Nếu bạn không đủ giỏi, đừng cố đi ngược đám đôngBạn cảm thấy chán ngán với bài vở ở lớp? Bạn ưa thích sáng tạo và không muốn cả đời đi trên những lối mòn? Thần tượng của bạn là một người không theo đại học nhưng vẫn có được những thành công nhất định và khiến bạn hâm mộ không ngừng? Bạn muốn trở thành một trong những người thành công dù không đi theo con đường “đúng chuẩn” là vào đại học, tốt nghiệp và kiếm việc làm?
Phương Anh (Hà Nội) chia sẻ:
“Tớ không nghĩ đại học là con đường duy nhất để thành công. Hơn nữa, kết quả học tập ở trường cũng khiến tớ tin rằng mình hoàn toàn không có duyên với sách vở. Hết cấp 3, tớ dự định theo học nghề cắm hoa ở một trung tâm nào đó rồi mở shop hoa của riêng mình. Tớ đã thử nghiệm vài lần cho những dịp hội nghị quan trọng ở cơ quan mẹ tớ, mọi người khen nhiều lắm nên tớ cũng cảm thấy vững tin phần nào”.
Không phải bạn nào cũng nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ như Phương Anh, Mai Hoàng (BN) đã bị bố mẹ mắng một trận “lôi đình” sau khi “thổ lộ” ý tưởng bỏ thi đại học và vừa phượt, vừa tìm việc ở khắp Đông Nam Á.
“Bố mẹ muốn tớ có một công việc ổn định trước khi bay nhảy khắp nơi. Tớ cảm thấy rất nản nhưng cũng lo rằng nếu không có bằng đại học, không có kinh nghiệm làm việc, kiếm tiền ở nước ngoài cũng khó. Nên khi bố mẹ phản đối như vậy, cũng đành nghe theo chứ không biết làm thế nào” - Mai Hoàng nói trong thất vọng.
Khác với Phương Mai hay Mai Hoàng, Quỳnh Lan (ĐN) nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ phía gia đình nhưng sau hơn hai năm lang thang và thử sức với rất nhiều nghề mà không thành công, Lan bắt đầu rơi vào tình trạng mất phương hướng.
“Năng lực không thực sự tốt, tớ lại không có nhiều sự tự tin, bằng cấp dẫu sao cũng là một vấn đề quan trọng ai cũng nên có. Tớ cảm thấy hoang mang kinh khủng. Thời gian tới, tớ sẽ nghĩ đến việc học và kiếm một tấm bằng để công việc trở nên thuận lợi và gom góp được nhiều tự tin hơn!”.
Người ta luôn nói cuộc sống phức tạp hơn nhiều những gì chúng ta được học trong nhà tường. Kiến thức được dạy trong trường đại học là quá ít ỏi so với những gì cần được áp dụng trong thực tế. Nhưng nếu bỏ qua nấc thang “đại học”, bạn chắc chắn sẽ vấp phải không ít khó khăn. Đó là lý do người ta gọi bỏ thi đại học là “đi ngược đám đông”, và những người đi trước đã truyền đạt kinh nghiệm “Nếu bạn không đủ giỏi, đừng cố đi ngược đám đông”.
Thế nào là giỏi?
Đó là câu hỏi ai ai trong chúng ta cũng sẽ đặt ra cho mình khi nghe lời khuyên “Nếu bạn không đủ giỏi, đừng cố đi ngược đám đông.” Chữ “giỏi” ở đây không có nghĩa bảng điểm cao, thành tích hoạt động xã hội nhiều mà chỉ đơn giản là:
- Hiểu mình muốn gì. Hơn ai khác, bạn là người nên biết rõ mình muốn làm điều gì, muốn được trở thành một người như thế nào trong tương lai. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể vạch ra kế hoạch cho những bước đi sau này của mình.
- Biết tự lượng sức mình. Không quá đề cao nhưng cũng không tự ti quá mức, đó là điều bạn cần vào lúc này. Hãy đặt cho mình những giới hạn, không phải để nghĩ đó là ranh giới, mà để bạn vượt qua và chạm những giới hạn lớn hơn.
- Tin rằng không có điều gì có thể giành được một cách đơn giản. Bạn chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ mọi người, khó khăn từ ngoại cảnh. Nhưng chỉ cần bạn vững tin vào bản thân mình, tin vào những bước đi chắc chắn của chính mình, chắc chắn bạn sẽ sớm thành công!