Để có được một tiết học hiệu quả bên cạnh sự hăng say, nhiệt tình giảng bài của thầy cô giáo là sự đóng góp ý kiến một cách tích cực từ phía học sinh. Thế nhưng có một hiện tượng là càng lên cấp cao hơn thì học sinh lại càng “ngại” giơ tay phát biểu ý kiến hơn. Và điều đó gây nên một tâm lý “chán” dạy từ phía thầy cô giáo, và “chán” học từ phía học sinh.
“Câu hỏi đó ai cũng biết câu trả lời rồi, thì giơ tay làm gì?”
Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho các bạn không muốn thậm chí là “không thèm” giơ tay phát biểu ý kiến. Nhiều câu hỏi được đưa ra mà câu trả lời đã có sẵn hết trong sách giáo khoa và học sinh chỉ cần nhìn vào sách đọc y nguyên lại. Điều này khiến các bạn cảm thấy ngại và “ngượng”. Và với những câu hỏi thuộc tuýp này thì sau khi thầy cô giáo đưa ra, cả lớp sẽ không ai bảo ai tự động quay ra nhìn xung quanh xem có ai giơ tay không? Nếu không có ai giơ tay thì mình cũng không giơ, và mọi người ai cũng chung suy nghĩ đó. Kết quả là cả lớp im lặng như tờ.
Thường thì một tiết học chỉ kéo dài 45 phút chính vì vậy thầy cô giáo cũng ít có cơ hội để truyền đạt thêm kiến thức bên ngoài liên hệ thực tế để học sinh có cơ hội được trao đổi và nói lên sự hiểu biết của mình ngoài những thứ đã viết sẵn trong sách.
Các bạn ngại gì và sợ gì?
“Ngại nói trước đám đông, ngại thầy cô vì ở đất nước ta giữa thầy và trò dường như vẫn còn một khoảng cách vô hình không thể gắn kết được, thầy cô giáo với học sinh chưa thực sự gần gũi nhau, rồi thì bạn ngại bạn bè xì xào bàn tán “chắc nó muốn nổi bật đây mà” hay là “chắc muốn lấy lòng thầy cô rồi”, ngại mình là người đầu tiên...Và bạn sợ “mình trả lời sai” sẽ khiến cho các bạn chê cười theo kiểu “không biết mà cũng đòi giơ tay” hay “học giỏi thế mà cũng không biết làm bài này”. Bạn sợ kiến thức của mình không đủ để khi đứng lên trả lời thầy cô sẽ hỏi thêm những câu hỏi khác mà có khi bạn có thể sẽ không trả lời được.
Kiến thức là một biển rộng bao la, không ai có thể thuộc lòng mọi điều trong cuộc sống, vì vậy con người cũng có lúc đúng, lúc sai, bạn cần và nên vượt qua tâm lý “ngại và sợ” này. Trả lời sai cũng chẳng có vấn đề gì cả, nếu thầy cô hỏi thêm, mình không biết không trả lời được là lẽ đương nhiên. Vậy có gì mà bạn phải ngại cơ chứ?
Sức ỳ quá lớn cộng thêm sự ỷ lại
Ai cũng biết khi còn ở cấp tiểu học ai cũng tranh giành nhau giơ tay lên bảng, trả lời câu hỏi dù đó là câu hỏi dễ hay khó. Nhưng dần lên cấp 2, cấp 3 rồi bước chân vào giảng đường đại học, những cánh tay giơ lên ngày càng tỷ lệ nghịch với bậc học. Các bạn chỉ giơ tay khi thầy cô cộng điểm vào bài kiểm tra hoặc trả lời đúng, làm bài đúng thì có. Với cái tâm lý “ngại” ở trên trong suốt một thời gian sẽ hình thành cho bạn có thói quen không giơ tay phát biểu trước lớp và tạo nên một sức ỳ cực kì lớn không chỉ trong học tập mà ngay cả trong các vấn đề khác trong cuộc sống, bạn cũng sẽ ngại đưa ra quan điểm cá nhân.
Bên cạnh đó nếu bạn không phải là các bộ lớp hay ngôi sao sáng trên bầu trời học tập, thì trong bạn sẽ có suy nghĩ, không ai phát biểu thì kiểu gì thầy cô cũng “tự hỏi và tự trả lời” hoặc chọn mặt gửi vàng, mà thường là các bạn học khá giỏi trong lớp, chứ mấy khi gọi trúng mình. Mà có gọi trúng mình thì khi đứng lên, kiểu gì ở dưới cũng có người nhắc hoặc người nói “leo” theo. Nên chẳng có gì mà phải lo lắng cả.
Môn phụ nên không thích học và không chú ý học
Hiện nay học sinh chỉ tập trung vào một số môn thi tốt nghiệp và thi đại học mà bỏ qua các môn khác như Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học.... hoặc các môn không phải khối thi. Trong những giờ đó, các bạn thường chỉ nghe và chép cho đầy đủ bài là được. Thậm chí các bạn còn cả không học bài cũ hay làm bài tập về nhà cũng như soạn bài trước nữa. Thế nên khi lên lớp, do không có sự chuẩn bị trước, cộng thêm tâm lí không muốn, không thích học khiến cho giờ học trở nên trầm lặng và “mãi không thấy hết giờ”. Mỗi khi thầy cô giáo nêu câu hỏi, không ai bảo ai đều cúi đầu ra vẻ chăm chú đọc sách, nghiên cứu. Nhưng thực ra thì ngay chính các bạn cũng chẳng biết mình đang đọc cái gì.
Không thể nói việc học sinh ngày càng lười giơ tay phát biểu ý kiến là lỗi ở học sinh hay ở giáo viên. Có thể do giáo viên chưa biết cách khơi gợi hứng thú cho học sinh đối với môn học đó, nhưng cũng có thể xuất phát từ chính học sinh. Nhưng việc này thật sự rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Việc học tập thụ động như vậy là nguyên nhân chính khiến cho chúng ta vừa học xong môn học đó, ra chơi 5 phút vào là quên hết những thứ thầy cô vừa giảng, về nhà học bài cũ mãi không thuộc.