Chuyện về những SV "hạt tiêu" đầy nghị lực

Cá Mập, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 27/07/2012

Với nhiều người, đường đến trường trở nên xa vời hơn không chỉ bởi hoàn cảnh khó khăn hay thiếu tiền bạc, mà còn bởi những thiệt thòi ngay trong chính hình dáng, cơ thể của họ...

Họ cần điều gì để “sống sót”?

Duy Khánh, cậu sinh viên lớp Tin 2, K56, trường ĐH Công nghiệp HN, đã phải trải qua những tháng ngày mệt mỏi khi phải khoác trên mình “vỏ bọc” của một cậu bé lớp 1. Thể trạng cậu không được tốt nên trong khi bạn bè có thể tung tăng bay nhảy với nhiều môn thể thao khác nhau, cậu thường xuyên phải chịu cảnh ốm vặt. Nghĩ mình khiến mọi người vất vả, Khánh buồn và lo lắng nhiều lắm. 

Thân hình thấp bé từng khiến Khánh mặc cảm

Bố cậu từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên những năm 1970. Chất độc da cam ông mang trong người từ những năm tháng bom đạn đã để lại di chứng lên hai con trai của ông là Khánh và Long (anh trai của Khánh). Cậu không thể tham gia vui đùa với bạn bè cùng trang lứa, thậm chí khi rảnh rỗi, muốn chạy nhảy, đá bóng hay cầu lông,... cậu cũng phải “bằng lòng” nhập hội với tụi trẻ con trong trường hay ở gần nhà. 

Khi cậu tự giới thiệu bản thân là sinh viên, không một ai tin đó là sự thật. Trước những khó khăn như thế, Khánh cho biết điều quan trọng và cần thiết nhất với cậu chính là ý chí, là sự tự động viên của bản thân, là sự an ủi, chia sẻ của gia đình. Cần hơn nữa, Khánh phải phấn đấu để sớm thực hiện giấc mơ trở thành ông chủ cửa hàng thiết kế website của mình.

Cũng giống với Khánh, Lê Thị Vi - cô nữ sinh có nghị lực phi thường ở tỉnh Quảng Nam, đã sớm mang trong mình căn bệnh dị tật bẩm sinh khiến mọi sinh hoạt trở nên khó khăn. Thế nhưng, Vi đã biết cách sống thật lạc quan và yêu đời. Bạn ấy tin rằng: “Đó là sự ban tặng của tạo hóa và mình phải biết vượt lên số phận để trưởng thành hơn”. Khó khăn là một phần tất yếu của cuộc sống nhưng số người biết coi nó là bệ đỡ cho thành công như Vi chắc chắn không nhiều!


Vi rất thích học và với cô bạn, đây chính là cách để vượt qua khó khăn.

Riêng với Lê Hải Trung, chàng sinh viên tí hon nhất của Việt Nam, mỗi ngày đến giảng đường dường như là một cực hình. Khi vóc dáng 1m của cậu là quá nhỏ so với bàn ghế. Muốn chép bài đầy đủ, cậu cần phải đứng trong suốt buổi học. Giờ giảng bài kết thúc cũng là lúc đôi chân cậu mỏi nhừ. Nhưng cậu luôn nghĩ đến bố mẹ và những người thương yêu cậu, lấy đó làm động lực cố gắng, không bao giờ cho phép bản thân gục ngã.

Điều tương tự cũng xảy đến với Nguyễn Thiện Huy, ĐH Đông Á Đà Nẵng. Ngay cả khi quá mỏi mệt khi phải đứng chép bài cả ngày, Huy cũng luôn thúc giục mình phải cố gắng. Càng khó khăn, ta càng cần phải nỗ lực để khẳng định bản thân hơn nữa...


Vể bề ngoài của Huy thật không khỏi bị người khác nhầm lẫn là học sinh tiểu học. Nhưng cậu không hề nản lòng.

Họ đã thành công như thế!

Mặc dù phải trải qua nhiều ca điều trị đau đớn trong bệnh viên, Vi vẫn luôn là học sinh khá giỏi trong suốt 12 năm đến trường. Cô bạn ước mơ được đến trường, được học và sau đó “có điều kiện sẽ mở trung tâm dạy tin học miễn phí cho những người khuyết tật như mình”.

Khánh và anh trai của mình vẫn đang miệt mài trên con đường trở thành những nhà thiết kế website. Vẫn biết còn có rất nhiều khó khăn. Nhưng chẳng phải cứ có ước mơ và dám sống với ước mơ đó, ta sẽ thành công sao?


Khánh muốn được làm một nhà thiết kế website giỏi.

Đỗ vào trường đại học với số điểm khá cao, Trung đặt ra mục tiêu sẽ học thật tốt trong 4 năm đại học để khi ra trường sẽ trở thành một chuyên gia phần mềm, lập trình giỏi và kiếm được việc làm phù hợp. “Khi điều kiện cho phép, Trung sẽ mở một cơ sở sản xuất phần mềm và tạo việc làm cho những phận đời thiếu may mắn” - cậu bạn tâm sự.

Còn với Huy, cậu sinh viên có gương mặt ngây thơ của một đứa trẻ, vóc dáng không thể trở thành vật cản. Cậu học chăm và sáng dạ. Cậu còn là nhân viên part time cho quán ăn trong thời gian rảnh rỗi để có thể phụ giúp bố mẹ phần nào về mặt tài chính.


Sau giờ học Huy còn đi phụ làm phục vụ ở quán cơm để kiếm tiền giúp đỡ gia đình.

Sẽ là một cuốn sách dày...

Chúng ta hẳn đều đã biết tới những cuốn sách viết về những tấm gương thành công, những mảnh đời vượt khó ở đâu đó trên thế giới này. Chúng ta trân trọng, cảm phục và thương yêu họ mà không biết rằng ngay ở xung quanh chúng ta, cũng còn rất nhiều hoàn cảnh như thế. Rất nhiều bạn sinh viên tí hon đang phải đánh vật từng ngày trên giảng đường để có thể chạm tới ước mơ, tương lai của chính mình. Những cuộc đời như thế, hẳn sẽ rất tuyệt để làm nên một cuốn sách thật dày...
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày