Ít ai nghĩ dãy nhà năm tầng khang trang ngay cổng Trường CĐ Đức Trí (116 Nguyễn Huy Tưởng, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là KTX. Nơi đây 80 sinh viên (SV), đa số là người dân tộc thiểu số ở miền Trung, Tây nguyên và các SV có hoàn cảnh khó khăn, đang sinh sống và học tập miễn phí.
Miễn phí KTX toàn bộ SV năm thứ nhất
Trường CĐ Đức Trí, Đà Nẵng là trường tư thục được thành lập ngày 8-3-2005 theo quyết định của Bộ GD-ĐT. Trường hiện có gần 1.000 SV theo học các ngành nghề công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật môi trường, giáo dục thể chất, kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản trị du lịch, xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng cầu đường, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, tin học ứng dụng, tin học quản lý. Theo quy định, SV năm thứ nhất sẽ được ở KTX miễn phí, nếu còn dư chỗ SV các lớp trên sẽ được xem xét ở miễn phí.
Không chỉ được ở miễn phí, hỗ trợ bữa ăn 3.000 đồng, SV ở KTX Trường CĐ Đức Trí còn được giảng viên dạy miễn phí tin học, ngoại ngữ - Ảnh: Đoàn Cường
Sinh viên bớt nhọc nhằn
Gần bốn tháng từ ngày mới vào ở KTX, SV Đinh Văn Cua (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) vẫn còn cảm giác vui vẻ vì được nhà trường cho ở miễn phí. Cua nói: “Nhà em ở miền núi chỉ sống dựa vào nương rẫy. Xuống đây học, cha mẹ tằn tiện cho mỗi tháng 500.000 đồng, thuê trọ ở ngoài rẻ nhất cũng 700.000-800.000 đồng/tháng. May nhà trường cho ở KTX miễn phí nên cuộc sống cũng thoải mái”.
Để chia sẻ với SV có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường thực hiện chương trình bữa cơm 3.000 đồng. Theo thầy Trương Văn Hùng - hiệu trưởng Trường CĐ Đức Trí - chương trình có sự đóng góp của gần 30 cựu SV và các giảng viên, cán bộ nhà trường. Thầy Hùng cho biết mỗi suất cơm giá 13.000-15.000 đồng nhưng trường chỉ thu 3.000 đồng. Gọi cơm 3.000 đồng là để các em hiểu bữa cơm do chính các em mua chứ không phải xin.
SV ở KTX của trường có tới 19 dân tộc khác nhau. Theo cô Nguyễn Thị Thu - phó trưởng phòng tổ chức hành chính, điều làm ban quản lý KTX và giảng viên rất thích là tính thật thà của SV.
Nhiều SV khi cha mẹ gửi tiền sinh hoạt thì nhờ cô giáo giữ giùm để cô lên kế hoạch chi tiêu trong cả tháng cho mình.
“Cứ đầu tháng nhận được tiền của cha mẹ các em gửi, tôi lại tính toán tỉ mỉ sao cho hợp lý, nhất là các bạn nữ vì còn lo cách ăn mặc, chuyện con gái nữa” - cô Thu cho hay. Chính vì thế, những giảng viên ở đây được SV coi như người anh người chị trong nhà.
Nên tham gia mạng xã hội
Thầy Trương Văn Hùng cho biết trước khi SV vào ở KTX, nhà trường gặp mặt tất cả và động viên các em nên tham gia mạng xã hội, qua đó học hỏi, cập nhật được những thông tin của xã hội. Tuy nhiên, SV tuyệt đối không được bôi nhọ, nói xấu người khác.
Theo thầy Hùng, với sự phát triển CNTT như hiện nay, cấm các em vào Facebook hoặc Twitter là không khả thi. Vì thế, trường chủ động cho các SV tham gia mạng xã hội.
Thầy Hùng cũng tiết lộ từ năm học này, trường bắt buộc tất cả SV học môn đạo đức nghề nghiệp, vệ sinh phòng bệnh... Chương trình do chính giảng viên của trường biên soạn, gồm 30 tiết học lý thuyết và thực hành. “SV phải hiểu rằng một người thợ máy nếu không có đạo đức anh sẽ siết bulông quá lỏng hoặc quá chặt. Người dược sĩ không có đạo đức sẽ bán thuốc không đúng, không đủ toa thì nguy hiểm cho người bệnh” - thầy Hùng nói.
Thiết thực, hữu ích
Ông Nguyễn Văn Ngọc - phó chủ tịch UBND phường Hòa Minh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) - cho biết Trường CĐ Đức Trí đóng trên địa bàn phường từ nhiều năm qua và có mối quan hệ chặt chẽ với địa phương. “Hồi khai giảng chúng tôi được mời dự, khi nghe nói KTX của trường đón SV vào ở miễn phí chúng tôi cũng rất mừng. SV xa gia đình, cuộc sống khó khăn, vất vả nay được ở KTX rõ ràng sẽ đỡ khổ hơn, yên tâm học tập. An ninh trật tự địa phương cũng tốt hơn. Đó là mô hình thiết thực, có ích”.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng - trưởng phòng GDCN-GDTX (Sở GD-ĐT Đà Nẵng) - cho biết qua thông tin của PV mới biết mô hình KTX miễn phí. Ông Dũng nói sẽ đến trường để thực tế, ghi nhận mô hình này.