Cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng... trong tay, sinh viên phải đối mặt với thế giới mới bao gồm công việc, các mối quan hệ, các khoản thu chi... và cả ước mơ, hoài bão của bản thân. Mỗi người đều có sự lựa chọn riêng nhưng không phải sự lựa chọn nào cũng mang lại kết quả tốt. Nhảy việc, học tiếp, kinh doanh,... là một trong những hướng đi mà nhiều tân cử nhân lựa chọn.
1. Học tiếp
Học tiếp là sự lựa chọn của nhiều sinh viên vừa mới tốt nghiệp, đặc biệt là những ngành Khoa học Xã hội và Kinh tế.
Ảnh minh họa.
Hưng sinh năm 1983, là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh của một trường dân lập. Không tự tin với tấm bằng cử nhân, Hưng học tiếp văn bằng 2, khoa Kinh tế của một trường công lập khác với mong muốn tìm được một việc làm tốt sau khi ra trường. Cầm trong tay hai tấm bằng Đại học vậy mà Hưng vẫn không tìm được công việc phù hợp. Hưng quyết định học lên Thạc sĩ với sự ủng hộ của gia đình. Tuy nhiên đến nay Hưng vẫn chưa đi làm và đang có ý định học tiếp.
Ra trường không xin được việc làm, Hưng tiếp tục học lên cao để chờ cơ hội là cách lựa chọn của nhiều tân cử nhân hiện nay. Thực tế, nếu thiếu kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn, thì dù có học cao sinh viên cũng khó được các nhà tuyển dụng để mắt.
Với tình trạng thừa người, thiếu việc như hiện nay thì các bạn trẻ cần cân nhắc giữa việc học tiếp hay tìm kiếm một công việc để tích lũy kinh nghiệm. Lựa chọn phương án vừa học vừa làm, đi làm lấy kinh nghiệm sau đó học tiếp cũng là một cách hay để vừa có kiến thức chuyên sâu và thực tiễn.
2. Nhảy việc
Mới ra trường, hầu hết sinh viên đều muốn tìm một công việc tốt, vừa tích lũy kinh nghiệm vừa có thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều bạn dù đã tìm được công việc phù hợp vẫn thích nhảy việc, tìm kiếm chỗ tốt hơn.
Đây là tâm lý rất dễ hiểu, vì hầu hết sinh viên mới ra trường đều có hoài bão lớn, muốn thành công nhanh chóng. Mặt tích cực đó là các bạn được tiếp xúc với nhiều môi trường, công việc khác nhau qua đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Mối quan hệ cũng từ đó được mở rộng, có cách nhìn mới mẻ về cuộc sống, tránh bệnh “ì” khi phải làm ở một nơi trong thời gian dài.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì “nhảy việc” cũng tồn tại mặt tiêu cực. Thói quen và sở thích nhảy việc khiến các nhà tuyển dụng dần mất lòng tin vào các bạn trẻ. Không một công ty nào muốn sau vài tháng đào tạo bài bản, ký hợp đồng, đóng bảo hiểm,... nhân viên lại ra đi. Chính vì vậy mà hiện nay các công ty đều yêu cầu thời gian thử việc dài hơn với mức lương thử việc thấp để tránh tổn thất cũng như tìm được người thực sự phù hợp với vị trí tuyển dụng.
“Nhảy việc” không đáng bị phê phán nhưng nếu để “nhảy việc” trở thành sở thích và thói quen thì sinh viên đang tự đánh mất quyền lợi của chính mình. Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, bạn cần một thời gian nhất định để cống hiến cho công việc mình lựa chọn. Đừng chỉ vì những khó khăn trước mắt, lương bổng, ý thích nhất thời,... mà “nhảy việc”.
3. Kinh doanh
“Làm thuê mỗi tháng thu nhập từ 3-5 triệu mà bị sai khiến này nọ, hoạch họe đủ kiểu,... thà mình tự làm chủ, tự làm, tự hưởng còn hơn” - đó là ý kiến của Thủy, tốt nghiệp chuyên ngành Marketing.
Tấm bằng cử nhân của Thủy nằm im trong tủ đã một năm nay. Tốt nghiệp, nhờ mối quen biết của bố mẹ, Thủy được nhận vào một doanh nghiệp làm nhân viên tiếp tân với tiền lương 4 triệu/tháng. Đối với một sinh viên mới ra trường, không có kinh nghiệm thì đây được xem là bước khởi đầu thuận lợi. Thế nhưng, sau một tháng pha trà, tiếp khách,... Thủy nhanh chóng chán ngán công việc này. Sẵn máu kinh doanh trong người, Thủy nghỉ việc, quyết tâm mở cửa hàng thời trang. Sau nhiều ngày huy động vốn từ phụ huynh không thành công, Thủy liền gọi điện khắp nơi vay tiền bạn bè, bán điện thoại, laptop... để lấy vốn làm ăn. Với số tiền 20 triệu đồng, Thủy nhập quần áo Quảng Châu, mở shop online bắt đầu buôn bán. Với dáng người chuẩn, gương mặt xinh xắn, có gu thời trang, Thủy tự làm người mẫu và nhanh chóng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Sau một năm chăm chỉ bán hàng, Thủy đã đủ tiền vốn để mở cửa hàng riêng, tiền lãi hàng tháng khoảng từ 30-50 triệu.
Mở công ty, shop thời trang, kinh doanh các loại mặt hàng... đang là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ sau khi ra trường. Điều này chứng tỏ, ngoài tấm bằng đại học thì ý tưởng, nhiệt huyết, động lực... là những nhân tố quan trọng làm nên thành công của người trẻ hiện đại.
4. Lập gia đình
Không giống với phần lớn bạn bè là tìm một chỗ làm ổn định, học tiếp, kinh doanh... Thu cầm tấm bằng cử nhân, lấy chồng, yên bề gia thất. “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng” là việc hết sức bình thường, nhưng điều đáng nói ở đây là Thu lấy chồng với lý do để tránh thất nghiệp.
Đồng quan điểm với Thu, nhiều bạn nữ có tư tưởng người chồng là trụ cột của gia đình, có trách nhiệm nuôi vợ, nuôi con, mua xe, dựng nhà. Con gái lấy được chồng giàu là may mắn, nếu không ít nhất cũng phải kiếm được người chồng có khả năng nuôi vợ, con.
Trở thành người vợ, người mẹ, người nội trợ đảm đang trong gia đình là một việc tốt đẹp, tuy nhiên nếu chỉ vì trốn tránh vấn đề “thất nghiệp” trước mắt mà lựa chọn phương án này thì quả là thiếu tự tin và có phần tiêu cực.
5. Để trống 1 năm
Hành động này hiện đang được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn. Với lối suy nghĩ sau gần 20 năm miệt mài học tập, mỗi ngày, mỗi năm đều đã dành trọn cho việc học của mình, nên thật sự chưa thể định hướng được những gì mà bản thân mong muốn. Vì thế, nhiều bạn đã quyết định dành ra 1 năm của mình để đi tìm mục tiêu. Có thể sẽ là du lịch, tham gia các hoạt động xã hội, câu lạc bộ đoàn thể, hoặc tham gia thêm các lớp học về kỹ năng để cũng cố bản thân. Với sự lựa chọn này, nhiều bạn cho rằng: "thường thì những quyết định hay lựa chọn sau đó đều rất đúng đắn. Mất 1 năm để suy nghĩ, vẫn tốt hơn là sau này cảm thấy hối hận hay mới nhận ra con đường mình chọn một cách quá vội vàng là hoàn toàn uổng phí".
Trên đây là một số hướng đi được đa số các bạn sinh viên lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Mỗi một phương án đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Điều quan trọng đó là chúng ta phải biết tính toán, cân nhắc những khó khăn, thuận lợi trước mắt và lâu dài để đưa ra một quyết định đúng đắn.