Bắt mạch các hội chứng sau khi thi đại học

Phan Hằng, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 23/07/2012
Chia sẻ

Sau khi kết thúc kì thi đại học, một số hội chứng tiêu cực đã xuất hiện ở các sĩ tử và điều này đã làm cho những người xung quanh rất lo lắng.

Ca bệnh 1: Trầm cảm

Triệu chứng: Bác Anh, phụ huynh của bạn Quang (teen 12 THPT NHT) cho biết: “Sau buổi thi cuối cùng nhìn nó uể oải bước ra khỏi cổng trường là tôi đã biết được phần nào kết quả thi của nó. Vì đặt nhiều hy vọng và niềm tin vào nó nên vừa thấy là tôi đã vồ vập hỏi có làm bài được không. Nó chẳng trả lời gì, im lặng suốt chặng đường đi về, tới nhà là đóng cửa im ỉm, đến bữa ăn cũng không ngó ngàng gì tới. Tưởng rằng nó buồn một vài ngày thôi nên chúng tôi cho qua, nhưng nó cứ như vậy nguyên cả một tuần khiến chúng tôi lo lắng vô cùng.”

Cách khắc phục:

Kỳ thi kết thúc là lúc thí sinh rơi vào trạng thái hoang hoang, nhiều bạn làm bài rất tốt nhưng cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng, tưởng tượng như mình quên ghi tên, quên ghi số báo danh, mã đề thi... Hoặc có một số bạn vừa thi xong đã tra đáp án hết chỗ này chỗ nọ, kết quả mỗi nơi mỗi khác càng làm cho những bạn ấy nghĩ rằng thể nào mình cũng sẽ rớt.



Lúc này là lúc các bậc phụ huynh phải tâm lý, động việc an ủi con mình. Bạn bè nên rủ đi chơi cho khuây khỏa và hạn chế đả động tới chuyện thi cử. Tâm lý chung của teen là thi xong dù biết tốt hay xấu thì cũng không nên hỏi tới, dẫu sao thì kỳ thi đã qua rồi.

Ca bệnh 2: Ăn chơi thả phanh

Triệu chứng: Bạn Minh Trí (teen 12 THPT LQĐ) nói rằng: “Thế là kết thúc chuỗi ngày ôn thi vất vả. Bây giờ là lúc mình bắt đầu ngày tháng ăn chơi bù vào khoảng thời gian mệt mỏi vì học tập. Thế nên, bạn bè rủ lúc nào là mình đi chơi lúc ấy, ba mẹ cũng không cấm nữa. Nhiều khi đi nhậu với bạn bè say tè le, mò mẫm vào nhà bị ba mẹ la cho một trận nhưng rồi ngày mai mình cũng đi suốt ngày. Biết sao được, kỳ thi kết thúc cộng với nghỉ hè không lẽ suốt ngày mình phải ở nhà, như thế chán lắm.”

Cách khắc phục:

Nhiều phụ huynh cho rằng, thôi thì nó thi cử vất vả như vậy nên cho nó đi chơi cho xả stress chứ để nó ở nhà hoài thì cũng tội cho nó. Có nhiều phụ huynh mạnh tay chi tiền cho con mình đi du lịch, đi ăn uống vui chơi với bạn bè. Chính vì thế, mà cứ hễ ăn chơi hết tiền là nhiều teen lại về nhà vòi vĩnh bố mẹ và cứ lấy lý do thi cử vất vả. Thực tế có nhiều teen nổi tiếng ngoan hiền nhưng sau một thời gian bị bạn bè "cù rủ" ăn chơi quá độ đã không kiểm soát được bản thân.

Đồng ý là thi cử xong nên đi chơi để lấy lại được tinh thần nhưng mọi thứ đều nên có giới hạn của nó. Việc đi chơi quá độ xuyên đêm suốt sáng cộng với ăn uống không điều độ, bừa bãi khiến nhiều teen sau một thời gian sức khỏe giảm sút đau dạ dày, tình trạng say xỉn khiến teen lúc nào cũng mệt mỏi. Teen nên sắp xếp lại thời gian vui chơi của mình cho hợp lý, ngoài việc nhậu nhẹt thì teen nên tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa như hiến máu, tình nguyện... lập một thời gian biểu để tập thể dục buổi sáng sẽ rất tốt cho sức khỏe.



Ca bệnh 3: "Ngủ quên" trong chiến thắng

Triệu chứng: Những teen này đa số đã biết được kết quả thi của mình khá tốt, cơ hội đậu cao nên lúc nào cũng vui vẻ. Bạn Mai Anh (teen 12 THPT NT) cho hay: “Mình có một đứa bạn học khá giỏi, kỳ thi vừa qua bạn ấy đậu với điểm số khá cao. Vừa hết thi cũng là lúc bạn ấy vứt hết sách vở ôn thi đi, bắt đầu đi khoe khoang, tự kiêu với kết quả của mình. Bạn ấy nghĩ rằng đậu ĐH là đã thành công rồi, còn chuyện học hành sau này thì từ từ hẵng tính. Lúc này bạn ấy cũng đem lý do đậu ra để làm cái cớ cho việc lười nhác của mình.”

Cách khắc phục:

Thực tế có nhiều bạn mặc dù học cấp 3 rất giỏi, điểm đầu vào khá cao, nhưng sau một thời gian chủ quan, bỏ bê việc học trên giảng đường đã khiến cho kết quả học tập tụt dốc không phanh. Những bạn ấy cho rằng năm 1 là năm ăn chơi nên không cần thiết phải học nhiều.

Nếu teen đang có người bạn như vậy tốt nhất nên khuyên và góp ý, dẫn chứng ra hậu quả nếu không chịu học hành cho tử tế thì việc học lại thậm chí bị đuổi học có thể xảy ra. Tâm lý "ngủ quên" trong chiến thắng sẽ khiến teen bị thụt lùi so với bạn bè rất nhiều. Trong khi bạn mình đã học gần hết cuốn sách mà mình chẳng biết là đang học cái thì nữa thì thật đáng báo động.

Tạm kết

Có khá nhiều căn bệnh teen dễ mắc phải sau khi ĐH. Là một người bạn nếu thấy bạn mình đang đi chệch hướng thì teen nên nói rõ cho bạn ấy hiểu. Nếu những bạn ấy không chịu nghe theo lời của mình thì phải áp dụng biện pháp mạnh là nói thẳng với gia đình để ba mẹ quản lý.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày