Thời gian gần đây, cộng đồng mạng lên cơn sốt vì bài văn "ba ngày làm chuột"vô cùng độc đáo của một học sinh nhập vai trong thế giới của loài chuột, để cảm nhận đói, khát, nỗi sợ hãi... Bài văn là của em học sinh Ngô Thùy Dương, đội tuyển văn 4 – Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Trí Đức.
Đề bài được ra bởi cô giáo dạy văn của trường Ams là cô giáo Đặng Nguyệt Anh như sau: Do một lỗi lầm nào đó, em bị phạt phải biến thành một con chuột (hoặc vẹt, gián, chó sói...) trong 3 ngày. Trong khoảng thời gian đó, em đã trải qua hững sự việc nào, rút ra bài học gì? Vì sao em mong chóng được trở lại làm người?
Cô Nguyệt Anh vui mừng kể về học sinh Ngô Thùy Dương, cô bé lớp 4 đã có bài văn “Ba ngày làm chuột” gây được sự chú ý và yêu thích của đông đảo độc giả. Thùy Dương là một học sinh có tố chất, rất thích học văn, chữ viết đẹp. Không chỉ kể chuyện tưởng tượng hay, Thùy Dương viết văn kể lại những hoạt động thực tế đã tham gia cũng rất khá. Em nhận biết được ý nghĩa của các hoạt động ấy và kết hợp kể với tả và biểu cảm.
Cô giáo Đặng Nguyệt Anh trong tiết học.
Cô Nguyệt Anh cho biết, không chỉ bài văn trên của Thùy Dương hay mà những bài văn khác của em đều làm rất tốt như lá thư của em gửi cho anh Ngô Văn Thuận (Thí sinh đạp xe 300km) dự thi Đại học rất xúc động, bài viết cảm nhận của em khi đi thăm Bảo tàng lịch sử Quốc gia cũng rất đạt.
Bài văn tiếp theo của học sinh Linh Đan, đội tuyển văn 4 – Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Trí Đức viết về“Ba ngày làm chuột”cũng rất ấn tượng, đã được nhiều độc giả yêu mến. Linh Đan cũng chia sẻ cháu rất hào hứng với cô giáo Nguyệt Anh vì cháu thích các đề bài, cách dạy vui, truyền cảm của cô. Với đề thi đó, Linh Đan đã có được những bài văn khá hay như viết thư gửi các chú bộ đội ở Quần đảo Trường Sa, viết thư gửi thí sinh Ngô Văn Thuận.
Đối với bài văn “Nghĩ về đồng tiền” của HS Nguyễn Trung Hiếu, cô Nguyệt Anh đã có lời phê về chất lượng bài văn ở trang đầu. Và sau câu văn cuối cùng của Hiếu, cô còn viết như sau: “Con hiện tại rất gầy và xanh xao. Bây giờ cô đã hiểu nguyên nhân. Nhưng khắc phục khó khăn theo cách này thì không ổn. Cô có cách giúp con kiếm tiền giúp mẹ”. Đây dường như không chỉ đơn thuần là lời phê bài văn của giáo viên, mà còn là những lời tâm sự, sẻ chia chân tình, sâu sắc.
Như vậy, cô giáo Đặng Nguyệt Anh đã trở thành cô giáo của những học sinh có bài văn “lạ” chính bởi những đề bài "lạ" của mình. Cô Đặng Nguyệt Anh quan niệm rằng: Đề văn hay là phải phù hợp với lứa tuổi, chương trình học và có yếu tố mới.
Khi ra đề cho học sinh cấp THPT, cô từng có những đề mở rất ngắn như: Hãy viết bài văn nghị luận về chủ đề liên quan đến đời sống văn hóa, xã hội: “Hoa hậu có cần tốt nghiệp THPT?”, “Bàn về đồng phục học đường”, “Tại sao không?”, “Phải chăng tôi đã sai?”… Đó là các đề gợi suy nghĩ và nâng cao ý thức, trách nhiệm cho học sinh. Nhưng, khi ra đề thi cho học sinh tiểu học, cô lại ra đề cụ thể, chia thành những câu hỏi nhỏ để các em không bị lạc đề.
Đưa thực tiễn đời sống vào văn học
Để tạo thêm sự yêu thích của học sinh với môn Ngữ văn, cô Đặng Nguyệt Anh đã có nhiều hoạt động giảng dạy sáng tạo, gắn với thực tế, gây sự hứng khởi với học sinh. Dạng đề thường được cô Nguyệt Anh sử dụng khi tổ chức thi học sinh giỏi là kể chuyện tưởng tượng, vì bằng cách đó, cô có thể phát hiện ra những học sinh có tố chất văn chương, có trí tưởng tượng phong phú. Ví dụ như trong dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cô giáo đã đưa hai nhóm học sinh lớp 8 đi tham quan phố Hàng Bạc và đến quán chả cá Lã Vọng để tìm hiểu về phố nghề và lịch sử của một nhà hàng nổi tiếng. Các em không chỉ được thưởng thức món chả cá mà trước đó còn được nghe chủ nhà hàng kể chuyện, được hướng dẫn chế biến món ăn.
Trong một tiết học văn dành cho học sinh tiểu học, cô Nguyệt Anh đã cho các em đọc bài báo về chàng trai đạp xe 300km để đi thi đại học, đó là Ngô Văn Thuận đến từ Nghệ An. Cô đã kể cho các em biết mảnh đất Yên Thành nghèo khó nhưng có truyền thống hiếu học, cô hỏi các em có bao nhiêu bộ quần áo, hàng ngày ăn những gì; còn anh Thuận là người như thế nào khi chỉ có hai chiếc áo, trong nhà không có gì giá trị, nên phải ăn bánh mì không, uống nước trắng khi đi thi đại học?… Sau đó, cô giáo Nguyệt Anh giao bài tập về nhà cho học sinh: viết thư gửi anh Ngô Văn Thuận. Cô hứa sẽ gửi những bức thư đó tới nơi anh Thuận đang học. Lần ấy, cả lớp không em nào thiếu bài tập về nhà. Những bức thư của các em rất hồn nhiên và cảm động.
Cô giáo Nguyệt Anh luôn tạo cho học sinh niềm yêu thích học văn.
Là giáo viên dạy văn đã lâu năm, cô Đặng Nguyệt Anh trăn trở: Không chỉ thời nay mà từ lâu, học sinh thường có tâm lý ngại học môn văn, ít trò thích môn văn. Vì thế, quan điểm dạy học của cô là không áp đặt, nhồi nhét kiến thức cho học sinh mà phải giúp các em thích môn Văn qua các giờ học hứng thú, hướng dẫn các em học có hiệu quả và có thể tự viết văn, mạnh dạn nêu suy nghĩ, cảm nhận của mình chứ không bị phụ thuộc vào bài văn mẫu.
Trước tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều những bài văn “thảm họa”, cô giáo Nguyệt Anh nhận định: Đó có thể là do năng lực của học sinh hoặc do các em cố tình làm những điều gây chú ý, cũng có thể do giáo viên chưa thực sự vững vàng, sắc sảo về chuyên môn khiến học sinh nắm bài chưa tốt, thậm chí là sai về kiến thức và kém về kỹ năng.
Cô Nguyệt Anh nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh: Cần “đồng hành” với con trong học tập và tìm hiểu thực tế cuộc sống, thường xuyên mua sách tham khảo hay nhằm nuôi dưỡng tâm hồn cho con như: “Những tấm lòng cao cả”, “Đóa hồng tặng mẹ”, “Thư gửi người sắp lớn”… và những tập thơ hay viết cho thiếu nhi hoặc do thiếu nhi sáng tác.