Trong danh sách trúng tuyển đợt 2 năm 2013 của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), ngành Xã hội học có số lượng học viên trúng tuyển sinh năm 1990 (tốt nghiệp ĐH năm 2012) và 1991 (tốt nghiệp ĐH năm 2013) tổng cộng là 22 trên tổng số 32 học viên, chiếm tới gần 69%.
Con số thống kê với học viên cao học sinh năm 1990, 1991 ở ngành Việt Nam học là 17/29 - chiếm 59%; ngành Văn học nước ngoài là 6/10; ngành Triết học là 25/54; ngành Nhân học 10/17; ngành Ngôn ngữ học 6/9; ngành Lý luận Văn học 8/12; Ngành Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam là 32/57; ngành Công tác xã hội là 32/49; Ngành Chính trị học 15/29; ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học là 9/15…
Ngành Lịch sử thế giới có 4 học viên trúng tuyển thì có tới 3 người sinh năm 1991. Ngành lịch sử Việt Nam có 6/9 học viên trúng tuyển sinh năm 1990, 1991, 1992, có 2 học viên sinh năm 1989…
Cũng theo kết quả trúng tuyển cao học đợt 2 mà Học viên Công nghệ Bưu chính viễn thông công bố, thì ngành Kỹ thuật viễn thông cơ sở phía Bắc trong tổng số 49 học viên trúng tuyển có 15 người tốt nghiệp ĐH năm 2012, và 20 người tốt nghiệp ĐH năm 2013. Ngành Công nghệ thông tin có 32 học viên trúng tuyển, thì 8 người tốt nghiệp đại học ngay trong năm 2013, 7 người tốt nghiệp năm 2012.
Chỉ lác đác một vài người tốt nghiệp ĐH năm 2007, 2008, còn lại là tốt nghiệp các năm 2010, 2011.
Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) trong đợt tuyển sinh tháng 11/2013 ngành Tài chính ngân hàng có 49/108 học viên trúng tuyển sinh năm 1990, 1991.
Ngành Quản trị kinh doanh có 31/111 học viên thuộc diện này. Con số này của ngành Kinh tế chính trị là 4/7.
Trong đợt 1 tuyển sinh cao học vừa được Trường ĐH Thương mại tổ chức tháng 3/2014, có 148 học viên trên tổng số 419 học viên trúng tuyển là sinh năm 1990, 1991, chiếm 35%.
Theo Ban Đào tạo sau đại học (ĐH Đà Nẵng), những năm gần đây xu hướng sinh viên mới tốt nghiệp ĐH đăng ký học luôn thạc sĩ rất nhiều. Lấy mốc năm 2010, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp học luôn thạc sĩ chỉ chiếm 15 - 20%. Nhưng đến nay, con số này ước khoảng trên dưới 50%.
Điều kiện thi ngày càng thoáng
Vài năm gần đây, Bộ GD-ĐT chủ trương tăng quy mô đào tạo sau ĐH. Trong năm 2009 - 2010, số thạc sĩ được cấp bằng trong các trường ĐH, học viện cả nước là 10.740 người, nhưng số tuyển mới là hơn 23.000 - số tuyển mới còn gấp đôi số được cấp bằng - và quy mô đào tạo của trình độ này lên đến hơn 54.000 người.
Tới năm học 2011 - 2012, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo được 89.923 học viên cao học.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, kế hoạch tuyển sinh năm 2014 tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo định hướng tăng khoảng 7% đối với đào tạo tiến sĩ và khoảng 5% đối với đào tạo thạc sĩ so với năm 2013.
Trường được tăng quy mô, nên điều kiện để dự thi cao học ngày càng thoáng.
Đa số các trường đưa điều kiện những người có bằng tốt nghiệp loại khá trở lên được dự thi ngay. Tuy nhiên, cũng có trường chỉ khống chế ở mức tốt nghiệp đại học loại trung bình khá, như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Vì vậy, không hiếm sinh viên ra trường với tấm bằng đại học dưới mức khá nhưng chỉ sau 2 năm tiếp tục đèn sách đã trở thành tân thạc sĩ.
"Đi học còn hơn đi bán hàng"
“Học thạc sĩ xong chưa chắc đã xin được việc, nhưng tốt nghiệp rồi mà chưa xin được việc ngay thì nếu có thể vẫn nên đi học cao học cho… đỡ lãng phí thời gian, lại thêm được cái bằng để bổ sung vào hồ sơ xin việc, còn hơn là đi làm mấy công việc tạm thời như bán hàng, quán ăn” - một học viên 9x đang học cao học tại Trường ĐH Thương mại tâm sự.
“Ra trường hơn một năm không xin được việc nên tôi tiếp tục học lên để chờ cơ hội” là chia sẻ của 9X khác đang học tại trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn.
Trong khi đó, bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 1, quý 1/2014 của Bộ LĐ-TB-XH công bố tỉ lệ thất nghiệp cao rơi vào những người có trình độ chuyên môn. Trong đó, thanh niên từ 20 - 24 tuổi tốt nghiệp CĐ, ĐH trở lên thất nghiệp tới 20,75%. Đặc biệt, có hơn 158.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với cuối năm 2012.
Với đà học tập “nâng cao trình độ” hiện nay, sự e ngại rằng trong thống kê lần tiếp theo, tỉ lệ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp sẽ ngày càng tăng không phải là không có cơ sở. Và cái vòng luẩn quẩn cử nhân thất nghiệp học thạc sĩ, thạc sĩ thất nghiệp lại tiếp tục đua làm tiến sĩ không biết khi nào mới chấm dứt.