Buổi học sáng. Cô kiểm tra vở chính tả của một học sinh lớp 4. Thấy em viết nguệch ngoạc, trong khi các bạn khác đều hoàn thành tốt, cơn giận nổi lên, cô xé toạc trang giấy và dọa “nếu con không viết lại bài này để nộp, cô sẽ treo con lên quạt cho xoay vòng vòng”.
Giờ học buổi chiều, kiểm tra lại vở của học sinh thấy em vẫn chưa viết lại bài, cô gọi em đứng dậy và không kìm được giận, cô tát vào mặt em đau điếng. Đến tối, má vẫn còn sưng, học sinh nghe ù tai. Cha mẹ học sinh đưa đi bác sĩ khám mới bàng hoàng với kết quả chẩn đoán “sung huyết màng nhĩ, chấn thương, viêm tai giữa cấp”.
Ảnh minh họa
Gia đình học sinh đến trường làm dữ, đòi kỷ luật cô giáo, chuyển con sang học lớp khác. Hiệu trưởng yêu cầu giáo viên giải trình trước toàn thể phụ huynh. Cô giáo cúi mặt, nhận mình nóng nảy, chỉ vì nhắc nhở nhiều mà học sinh vẫn không tiến bộ.
Ý kiến chuyển cô sang lớp khác, phụ huynh người đồng ý, người không. Có người nói quyết định của học sinh mới là quan trọng. Hiệu trưởng liền cho toàn bộ học sinh của lớp vào phòng riêng, làm một trắc nghiệm nhỏ với những câu hỏi: “Đến trường con có vui không?”, “Con thích học gì?”, “Con có thích học với cô X nữa không?”...
33 bản trả lời, chỉ có một bản viết: “Con cũng không biết nữa, có lúc con thấy thương cô nhưng có lúc con thấy sợ cô lắm” cho câu hỏi: “Con có thích học với cô X nữa không?”. 32 bản còn lại đều viết: “Con không muốn cô X chuyển lớp”, “Con thích học cô”, “Cô đánh là vì con hư mà thôi”, “Cô hay kể chuyện để cả lớp cười, cô còn trang trí lớp học rất đẹp”, “Cô viết chữ đẹp lắm”, “Con yêu cô X nhất, con muốn học cô mãi”...
Tại buổi họp kỷ luật, khi hiệu trưởng đưa cho cô giáo xem những dòng chữ ngây thơ, non nớt của học trò, cô giáo òa khóc. Cô không ngưng lại được bởi cô biết cô không thể lấy lại cái tát phản sư phạm trong lúc nóng nảy ấy. Cô không ngừng khóc được vì cô biết cô đã phụ lòng những học trò luôn coi cô là thần tượng trong trái tim non nớt của chúng. Và vì học trò đã giữ cô lại, thay vì tố cáo, đẩy cô đi lớp khác.