“Chìa khóa” để luôn nổi bật trong tập thể

Hiến Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 01/07/2015
Chia sẻ

Kỹ năng ứng xử chính là chìa khóa để một người luôn nổi bật trong tập thể. Sau đây là một số nguyên tắc cần thiết trong kỹ năng ứng xử để luôn được người khác nể phục.

Nói được làm được

Nói được làm được hay nói cách khác là chữ tín. Để được người khác tin tưởng thì một người luôn phải đặt chữ tín lên hàng đầu. Tiền bạc, vật chất mất đi có thể lấy lại, nhưng chữ tín mất đi thì khó có thể lấy lại.

Nói được làm được còn có thể là sự quyết tâm, đã nói thì nhất định phải làm và làm đến cùng. Sự quyết tâm, nỗ lực hết mình trong công việc sẽ khiến những người xung quanh nể phục, tôn trọng và đặt niềm tin.

Ngược lại, khi không làm được thì đừng nói, và đặc biệt là đừng hứa. Vì sự việc này lặp lại nhiều lần sẽ khiến bạn xấu đi trong mắt người khác. Và hơn nữa là mất lòng tin của người khác. Tác hại của việc đánh mất lòng tin là bạn sẽ bị cô lập trong tập tể, và không ai có thể thành công nếu làm việc một mình.



Hài hước

Sự hài hước luôn khiến cho mọi người gần gũi với nhau hơn, và một người hài hước một cách có duyên sẽ thu hút mọi người. Không ai chờ đợi một người luôn cau có, khó khăn trong công việc. Trong công việc tập thể, với những việc có thể làm người khác cười, hãy làm điều đó. Sự thoải mái sẽ giúp công việc hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sự hài hước không đồng nghĩa với dễ dãi trong công việc. Sự hài hước là để tăng đoàn kết, hiệu quả công việc chứ không phải để “buông thả”, coi thường công việc. 

Bình tĩnh, cẩn trọng

Luôn bình tĩnh và cẩn trọng trong công việc là khả năng đặc biệt của người lãnh đạo. Trong những tình huống xấu, khủng hoảng tập thể,… nếu giữ được bình tĩnh trong ứng xử, bạn sẽ là người chiến thắng.

Kỹ năng này là một trong những kỹ năng khó nhất trên đường thành công. Một nghiên cứu cho thấy IQ sẽ bằng không khi con người mất bình tĩnh, nghĩa là khi tức giận và mất kiểm soát, con người hành động như người mất trí. Vì vậy rèn luyện bản lĩnh trong ứng xử là điều đặc biệt cần thiết để bạn có được sự nể trọng trong tập thể.

Lắng nghe

Hãy lắng nghe người khác trình bày ý kiến trong việc của họ. Khi người khác mở lời trình bày, nghĩa là họ cần sự giúp đỡ, và nếu có thể hãy cố gắng giúp đỡ họ. Theo một cách nào đó, giúp đỡ người khác là sự “đầu tư” an toàn và “có lãi” nhất. 

Kỹ năng lắng nghe còn thể hiện ở sự tiếp thu ý kiến người khác trong công việc của mình. Không gì là hoàn thiện tuyệt đối, và nhiều cái đầu sẽ “lợi hại” hơn một cái đầu. Tiếp thu một cách chọn lọc và tỉnh táo sẽ giúp công việc của bạn hoàn thiện hơn. Tất nhiên, cũng cần tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”.



Nhìn sự việc từ nhiều phía

Trong bất kỳ trường hợp nào xảy ra, bạn luôn cần bình tĩnh và nhìn sự vật từ nhiều phía. Có thể ở góc nhìn này thì hành động đó sai, nhưng ở một góc độ khác thì hành động đó là đúng. Chính vì vậy, để những người xung quanh nể phục, tôn trọng, bạn cần là người thấu hiểu.

Không tọc mạch

Việc gì không phải của mình thì đừng thò tay vào, đó là một trong những nguyên tắc trong ứng xử. Sự tọc mạch chỉ dành cho những người có ý đồ xấu và là một hành động không dành cho những người “quang minh chính đại”.

Tật nhiên, không tọc mạch không đồng nghĩa với việc “vô cảm”. Để trở thành người lãnh đạo, bạn phải nắm rõ công việc của từng người. Một người lãnh đạo tập thể xuất sắc là người nhớ được sinh nhật của từng thành viên trong tập thể. Những chi tiết quan tâm nhỏ có thể tạo nên niềm tin, sự trung thành lớn.

Kiểm soát nhưng không có nghĩa là nắm bắt tất cả những công việc của các thành viên, mà để họ thỏa sức sáng tạo, nhưng phải đủ tỉnh táo để định hướng cho họ đi đúng đường và không bị “đâm sau lưng”. 

Không làm tổn thương người khác

Hãy đặt mình vào địa vị của người khác để hành động sao cho vừa “có tình, có nghĩa”. Cố gắng để quyền lợi tập thể không xâm hại đến quyền lợi của một cá nhân nào. Hay đơn giản hơn, là dù tức giận đến đâu cũng đừng “buông lời cay đắng”.

Nhưng nếu đã lỡ làm tổn thương người khác, hãy xin lỗi. Biết cảm ơn và xin lỗi chính là đức tính cần thiết trong ứng xử để người khác tôn trọng. Cảm ơn và xin lỗi là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự văn minh, lịch sự của một người.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày