2 năm đã bị bỏ lỡ...

Phan Hằng, Theo Trí Thức Trẻ 00:22 18/08/2013
Chia sẻ

"Và một năm nữa lại trôi qua, khi nhìn lại quảng thời gian năm 2 đầy sóng gió, cô ấy nhận ra rằng bản thân mình không thể nào cứ tiếp tục để tình trạng này tiếp diễn mãi được..."

Năm nay cô ấy 21 tuổi, hiện đang là sinh viên năm 3, đáng nhẽ ra là năm 4 so với bạn cùng trang lứa. Ngày trước cô ấy đã đối diện với việc rớt ĐH, chấp nhận học nguyện vọng 2 vào cái ngành mình mình không thích để vẫn được mang tiếng là đậu ĐH. Thế rồi, một học kỳ trôi qua, cô ấy nhận ra rằng mình vẫn còn tình yêu say đắm với nước Nhật, thế là cô ấy suy nghĩ bao nhiêu đêm để lựa chọn việc tiếp tục học hay là bỏ để ôn thi lại. Cuối cùng cô ấy nhận ra rằng, chỉ khi nào học mà có đam mê thật sự thì mới theo đuổi đến cùng được.

Cô ấy đã làm được, đậu ĐH lần thứ 2, và dường như khi đạt được mong ước của mình cô ấy đã "ngủ quên" trong chiến thắng. Khác với một số trường, trường ngoại ngữ nếu không học hành chăm chỉ sẽ chẳng thể nào thi cử được, không thể có chuyện học dồn đợi tới ngày thi mới cắm đầu học, quá muộn. 

Năm đầu tiên trôi qua, cô ấy học hành lơ là, cô ấy đổ lỗi cho tiếng Nhật khó và cuối năm bị xếp loại yếu. "Cú tát" ấy dường như vẫn chưa khiến cô ấy tỉnh ngộ ra. Và một năm nữa lại trôi qua, khi nhìn lại quảng thời gian năm 2 đầy sóng gió, cô ấy nhận ra rằng bản thân mình không thể nào cứ tiếp tục để tình trạng này tiếp diễn mãi được.

Có vẻ như những người học yếu thích đổ lỗi cho hoàn cảnh. Khi cuộc sống sinh viên quá thỏa mái, việc học cứ nhàn nhàn trôi qua. Thích thì đi học, không thích thì nghỉ, cũng không có ai cấm được. Cô ấy dần dần mất kiến thức cơ bản, không thể theo kịp chương trình trên lớp, thi cử đến thì hên xui có thể chép được bài còn không thì thôi. Mỗi lần đến thi cử là cô ấy lại cuống cuồng cả lên, gấp rút ôn bài, được chữ nào hay chữ đó. 

Mỗi lần đến lớp, cô ấy rất sợ khi bị thầy cô kêu đứng dậy trả lời, học năm 2 rồi mà giao tiếp còn bập bẹ, thầy cô nói gì không hiểu. Và việc đến lớp ngày càng trở nên áp lực với cô ấy hơn, cô ấy luôn có cảm giác bị bạn bè khinh thường mình học dốt, mặc cảm bản thân đã không cố gắng. Vô hình chung, cô ấy tự nhận rằng bản thân mình là một người học dốt, không có năng khiếu học ngoại ngữ.

Năm 2 kết thúc với điểm số thấp lè tè, cô ấy khóc khi nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều thời gian. Trong khi bạn bè giờ đây gần ra trường rồi mà mình vẫn lẹt đẹt học hành thế này, tương lai mình sẽ như thế nào, ra trường với tấm bằng trung bình hoặc có thể chẳng được ra trường, ra trường ai xin việc cho mình khi gia đình chẳng khá giả gì…Cô ấy đã lãng phí tuổi trẻ của mình, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.

Cột mốc quan trọng nhất để cô ấy thay đổi bản thân chính là việc người yêu cô ấy nhận được học bổng qua Nhật. Cô ấy cảm thấy rất mặc cảm và xấu hổ trong khi người yêu giỏi giang còn mình thì dốt như thế này. Cô ấy lao vào tìm kiếm những học bổng qua mạng nhưng cái nào cũng đòi hỏi trình độ giỏi giang, hoặc tự túc thì tốn hơn 200 triệu, nhà cô ấy không đủ khả năng cho cô ấy đi. Cô ấy chỉ mong được làm lại từ đầu, thà làm từ bây giờ còn nếu không sẽ mãi chẳng được cái gì cả.

Ước mơ cháy bỏng được qua Nhật ngay từ lúc đặt bút viết hồ sơ thi ĐH bỗng nhiên trỗi dậy. Cô ấy nhận ra rằng thà mình một lần nữa lùi một bước, chấp nhận theo sau bạn bè nhưng sau này tình hình sẽ khá hơn rất nhiều. Sau nhiều đêm suy nghĩ và tham khảo ý kiến của bạn bè, mặc dù không muốn chia tay bạn bè nhưng vì việc học quan trọng hơn bất cứ thứ gì nên cô ấy quyết định bảo lưu một năm.

2-nam-da-bi-bo-lo

Đúng, sự lựa chọn sáng suốt này khiến cho cô ấy cảm thấy rất nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Một năm, cô ấy sẽ có đủ thời gian để ôn tập lại toàn bộ kiến thức để có nền tảng học năm 3 chuyên ngành. Tiếng Nhật là một mốn rất khó, nếu không xác định vững kiến thức ngay từ đầu thì xác định lên năm 3 sẽ không thể nào học theo kịp. Và cô ấy lại rất sợ cảm giác khi phải đối diện năm 3 như hồi còn năm 2. 

Cô ấy nghĩ rằng nếu mình bảo lưu sẽ ôn tập cho thật kỹ, sẽ cố gắng kiếm một cái học bổng được qua Nhật. Còn nếu học tiếp tục thì cơ hội được qua Nhật sẽ không bao giờ có được.

Cô ấy đã bỏ phí 2 năm, đó sẽ là một bài học cực kỳ đắt giá của tuổi trẻ. Không bao giờ muộn cho một người muốn bắt đầu lại, quan trọng rằng cô ấy đã nhận ra đâu là điều cần thiết cho bản thân nên làm. Vạch ra một kế hoạch cụ thể cho việc học và có một ước mơ rõ ràng thì dù ta có đi chậm nhưng sẽ rất chắc chắn.

Một lời khuyên chân thành mà cô ấy muốn dành cho tất cả mọi người là, đừng bao giờ để lãng phí thời gian và sống thì phải có ước mơ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày