nào đó mà giáo sư, bạn học khác đặt ra. Khi thuyết trình về một vấn đề nào đó, thì điều tối thiểu bạn phải làm đó là nghiên cứu thật kỹ về nó để có thể đưa ra những dẫn chứng, câu từ chính xác, phù hợp thì mới có thể thuyết phục người nghe.

Ngoài ra, để minh họa, bạn hãy tìm thêm hình ảnh hoặc làm powerpoint. Bằng cách này, bạn sẽ nắm vững được đề tài và sẵn sàng trước bài thuyết trình. 



Đọc thành tiếng

Một khi bạn đã sẵn sàng với nội dung của bài thuyết trình, hãy đọc to bài thuyết trình thành tiếng. Đọc to sẽ giúp bạn thấy tự tin và cũng là một cách để ôn lại kiến thức của đề tài mà bạn đã nghiên cứu. Để tránh bối rối khi đứng lên thuyết trình bạn hãy in phần nói trong bài thuyết trình của mình ra, để khi quên, bạn có thể nhìn qua vào bản in đó để có bài thuyết trình trôi chảy hơn.

Diễn thử

Vào ngày thực hiện bài thuyết trình, hãy đến địa điểm 1-2 tiếng trước khi bài thuyết trình của bạn diễn ra. Bạn cần đến sớm để sắp xếp các phương tiện hỗ trợ. Hãy chắc chắn rằng mọi thứ vẫn hoạt động tốt. Bạn hãy đứng lên bục và diễn thử để ôn lại phần thuyết trình của mình một lần và cũng là lần cuối cùng. Bằng cách này, bạn có thể điều chỉnh âm lượng và giọng nói của mình qua micro. Ngoài ra, bạn còn có thể điều chỉnh đèn và âm thanh từ loa để có thể thuyết trình tốt hơn.

Thuyết trình thật tự tin

Khi bạn bắt đầu bài thuyết trình của mình, hãy bắt đầu với một nụ cười, nói với sự tự tin. Sự tự tin với phần trình bày của bạn buộc khán giả phải lắng nghe bạn. Ngay cả khi bạn mắc lỗi, hãy kiên nhẫn và tiếp tục nói. Khán giả sẽ đánh giá sự tự tin của bạn, sự tán dương, ủng hộ sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình.  

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Khi bạn thuyết trình, khán giả không chỉ nghe các nội dung của bài thuyết trình của bạn mà còn quan sát sự thể hiện của bạn. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng trong việc chuyển tải sự tự tin của bạn. Đừng cho khán giả của bạn thấy, bạn đang lo lắng. Mỉm cười hoặc tạm dừng để thở nhẹ, bất cứ lúc nào bạn thấy quá hồi hộp và lo lắng. Bạn có thể gây ấn tượng với khán giả bằng những cử chỉ hoạt động của bạn như di chuyển bàn tay của bạn hoặc hướng ngón cái đi lên, khi mọi người đồng tình với luận điểm mà bạn đưa ra.  


Tương tác với khán giả

Thuyết trình không có nghĩa là học vẹt một vài luận điểm và thể hiện nó thật tự tin. Thuyết trình còn có nghĩa là, bạn có thể thuyết phục khán giả. Trong thực tế thì nhiều người sẽ cảm thấy sợ hãi khi họ nhìn thấy đám đông phía dưới chứ đừng nói đến việc trả lời câu hỏi và thuyết phục họ theo luận điểm của mình. Để thuyết phục được khán giả của bạn, điều quan trọng nhất là bạn phải tương tác với họ. Họ thích nghe chuyện có sự góp mặt của họ. Hãy trò chuyện với họ, hãy đặt câu hỏi và vui đùa. Trích dẫn một vài ví dụ cá nhân của bạn để thấy được mối liên quan với họ. Bằng cách này, bài thuyết trình của bạn sẽ dễ đi sâu vào tâm trí của khán giả hơn. 

Chuẩn bị nhiều phương án

Bất cứ khi nào bạn chuẩn bị cho bài thuyết trình, bạn luôn phải chuẩn bị cho nhiều phương án và cả những điều tồi tệ nhất. Hãy chú ý những điều đơn giản, như là mang theo một chai nước khi bạn thấy khát. Mang theo một chiếc khăn tay, trong trường hợp bạn ho hoặc đổ mồ hôi. Khi bạn chuẩn bị trước cho những sự cố, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và bớt sợ hãi hơn.  
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày